Rầu lòng "cách ứng xử" với nạn "chặt chém"

Làm thế nào để hạn chế nạn "chặt chém"?. Đó là câu hỏi đặt ra cho các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Câu trả lời thường là chúng tôi không biết, không được phản ánh, nếu có hiện tượng như vậy thật thì chúng tôi sẽ xử lý ngay… Lại cũng là một cách ứng xử, tuy không thuộc phạm trù "chặt chém" những cũng làm rầu lòng du khách.

"Chặt chém, lột da, làm thịt, cắt cổ"…, vốn chỉ là các động từ dùng trong giết mổ gia súc. Lâu dần, các động từ chuyển sang để chỉ các hành vi thương mại, dịch vụ để diễn tả cho xứng với sự đắt đỏ trong các trường hợp mà người sử dụng các dịch vụ đó trong tình thế bắt buộc phải trả.

Nạn "chặt chém" du khách đã có từ lâu, liên tục diễn ra, báo chí nhiều lần phản ánh và dư luận gay gắt lên án. Tuy nhiên, hành vi ứng xử không đẹp này, làm xấu đi hình ảnh đất nước và con người Việt Nam vẫn tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng, góp phần làm cho các du khách "một đi không trở lại" bởi không muốn bị "chặt chém" đến lần thứ hai.

Nạn
Nạn "chặt chém" đang diễn ra ở hầu hết các điểm du lịch.

Dịp nghỉ lễ dài ngày vừa qua, các điểm du lịc trong cả nước kín đặc người và không đâu không xảy ra nạn "chặt chém". Tổng hợp các nguồn tin từ báo chí thì có thể nhìn rõ bức tranh “chặt chém” đến từng chi tiết. Đủ các loại hình "chặt chém", từ phương tiện giao thông đến cái ghế đặt nơi bãi biển, từ giá phòng bình dân đến bữa ăn độ nhật, từ bãi gửi xe đến khách sạn nhiều sao,…

Ở bất cứ địa phương nào cũng có tình trạng này, cho dù đó là Đà Lạt mộng mơ hay Đà Nẵng trong hội hoa đăng, bãi biển Vũng Tàu hay Cửa Lò, Hạ Long,… Ngay tại thành phố Hà Nội, các nơi vui chơi, giải trí trong dịp lễ này cũng “thu hút” khách đến bằng những "chiêu "chặt chém" vô tội vạ.

Trước đó ít ngày, tại Hà Nội đã xảy ra những chuyện tài xế taxi bắt chẹt khách nước ngoài với chiêu công tơ chỉ 95.000 đồng thì đòi người ta trả 950.000 đồng, có tài xế còn đấm vào mặt du khách. Những vụ việc đó bị phát hiện, được xử lý ngay bằng cách tài xế phải trả lại tiền cho khách, hãnh taxi phải nộp phạt.

Điều đó phần nào vớt vát được thể diện của nước ta với du khách nước ngoài nhưng hành vi ứng xử thiếu văn hóa đó sẽ mãi mãi in sâu trong ký ức họ và không tránh khỏi chuyện họ sẽ kể với bạn bè, người thân. Sẽ trở thành một hiệu ứng lan truyền khiến du khách ngại ngùng khi đặt chân lên đất nước tươi đẹp và mến khách này.

Làm thế nào để hạn chế nạn "chặt chém"?. Đó là câu hỏi đặt ra cho các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Câu trả lời thường là chúng tôi không biết, không được phản ánh, nếu có hiện tượng như vậy thật thì chúng tôi sẽ xử lý ngay… Lại cũng là một cách ứng xử, tuy không thuộc phạm trù "chặt chém" những cũng làm rầu lòng du khách.  

Nhị Ngọc

Đọc thêm