Cha mẹ vọng… con
Chúng tôi gặp bà Lê Thị Danh, mẹ của công nhân Lê Văn Phú (SN 1995) từ những ngày đầu cuộc tìm kiếm nay trông bà gầy rộc và tiều tụy hơn nhiều. Hôm nào lên Rào Trăng bà cũng đứng rất lâu dưới chân núi nơi từng là nhà điều hành bị sạt lở, dù bùn đất đã khô để bái vọng.
Cả đội tìm kiếm nhìn qua là nhận ra ngay bà Danh, người mẹ chỉ có duy nhất một người con trai. Bà luôn nói: “Phú đẹp trai, Phú con tôi hiếu thảo, Phú thương các chị lắm”, mắt bà nhạt nhòa. Tiếng bà Danh như va vào xung quanh vách núi đá lổm nhổm len vào tiếng động cơ của xe múc, xe tải đang bới tìm. Bà đi trên các bãi bồi, thẫn thờ trước từng hòn đá, hốc cây gọi “Phú ơi, Phú hỡi”.
Đã 6 ngày với 27.000 khối đất đá ở ngã ba Tam Dần và bãi bồi hai được lật lên. Chồng bà Danh là ông Lê Văn Hòa chiều nào cũng ngồi trên mỏm đá, mắt ngó ra, nhìn xem vớt được gì lại lân la đến. Bàn tay gân guốc nâng từng món đồ lên, chạm nhẹ manh áo, mảnh quần... Lát ông mới cất tiếng ngậm ngùi mà nói “Không phải đồ của con rồi”. Cát, đá lật chỗ này đắp chỗ kia làm đường để tiến sâu hơn vào bãi bồi… cứ chắp nối niềm hi vọng.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn khẩn trương tìm kiếm các công nhân vẫn đang còn mất tích. |
Hàng xóm của gia đình bà Lê Thị Danh cảm thương nói: “Nhiều tháng nay, ngày nào đi ngang nhà bà Danh cũng thấy gia đình làm một mâm cúng ngoài trời, cúng vọng cho con”.
Bà Danh tâm sự, con lên làm việc 2 tháng 10 ngày trước khi bị nạn nhưng vợ chồng bà chưa lên thăm. Biết đường xa nhưng không hình dung được ở đây lại khắc nghiệt, hiểm trở như vậy. Lần đầu tiên đến nơi con làm việc, không phải được con đón lên chơi… mà là khi bà nghe tin dữ.
Thắt lòng với những câu hỏi
Thân nhân những công nhân xấu số lên đây nhiều ngày. Lãnh đạo công ty có đến rồi đi. Hôm nay sau mấy ngày mới thấy ông Lê Văn Hoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP Thủy điện Rào Trăng 4, chủ đầu tư của Thủy điện Rào Trăng 3 tới. Người mẹ mất con Lê Thị Danh đau xót bất ngờ chạy đến nắm lấy áo, cầm lấy hai cánh tay của ông Hoa lay, hỏi: “Tại vì sao người ta dự báo mưa gió lâu ngày như vậy, anh không cho con tôi về? Anh để con tôi ở lại làm được việc cho anh? Trong khi đài báo mưa gió lũ lụt kéo dài, tại vì sao anh để con tôi ở lại đây trong khi mưa gió bão bùng. Có phải anh không cho con tôi về không?”.
Đáp lại lời bà Danh, ông chủ đầu tư nói: “Không phải chỉ có con bà, trong lúc có 60 người, chết 17 người, đang còn 43 người. Công ty điều đi mà họ không đi!”. Buồn lòng, bà hét lên: “Anh lãnh đạo hắn hay hắn lãnh đạo anh” (Hắn ở đây ý nói công nhân Phú), bà Danh lặp lại câu hỏi chất vấn này đến hai lần.
Chị Lê Thị Thu Thảo, chị gái của nạn nhân Phú phân trần cho những bức xúc của gia đình: “Đúng sai chưa nói, nhưng hậu quả đã có rồi… chị nhớ những cuộc gọi mỗi cuối tuần hỏi Phú “Có về không” để đi chợ chuẩn bị cho em bữa ăn ngon. Giờ chỉ toàn những cuộc gọi, hỏi: “Đã được tìm được Phú về chưa?”, chị Thảo nấc nghẹn.
“Gia đình tôi hiểu và ghi lòng tạc dạ sự hỗ trợ, động viên của bộ đội, chính quyền có tâm, có trách nhiệm”, chị Thảo, chị gái của nạn nhân Phú chia sẻ. Cho đến nay, gia đình nạn nhân Lê Văn Phú vẫn chưa nhận số tiền 100 triệu hỗ trợ từ khi bị nạn của công ty vì quá đau xót trước sự mất mát lớn này.
Cùng tâm trạng, chị Mai Thị Thu Thúy (thị trấn Phong Điền) lật đật chạy lên chạy xuống ở thủy điện Rào Trăng 3 rất nhiều lần. Lần này mắt chị không còn hoe lên khi được hỏi đến chồng nữa nhưng không lần nào chị không mang theo hi vọng. Chị cho biết: “Cũng có lúc chúng tôi đặt dấu chấm hỏi tại vì sao mưa bão công ty không di tản anh em đi mà để anh em ở lại. Nhưng chúng tôi đang ưu tiên cho việc tìm người hơn rồi mới tính”. Chị Thúy giờ đây một nách hai con thơ, chồng mất đối với chị như mất một “nóc nhà” bởi anh là lao động chính, chị nghề nghiệp không ổn định. Đến đây, gặp nhiều thân phận khác nhau nhưng đều có con em là công nhân gần 9 tháng chưa về cuộc sống đã gặp nhiều đảo lộn khi mất người thân.
Lực lượng tìm kiếm đang làm tất cả vì dân
Lên Rào Trăng mới thấy những lớp đất ở đây xốp có thể đổ bất kỳ khi nào nếu có mưa. Hiểm nguy là thế, cũng như những đợt tìm kiếm trước, lần này gần 50 người trong đội tìm kiếm thường xuyên túc trực, chia ra nhiều mũi để thực hiện các phương án tìm kiếm những điểm còn nghi ngờ và tìm theo yêu cầu của thân nhân người bị nạn. Ông Hồ Đắc Quốc, Tham mưu phó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế vừa quan sát và chỉ huy tìm kiếm cũng như mọi người đã một tuần nay dãi nắng dầm mưa ở nơi rừng thiêng nước độc. Ông Hồ Đắc Quốc khẳng định: “Sẽ cố gắng nỗ lực vì trách nhiệm tìm thi thể nạn nhân cho các gia đình”.
“Đợt này, cột wifi gần đây đang bảo dưỡng, sóng điện thoại thì phập phù. Bọn tôi lên đây, ngày tìm kiếm nạn nhân, đêm về nhớ nhà, ba mẹ gọi lúc được lúc không. Mong sao tìm được thi thể các nạn nhân, như vậy người dân được an ủi đôi phần và ai cũng được về nhà”, một chiến sĩ trẻ nói.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp chặt chẽ các lực lượng Công an, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, dân quân thực hiện tìm công nhân mất tích trên 3 địa điểm. Trong đó bãi bồi Tam Dần để chạm đến đất thổ phải đào sâu 4 - 5m nên vừa tìm kiếm vừa phải nắn dòng nước chảy sang một bên cho dễ tìm.
Bãi bồi số 2 khối lượng đất đá lớn, có những tảng đá nặng từ 1 – 1,2 tấn phải đào sâu, múc kỹ, tìm rất tỉ mỉ. Đặc biệt, tại khu vực cửa xả, bãi bồi này cần phải mở đường và được khơi thông dòng chảy, trong đó có phương án nổ phá mìn vì có nhiều vách đứng, bãi đá ngầm, vực sâu…
Từng nắm cát múc lên hàng chục ánh mắt quan sát hồi hộp hướng về. Nếu có phát hiện thi thể hoặc đồ vật sẽ dùng chính đôi tay móc tìm. Cả người điều khiển máy lẫn người tìm bằng tay trần đều nhẹ nhàng hơn, cẩn trọng trong từng cử chỉ.
Sáu ngày tìm ở bãi bồi Tam Dần, anh em cũng như người nhà hi vọng nhiều nhưng chỉ tìm được nồi cơm điện, phụ tùng xe máy, áo, quần, mái tôn, sắt thép. Hai ngày lên bãi bồi 2 rồi vẫn chưa thấy thi thể các em. Đất đá được lật lên, xới tung. Thi thoảng, lực lượng chức năng tìm thấy những tư trang khả năng là của nạn nhân… bị nước cuộn xoáy đến nát tươm được vớt lên.
Có những ngày nắng 40 độ C, các chiến sĩ cõng nước từ trên lán xuống bãi bồi để giải khát phải lội qua suối trơn, lấy lá che cho các bác tài lái xe máy xúc đỡ rát mặt.
Ông Lê Văn Hòa có mấy đêm ngủ lại ở thủy điện Rào Trăng 3 cùng bộ đội tìm con. Ông thấu hiểu vất vả của lực lượng tìm kiếm nên bộc trực nói: “ Lẽ ra mình làm lãnh đạo công ty nên ra trực tiếp cùng tìm kiếm, để dân phát biểu, góp ý gì thì còn tìm đến hỏi. Đằng này đến thì mang dù che ba bốn lớp, ở phòng máy lạnh điều hòa, về ăn cơm rồi đi tuốt muốt. Muốn tìm để hỏi cũng không biết hỏi ai. Anh em bộ đội đi tìm kiếm vất vả về tối hôm thì 21h, hôm thì 24h, 2h sáng trời nóng như đốt lửa mà công ty tắt điện, quạt có cũng không chạy, tối mọi người nóng vậy sao ngủ ngon được”.
Ngày 6/7, đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã lên thăm hỏi, động viên gia đình các thân nhân bình tĩnh cùng sát cánh với lực lượng tìm kiếm. Chủ tịch UBND tỉnh hỏi cặn kẽ khó khăn của các chiến sĩ ở đây và yêu cầu nhà máy thủy điện Rào Trăng triển khai phương án xả nước về ngưỡng đáy tại hồ thủy điện để nếu kết thúc tìm kiếm ở cửa xả vẫn không tìm thấy thi thể nạn nhân sẽ tiến hành tìm ở khu vực thủy điện Rào Trăng 4. Đồng thời đến thăm nơi ăn chốn ở của các chiến sĩ để tặng quà động viên tinh thần.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo công tác tìm kiếm tại hiện trường. |
Nhìn nửa quả núi ập đổ, đá và đất Rào Trăng ngút ngàn cách đây nhiều tháng còn in dấu. Nhiều người trước đó hầu như không biết đến cái tên Rào Trăng cho đến khi có một vụ sạt lở mà mất mát làm rung chuyển nhân tâm. Từ đó đến nay, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều cuộc tìm kiếm quy mô song chỉ mới tìm được thi thể của 6/17 người.
Rào Trăng 3 nay đang “rì rào” chuyện 11 công nhân nằm đâu đó chưa về khiến lòng ai cũng day dứt khi nghĩ về. Rào Trăng “rì rào” thắp thêm hi vọng của các gia đình được đưa thi thể người thân trở về khi nối cuộc tìm nhiều con số hơn… Để dòng nước mắt vơi biết bao mồ hôi các chiến sĩ đã đổ… Rào Trăng “rì rào” tình người giữa tang thương.
Cuộc tìm kiếm của lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã có người gọi là cuộc tìm kiếm lịch sử, bởi đã kéo dài gần 9 tháng ròng. Chúng tôi tạm thời ra về khi hay tin dự báo áp thấp nhiệt đới, lực lượng tìm kiếm lại phải rút về dưới xã Phong Xuân để đảm bảo an toàn, tạm dừng tìm kiếm đợi tạnh ráo thì tiếp tục...