“Rối nhiễu tâm lý” ở học sinh phổ thông dễ dẫn đến xu hướng tự tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cần xây dựng đội ngũ chuyên viên tâm lý học đường với kiến thức chuyên sâu. Họ sẽ góp phần giải quyết vướng mắc của các em một cách nhanh chóng và hợp lý, nhằm hạn chế sự nguy hiểm của hiện tượng rối nhiễu tâm lý và những sang chấn với các em.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Nhận diện “rối nhiễu tâm lý” ở học sinh phổ thông

Rối nhiễu tâm lý là một dạng chấn thương tinh thần nhẹ nhưng có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của con người, đặc biệt là đối với trẻ ở lứa tuổi học đường (học sinh phổ thông). Thậm chí, nó còn có thể dẫn đến những hành vi không mong muốn, đặc biệt nhất là xu hướng tự tử của trẻ.

Ở Việt Nam, theo các nghiên cứu độc lập về tâm thần học, tỷ lệ trẻ ở lứa tuổi học đường gặp phải những rối nhiễu tâm lý như lo âu, trầm cảm hay rối loạn hành vi vào khoảng 19,5 - 21%.

Trẻ mắc chứng rối loạn này thường dẫn đến các biểu hiện buồn bã, chán nản, mất hứng thú trong hầu hết các hoạt động. Cạnh đó, tinh thần các em thường mệt mỏi, giảm sức tập trung chú ý cũng như khả năng kiểm soát các hoạt động, mất tự tin, nếp ăn ngủ bị đảo lộn, dễ dẫn tới những hành vi lệch chuẩn.

Những vấn đề này nếu không được can thiệp kịp thời, có phương hướng tác động đúng đắn sẽ phát triển thành mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình. Thậm chí, nó còn có thể dẫn đến những hành vi không mong muốn, đặc biệt nhất là xu hướng tự tử.

Khác với nhiều lứa tuổi khác, rối nhiễu tâm lý ở lứa tuổi học đường thường có những biểu hiện phức tạp, diễn biến dần dần, do đó bản thân trẻ và gia đình thường ít quan tâm và chỉ thực sự chú ý khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Có thể kể ra hàng loạt các nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng rối nhiễu tâm lý đang có xu hướng gia tăng đáng ngại của lứa tuổi này. Về mặt chủ quan, các chuyên gia tâm lý học cho rằng, nó được quy định bởi những yếu tố thể chất như gen di truyền, nhiễm sắc thể bất thường, tổn thương phôi thai hoặc đẻ non, tổn thương não bẩm sinh…

Tuy nhiên, những tác động bên ngoài mới là nguyên nhân chính khiến trẻ dễ mắc rối nhiễu. Đó là sức ép nặng nề từ áp lực học tập của trẻ trước yêu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của bố mẹ đặt vào. Bên cạnh đó, trong gia đình có các mâu thuẫn xung đột giữa bố mẹ về quan điểm sống, hiện tượng ly thân, ly hôn, sự thiếu gương mẫu, bạo lực gia đình, thô bạo trong việc dạy con, áp đặt, thiếu tin tưởng vào con trẻ... cũng được coi là nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn hành vi,trầm cảm, chống đối, dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội, thậm chí tự sát... ở trẻ.

Về phía nhà trường, trong bối cảnh hiện tại, những áp lực đến từ chương trình học quá nặng khiến các em luôn cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, thiếu hứng thú. Cùng với đó là các vấn đề tâm lý xã hội như bạo lực học đường, nghiện game, nghiện hút... làm gia tăng ngày càng nhiều các rối nhiễu tâm lý ở trẻ.

Theo các nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng, có tới 84,7% trẻ vị thành niên(lứa tuổi học sinh trung học cơ sở) cho rằng, việc học tập ngày nay thực sự gây nhiều căng thẳng về tâm thần. Trong đó, 61% số học sinh cho rằng học nhiều, thi nhiều gây ra những biểu hiện thường trực như cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, hoang mang, ngủ không ngon giấc và ăn không ngon miệng…

Ngoài ra, những biến đổi của một xã hội hiện đại ngày nay cũng là tác nhân dẫn đến sự thay đổi, rối nhiễu trong hành vi, nhân cách trẻ. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực đến nhận thức của một bộ phận trẻ vị thành niên dẫn đến lối sống ích kỷ, buông thả, đua đòi, thích hưởng thụ.

Sự phát triển của nền kinh tế và làn sóng đô thị hoá đang lan nhanh dẫn đến việc thiếu hụt số lượng sân chơi, bãi tập, khu giải trí của học sinh. Thiếu sân chơi, nhiều em chỉ còn biết vùi đầu vào internet, vào mạng xã hội với một thế giới ảo đầy các trò chơi điện tử kích khích bạo lực và lối sống buông thả, từ đó phát sinh những hiện tượng lệch lạc trong suy nghĩ và hành động của giới trẻ.

Những phương án xử lý cần nhân rộng

Nhận thức được sự nguy hiểm của hiện tượng rối nhiễu và những sang chấn mang lại, người lớn mà cụ thể là các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cũng như các tổ chức xã hội cần đặc biệt quan tâm và có những chiến lược can thiệp kịp thời, toàn diện, có chiều sâu.

Từ phía học đường, chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp nhằm phòng ngừa rối nhiễu tâm lý cho trẻ như đổi mới chương trình, cải tiến nội dung, tăng cường các môn thực hành kỹ năng sống, các hoạt động ngoại khoá trong trường học.

Không tạo cho trẻ áp lực học hành quá lớn, kết hợp tốt giữa học tập chính khóa với các hoạt động ngoại khóa như đi tham quan, thể dục - thể thao, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ. Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và giáo viên để phát hiện kịp thời các bất thường về tâm lý của trẻ, từ đó có các biện pháp nuôi dạy thích hợp.

Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi cử… theo hướng giảm áp lực và phát huy vai trò chủ động trong học tập cho trẻ. Thầy cô cần tôn trọng nhân cách của trẻ, đặt ra những yêu cầu hợp lý với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, cá biệt hoá trong dạy học, giáo dục để hình thành phương pháp sư phạm phù hợp, giúp trẻ tin tưởng, hưng phấn trong học tập, rèn luyện.

Các bậc phụ huynh cũng cần điều chỉnh lại cách giáo dục, ứng xử với con em mình, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào con trẻ. Phải có sự nhìn nhận, đánh giá đúng thực lực của con, đặc biệt là tư chất, năng khiếu, xu hướng để giúp trẻ có những chương trình học phù hợp với khả năng của chúng. Từ đó, tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cũng như không ngừng cổ vũ, khích lệ con phát huy tốt nhất những phẩm chất của mình.

Ngoài thời gian học tập theo thời gian quy định, hãy tạo cho trẻ một sân chơi lành mạnh, ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi sau những giờ học căng thẳng. Thay vì áp đặt trẻ bằng những yêu cầu vượt sức, so sánh con mình với những đứa trẻ của gia đình khác hoặc buộc trẻ phải đạt được ước muốn của mình, phụ huynh nên chia sẻ những khó khăn trong học tập với trẻ, hãy lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tôn trọng, tích cực động viên, đặt niềm tin, hỗ trợ trẻ trong các hoạt động.

Hiện nay, hầu hết các trường học ở Việt Nam chưa có phòng tham vấn tâm lý học đường nhằm hỗ trợ cho học sinh khi gặp những khó khăn và sang chấn về tâm lý. Đội ngũ tư vấn có chăng là giáo viên kiêm nhiệm chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn. Chính vì vậy, việc thành lập các phòng tham vấn tâm lý học đường trong hệ thống các trường học là vô cùng cần thiết.

Đội ngũ chuyên viên tâm lý học đường với kiến thức chuyên sâu sẽ góp phần giải quyết vướng mắc của các em một cách nhanh chóng và hợp lý. Đây thực sự là một đề xuất quan trọngcần được triển khai và nhân rộng.

Ngô Thế Lâm (Giảng viên Trường Đại học Khánh Hoà)

Đọc thêm