Lạch Vạn (còn gọi là Cửa Vạn) có chiều dài khoảng 1km, là điểm cuối của sông Bùng - nơi tiếp giáp giữa sông và biển, nơi neo đậu thông thương đi lại của tàu thuyền, đặc biệt là của ngư dân 2 xã biển như Diễn Ngọc, Diễn Bích (thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).Trung bình có khoảng 700 tàu cá ra vào khu vực Cửa Vạn, trong đó, xã Diễn Ngọc có khoảng 500 tàu, xã Diễn Bích có khoảng 200 tàu.
Xuôi theo con nước, cách khu bến thuyền chừng 1km, chính là nơi chất chứa rác thải. Rác thải xả xuống bờ sông khiến cho mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhất là trời nóng ẩm. Theo như ghi nhận của phóng viên, cách đoạn sông này khoảng 500 mét là chợ cá của xã Diễn Ngọc. Do đây là khu chợ thủy sản nên rác thải được tập kết, rồi đổ xuống bờ sông, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến khu vực, mĩ quan của bờ sông.
Ngoài các túi nilon của người dân còn có xác của các con thuyền vỡ nát, xác của động vật chết nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Ông Cao Văn Lục (sinh năm 1955) - một người dân sống ở gần đó cho hay: “Trước đây sông Lạch Vạn sạch lắm, nhưng một vài năm nay khi có nhiều tàu thuyền đánh bắt cá về neo đậu nên ô nhiễm. Hiện tại lại có các nhà máy chế biến thủy hải sản nên tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nhiều hôm trời nóng ẩm, mùi hôi thối của nước thải bốc lên khiến người dân chúng tôi không tài nào chịu được. Chúng tôi rất mong chính quyền xã cần có biện pháp để khắc phục, đem lại môi trường sống trong lành cho người dân”.
Ống xả thải của cơ sở chế biến bột cá khiến nước sông đen ngòm. |
Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng diễn ra suốt nhiều năm nay khiến những cư dân nơi đây vô cùng bức xúc. Không những thế, “Có nhiều hôm người dân ở chợ họ vớt rác để kín cả bờ sông. Việc rác thải ô nhiễm như hiện nay, một phần cũng vì người dân thiếu ý thức” - chị Ngô Thị Xuân - một người buôn cá - bức xúc. Mặc dù ven bờ sông tại cảng cá này có rất đông dân cư nhưng lại không hề có bãi tập kết rác thải nào.
Ngoài ra, theo người dân nơi đây, tác nhân của việc ô nhiễm một phần cũng do các cơ sở chế biến thủy hải sản dọc bờ sông chưa có các bể lọc nước thải chuyên nghiệp, chủ yếu lọc nước thải bằng thủ công. Theo khảo sát của chúng tôi, tại cuối đường ống xả thải của các cơ sở này đều có màu đen nhạt, kèm theo đó là nhiều chất cặn bã quanh ống dẫn thải. Ông Nguyễn Ngọc Vận, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cũng đã thừa nhận tình trạng ô nhiễm do sự hoạt động của các làng nghề trong việc chế biến thuỷ hải sản tại đây.
Người dân ở đây cho biết, năm 2006 làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc được thành lập trên diện tích 2,16ha. Xã Diễn Ngọc còn được hỗ trợ hơn 1,8 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải với bể chứa hơn 400 m3. Tuy nhiên, do bể xây dựng quá sâu kèm theo đó là việc thiết kế chưa hợp lý vì không có hệ thống chống thấm, không có nắp đậy nên nước thải không thoát ra ngoài được mà đọng lại, bốc mùi hôi thối...
Việc rác thải “bức tử” sông Lạch Vạn khiến môi trường sống của sinh vật bị đe dọa, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người, là tác nhân gây ra các loại bệnh tật truyền nhiễm. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền ở địa phương cần có biện pháp triệt để, tránh tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay.