Một biện pháp đảm bảo để việc giao dịch hàng hóa trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) trở nên an toàn hơn vừa được Bộ Công Thương đưa ra qua Thông tư số 46/2010/TT – BCT, có hiệu lực từ 1/6/2011.
Chủ sàn phải “biết” người bán hàng
Thông tư này một lần nữa xác định rõ ràng website TMĐT là trang thông tin điện tử phục vụ hoạt động thương mại và các hoạt động liên quan đến thương mại. Còn sàn giao dịch TMĐT là website TMĐT cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu hoặc người quản lý website có thể tiến hành bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên đó.
Theo Thông tư này, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT (gọi tắt là chủ sàn) ngoài việc phải đăng ký cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT theo quy định pháp luật, còn phải xây dựng và ban hành quy chế quản lý sàn giao dịch TMĐT, nhằm bảo đảm an toàn giao dịch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý thông tin xấu, giới hạn trách nhiệm trong các trường hợp phát sinh lỗi kỹ thuật của sàn giao dịch. Quy chế này phải hiện thị trên trang chủ website và cho phép người tham gia có thể đọc và lưu trữ một cách thuận tiện, hoàn chỉnh.
Chủ sàn giao dịch TMĐT cũng phải có trách nhiệm thẩm tra và xác thực thông tin đăng ký kinh doanh (đối với thương nhân) hoặc nhân thân (đối với cá nhân) tham gia bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT. Đồng thời, thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch TMĐT thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng theo quy định pháp luật.
Định kỳ báo cáo về giao dịch của sàn
Sàn giao dịch TMĐT phải lưu giữ thông tin đăng ký của thương nhân hoặc thông tin cá nhân của các cá nhân ngay từ ngày thương nhân hoặc cá nhân đăng ký tham gia sàn giao dịch TMĐT và thường xuyên cập nhật các thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.
Tùy từng đặc trưng về tổ chức và kỹ thuật của mỗi sàn, chủ sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân và thông tin cá nhân. Các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng không được tiết lộ, chuyển nhượng, cho thuê hoặc bán khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Khi phát sinh hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch TMĐT, sàn phải có trách nhiệm tích cực hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và cung cấp các tài liệu như thông tin đăng ký, lịch sử dữ liệu giao dịch… của đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.
Trước ngày 15/1 hàng năm, chủ sàn giao dịch TMĐT phải báo cáo Bộ Công Thương dữ liệu thống kê về tình hình giao dịch hàng hóa và dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT của năm trước đó.
Không thỏa thuận rõ ràng, sàn phải chịu trách nhiệm
Cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT phải được chủ sàn niêm yết công khai, dễ nhận biết. Khi người tiêu dùng mua hàng hóa hoặc dịch vụ phát sinh mâu thuẫn với người bán hoặc bị tổn hại lợi ích hợp pháp, chủ sàn TMĐT phải cung cấp cho người tiêu dùng thông tin đăng ký của người bán, tích cực hỗ trợ người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Nếu trong hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa người bán hàng hóa, dịch vụ và chủ sàn giao dịch TMĐT không quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng, thì chủ sàn giao dịch TMĐT là người chịu trách nhiệm trong trường hợp việc bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn vi phạm các quy định pháp luật.
Bách Nguyễn