Ra mắt tác phẩm “Đế chế ký hiệu” của Roland Barthes

(PLVN) - Roland Barthes là một nhân vật lớn trong lịch sử văn học và triết học của thế kỉ XX. Là một trong những người đặt nền móng cho chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học Pháp, các tư tưởng của Roland Barthes đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều trường phái lý thuyết, bao gồm cấu trúc luận, ký hiệu học, lý thuyết xã hội và hậu cấu trúc luận,...
Ra mắt tác phẩm “Đế chế ký hiệu” của Roland Barthes

Năm 1970, sau khi đến Nhật một thời gian theo một chương trình hợp tác văn hóa, Roland Barthes viết “Đế chế ký hiệu”, trong đó ông diễn giải những gì mình quan sát được và sự hiện diện hầu như khắp nơi của các ký hiệu trong đời sống thường ngày của người Nhật nói chung và Tokyo nói riêng.

Hơn 50 năm sau lần đầu phát hành, bản dịch tiếng Việt của “Đế chế ký hiệu” được giới thiệu tới đông đảo công chúng tại Việt Nam.

Năm 1976, Roland Barthes được bầu vào Viện Cao học Pháp (Collège de France) với chức giáo sư ngành Ký hiệu học văn chương, một vinh dự dành riêng cho Roland Barthes và là sự công nhận tài năng và những đóng góp của ông.

Roland Barthes đặc biệt nổi tiếng với việc phát triển và mở rộng lĩnh vực ký hiệu học thông qua những công trình phân tích hàng loạt hệ thống ký hiệu mà “Đế chế ký hiệu” là một trong những tác phẩm điển hình.

“Đế chế ký hiệu” được nhiều nhà nghiên cứu về Roland Barthes coi là một trong những kiệt tác và bước ngoặt quyết định trong sự nghiệp của ông. Theo Roland Barthes, Nhật Bản là đất nước của ký hiệu và chữ viết. Tên sách có thể được hiểu theo nghĩa Nhật Bản là đất nước mà các ký hiệu ngự trị, “làm vua”. Bên cạnh đó, “đế chế” cũng mang hàm ý về chế độ quân chủ vẫn hiện hành ở Nhật.

“Đế chế ký hiệu” là tác phẩm mà ở đó Roland Barthes đã phác họa bức tranh về một Nhật Bản của những ký hiệu, của mật mã và quy ước, thanh cao và đẹp đẽ, bạo lực và trống rỗng, trong từng khu phố, từng nhà ga, cửa hàng, sân khấu hay những khu vườn... qua mỗi gương mặt, nét chữ, miếng tempura, trò chơi pachinko...

Mặc dù vậy, Roland Barthes cũng là một tác giả bí hiểm và khó tiếp cận. Chính tác giả của “Đế chế ký hiệu” là người nỗ lực trong việc làm cho những trang viết của chính ông trở thành không sao có thể xác định được. Đọc những trang viết của Roland Barthes, cũng như đọc các tác giả nổi danh Michel Foucault, Jacques Derrida, Gilles Deleuze hay Jacques Lacan, nghĩa là tự đày đoạ bản thân vào một mê cung của ngôn ngữ, trong đó ý nghĩa trôi nổi bập bềnh không sao nắm giữ được.

Cùng với các tác phẩm nổi bật khác của Roland Barthes như Những huyền thoại (Mythologies), Những yếu tố ký hiệu học (Éléments de sémiologie), Cái chết của tác giả (La mort de l’auteur) và Độ không của lối viết (Le degré zéro de l’écriture), “Đế chế ký hiệu” là một cuốn sách kinh điển giúp độc giả khám phá một nhà tư tưởng lớn của thế kỉ XX, nhà ký hiệu học, nhà nghiên cứu và phê bình văn học quan trọng, một con người tâm huyết thời đại mình sống.

Roland Barthes (1915-1980) là nhà ký hiệu học, nhà hậu cấu trúc luận, nhà phê bình văn học nổi tiếng người Pháp. Ông được coi một trong những người đặt nền móng cho chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học Pháp.

Ông mồ côi cha từ khi mới một tuổi, trải qua thời thơ ấu cùng mẹ ở nhà ông bà ngoại và đến năm chín tuổi thì cùng mẹ chuyển tới sống ở Paris. Ông bộc lộ từ rất sớm niềm say mê dành cho sân khấu, văn chương và âm nhạc. Do bệnh lao phổi, con đường học hành của ông bị gián đoạn, nhưng không vì thế mà ngăn ông tự nỗ lực, đạt tới vốn kiến thức sâu rộng và trình độ cao làm bất ngờ cả giới đại học.

Năm 1976, Roland Barthes được bầu vào Viện Cao học Pháp (Collège de France), làm giáo sư ngành ký hiệu học văn chương, một chức danh được dành riêng cho ông. Một số tác phẩm nổi bật của Roland Barthes: Đế chế ký hiệu (L’Empire des signes), Những huyền thoại (Mythologies), Những yếu tố ký hiệu học (Éléments de sémiologie), Cái chết của tác giả (La mort de l’ auteur) và Độ không của lối viết (Le degré zéro de l’écriture).

Đọc thêm