Rà soát, loại bỏ “kẽ hở” trong Luật Đất đai

0:00 / 0:00
0:00
Sau 7 năm thực thi, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ một số kẽ hở, hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là sự chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai với luật chuyên ngành có liên quan.
Đo đạc, xác định ranh giới để xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa. (Ảnh minh họa)
Đo đạc, xác định ranh giới để xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa. (Ảnh minh họa)

Nhiều địa phương chậm báo cáo

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), việc thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa yếu tố đầu cơ, tăng nguồn thu từ đất. Ước tính năm 2020 đã thu 168.000 tỷ đồng (vượt kế hoạch giao), đưa tổng nguồn thu trong 5 năm đạt gần 850 nghìn tỷ đồng, chiếm trung bình 11% thu ngân sách nội địa hàng năm. Tuy nhiên, sau 7 năm thực thi, Luật đã bộc lộ một số kẽ hở, hạn chế.

Theo Bộ này, yêu cầu đặt ra là phải sửa đổi một cách căn bản, toàn diện luật này. Theo đó, lộ trình kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai (LĐĐ) và xây dựng dự án như sau: Quý II, III/2021: Xây dựng báo cáo chuyên đề tổng hợp báo cáo kết quả điều tra tại các bộ, ngành, địa phương. Quý III/2021: Tổng hợp và xây dựng báo cáo tổng kết thi hành LĐĐ. Quý II, III/2021, tổ chức hội nghị, hội thảo đánh giá tổng kết thi hành LĐĐ. Quý IV/2021: Hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành LĐĐ. Quý IV/2021 - quý I/2022: Xây dựng hồ sơ dự án luật và trình Chính phủ. Quý IV/2022 - quý II/2023, Chính phủ trình Quốc hội.

Được biết, từ đầu tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành LĐĐ, gửi báo cáo tổng kết về Bộ TN&MT (UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành trước 15/5/2021; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành trước 30/6/2021). Nhưng đến nay, mới có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Báo cáo về Bộ TN&MT; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch tổng kết LĐĐ. Bộ TN&MT cũng mới nhận được nội dung báo cáo tổng kết thi hành LĐĐ của 22/63 tỉnh, thành phố. Hiện, Tổng cục Quản lý Đất đai đang triển khai tổng hợp các báo cáo của các địa phương.

Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành LĐĐ sẽ tổ chức 5 đoàn công tác đi khảo sát tại 15 tỉnh, thành phố đại diện 5 khu vực: Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng ven biển miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện vùng đô thị, nông thôn, miền núi; đồng thời sẽ tổ chức đoàn làm việc của Ban Chỉ đạo với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Công an; TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các tỉnh: Quảng Bình, Đồng Nai, Phú Thọ, Quảng Nam - trong quý I, II/2021.

Bộ Tư pháp đang rà soát văn bản chồng chéo

Việc tổng kết thi hành LĐĐ tập trung các nội dung cơ bản như: Đánh giá chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa LĐĐ năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp; kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá những kết quả đạt được của LĐĐ và thực tiễn thi hành trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai; những hạn chế, bất cập trong các quy định của LĐĐ, các văn bản quy định chi tiết thi hành và thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của Luật;... Bên cạnh đó, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung của LĐĐ và các pháp luật khác có liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp (BTP), đến hết ngày 25/5, Bộ đã nhận được báo cáo của 18/21 bộ, cơ quan ngang bộ và 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát văn bản chồng chéo. Trên cơ sở đó, Bộ đang dự thảo báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung lớn trong công tác này.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan liên quan, BTP đã tổng hợp, phân loại, theo đó tổng số văn bản được đề xuất, kiến nghị là 435 văn bản, bao gồm: 84 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 192 nghị định, 18 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 137 văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành. Trong đó nhiều kiến nghị, đề xuất tập trung vào một số luật, nghị định như: LĐĐ, Luật Công chứng, Luật Khoáng sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đề nghị Bộ TN&MT khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thi hành LĐĐ và phối hợp với BTP đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để kịp thời sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập tại văn bản này theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ TN&MT cho rằng, mọi chính sách đất đai đều phục vụ cho mục tiêu phát triển và phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Bộ tập trung nghiên cứu hoàn thiện các chủ trương và lắng nghe người dân; trên cơ sở đó trình Trung ương ban hành một nghị quyết với các chủ trương hợp lòng dân và sẽ thể chế thành LĐĐ mới.

Đọc thêm