Rộn ràng lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cứ vào dịp đầu xuân năm mới, từ mồng 10 tháng Giêng, người dân Phú Thọ lại nô nức đi trẩy hội tại các lễ hội truyền thống của địa phương. Nổi bật lễ hội Vua Hùng dạy dân câý lúa là hoạt động giúp người dân ôn lại lịch sử và bày tỏ tấm lòng biết ơn đến Vua Hùng đã có công xây dựng đất nước.
 Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa

Ngay sau Tết Quý Mão 2023, người dân khắp nơi bắt đầu nô nức tham gia mùa lễ hội tại các địa phương. Ở Phú Thọ, vùng đất Giỗ Tổ cội nguồn cũng diễn ra nhiều lễ hội ở các huyện xã trong tỉnh. Khắp các làng trên xóm dưới, tiếng trống hội rộn ràng như thúc giục người dân nhanh chân đến trẩy hội. Người mặc áo the, người đội khăn xếp, người mặc trang phục dân gian múa lân, hoá trang vào các nhân vật trong lễ hội đầy màu sắc tạo nên bức tranh sống động về bản sắc văn hoá dân tộc.

Từ ngày mồng 10 tháng Giêng, Phú Thọ diễn ra nhiều lễ hội, hội làng như lễ hội Đền Lăng Sương, đền Du Yến, hội làng Gia Dụ, lễ hội Trò Trám, hội rước voi Đào Xá, hội phết Hiền Quan, đền Mẫu Âu Cơ…Mỗi lễ hội mang ý nghĩa khác nhau và có nhiều hoạt động thú vị thu hút sự quan tâm đông đảo từ người dân. Vào ngày hội chính, người dân mở tiệc kính trời đất, tổ tiên và tưởng nhớ đến Vua Hùng, các vị thần đã có công xây dựng đất nước; đồng thời cầu mong năm mới mưa thuận gió hoà, bình an để phát triển cuộc sống. Nhờ các hoạt động trong lễ hội mà thế hệ trẻ có thêm sự hiểu biết về lịch sử, cội nguồn, giữ gìn được nét văn hoá của quê hương.

Nhiều lễ hội ở Phú Thọ đang diễn ra
Nhiều lễ hội ở Phú Thọ đang diễn ra

Một trong số các lễ hội tiêu biểu có lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa ở phường Minh Nông, thành phố Việt Trì. Việc phục dựng lại lễ hội góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc trên địa bàn thành phố Việt Trì. Đây là lễ hội duy nhất mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam, gắn liền với thời đại Hùng Vương.

Lễ hội bao gồm nghi thức rước kiệu, tế lễ, lễ nhập vía Vua Hùng và thực hành diễn xướng cảnh Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Sau phần lễ, phần hội được tiến hành với các hoạt động thi cấy lúa của các đội và trò chơi dân gian với sự tham gia của người dân, du khách thập phương.

Lễ hội dựa trên truyền thuyết Hùng Vương kể rằng, thấy vùng ven sông này sau mỗi lần nước dâng, đất đai được bồi phù sa thêm màu mỡ, Vua Hùng mới gọi dân đến để dạy cách đắp bờ giữ nước. Một hôm, các con gái Vua Hùng theo dân đi đánh cá bên sông, thấy chim từng đàn bay lượn khắp bãi, chợt có một con chim thả bông lúa rơi trên mái tóc một Mị nương. Nàng đem bông lúa về trình với cha.

Vua Hùng bấy giờ cho là điềm lành, liền bảo các Mị nương ra bãi tuốt các bông lúa đó đem về. Vua cùng con dân đem các hạt ra đồng. Vua xuống bãi, lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt. Khi mạ lên, dân không biết cấy trồng nên Vua Hùng đã nhổ mạ lên, đem tới những trà ruộng, lội xuống cấy cho dân xem. Các Mị nương và nhân dân thấy vậy cùng làm theo.

Lễ hội thu hút sự quan tâm và tham gia của người dân, du khách
Lễ hội thu hút sự quan tâm và tham gia của người dân, du khách

Đời sau, nhân dân nhớ công ơn Vua Hùng đã tôn làm ông tổ nghề nông, dựng đàn Tịch Điền quay lưng về hướng Tây Nam ngay trên mỏm đất Vua Hùng ngồi khi dạy dân cấy lúa, đặt kho lương thực trên đồi Lúa, để rạ ở đồi Rơm, đặt tên chợ là Chợ Lú.

Chị Nguyễn Thị Yến (phường Minh Nông, Thành phố Việt Trì) chia sẻ: “Năm nay, tôi có dịp tham dự lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Tôi cảm thấy rất hứng khởi khi xem mọi người tái hiện lại hình ảnh vua Hùng dạy người dân cách cấy lúa như thế nào cho đúng, đạt hiệu quả. Tôi thấy tự hào vì được sống trên vùng đất Tổ giàu truyền thống và cũng mong muốn có thêm nhiều lễ hội ý nghĩa như vậy”.

Đọc thêm