Nét độc đáo của văn hóa phương Nam
Nghệ thuật múa lân sư rồng theo chân người Hoa du nhập vào Việt Nam và trở thành nét văn hóa dân gian đặc sắc và phát triển mạnh tại TP Hồ Chí Minh và dần lan sang các tỉnh, thành khác. Các điệu múa lân sư rồng với động tác đẹp mắt, nhịp trống rộn rã và những con lân sư rồng rực rỡ được biểu diễn ở các dịp Trung thu, Tết Nguyên đán, khai trương, động thổ, tân gia, sinh nhật, đám cưới… thu hút sự chú ý của mọi người, tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng với mong muốn mang lại may mắn, hạnh phúc, sung túc và trường thọ, thỏa mãn nhu cầu giải trí, văn hóa của cộng đồng.
Nghệ thuật trong các bài biểu diễn lân sư rồng vừa mạnh mẽ, uyển chuyển, vừa mạo hiểm, đẹp mắt, thể hiện lòng dũng cảm, sự nhanh nhẹn, khéo léo cũng như tinh thần thượng võ của nghệ nhân biểu diễn lân sư rồng. Múa lân sư rồng không chỉ là nghệ thuật dân gian mà còn là sự tranh tài giữa các đội múa, với từng bài múa phù hợp theo không gian và ý nghĩa của lễ hội.
Đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng phát triển, nghệ thuật lân sư rồng giờ đây không chỉ được biểu diễn trong các lễ hội, các hội thi, các chương trình biểu diễn nghệ thuật mà còn phục vụ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu, tạo nguồn thu ổn định cho các đoàn nghệ thuật. Việc này thúc đẩy phát triển các ngành nghề thủ công, may mặc, sản xuất đạo cụ, nhạc cụ, góp phần tạo công ăn việc làm và ổn định kinh tế khu vực.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, theo kết quả kiểm kê, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 63 đoàn lân sư rồng (tính đến tháng 6/2024) với quy mô lớn nhỏ khác nhau, phân bố khắp các quận, huyện, thành phố. Trong số này, nhiều đoàn có tuổi đời 35 - 50 năm như Hằng Anh Đường, Hồng Thái Đường, Thắng Nghĩa Đường, Thắng Anh Đường, Đoàn Nghĩa Đường, Liên Dũng Đường,... Thậm chí, nhiều đoàn còn có tuổi đời lâu hơn như Nhơn Nghĩa Đường (87 năm), Kim Long Phước Kiến (80 năm), Tinh Anh Đường (70 năm), Hải Nam Liên Hữu (70 năm),... Và đặc biệt, Đoàn Liên Nghĩa Đường có tuổi đời trên 100 năm (thành lập 1923).
![]() |
Lê Yến Quyên múa lân trên cây cột cao 7m vào năm 2011. (Ảnh: kyluc.vn) |
Dù nghệ thuật lân sư rồng đã có lịch sử hàng trăm năm hình thành, phát triển với quy mô lớn, nhưng mãi đến những năm gần đây, tổ chức chính thức đại diện cho bộ môn này mới được thành lập. Năm 2021, Liên đoàn lân sư rồng TP Hồ Chí Minh ra đời. Ông Lư Chấn Lợi, Chủ tịch Liên đoàn lân sư rồng TP Hồ Chí Minh cho biết, từ khi được thành lập cho đến nay, Liên đoàn là nơi quy tụ, tập hợp của các đoàn lân trong cộng đồng người Hoa. Nhằm giới thiệu, bảo tồn loại hình này, Liên đoàn còn thực hiện nghiên cứu, khảo sát tư liệu hóa về lịch sử, nguồn gốc, các kỹ năng biểu diễn, trang phục, đạo cụ và các yếu tố văn hóa liên quan đến lân sư rồng, đồng thời ghi hình, chụp ảnh và lưu trữ các tư liệu liên quan.
Khẳng định giá trị của những người đã gắn bó với lân sư rồng
Hằng Anh Đường là đoàn lân sư rồng từng tham gia biểu diễn và thi đấu ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Philippines… Đặc biệt, từ năm 2015, đoàn đã phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc, góp phần đưa nghệ thuật lân sư rồng Việt Nam sánh vai với bạn bè quốc tế.
Chia sẻ tại buổi lễ công bố quyết định Nghệ thuật lân sư rồng của người Hoa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Lương Tấn Hằng, Trưởng Đoàn Hằng Anh Đường cho rằng, đây là niềm tự hào không chỉ của những người làm lân sư rồng mà còn của cả cộng đồng. Việc công nhận này giúp thế hệ trẻ có ý thức gìn giữ, phát huy bộ môn nghệ thuật này; đồng thời khẳng định giá trị của những người đã gắn bó với lân sư rồng từ xưa đến nay.
Hiện trạng việc thực hành di sản Nghệ thuật lân sư rồng trong cộng đồng khá phổ biến, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, ngày khai trương, động thổ… Nhiều đoàn lân sư rồng còn mở rộng quy mô hoạt động và biểu diễn ngoài phạm vi TP Hồ Chí Minh, quốc gia, vươn ra quốc tế như Pháp, Na Uy, Mỹ, Đức… Nghệ thuật lân sư rồng đã được đưa vào thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 và đến tháng 4/2023 Liên đoàn lân sư rồng Việt Nam được thành lập. Điều này góp phần tôn vinh và đưa nét đẹp văn hóa dân gian lên một tầm cao mới.
Còn nhớ năm 2016, Lê Yến Quyên - người phụ nữ được Trung tâm Sách kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận kỷ lục “Nữ vận động viên duy nhất Việt Nam múa lân trên cột cao 7m” vào năm 2011, đã vinh dự là một trong 10 cá nhân được trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, giải thưởng cấp quốc gia lớn nhất được trao hằng năm dành cho phụ nữ nhằm ghi nhận những cống hiến tài năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lân sư rồng theo một số quan niệm xưa là ba loài vật rất linh thiêng nên múa lân sư rồng trước đây chỉ dành cho nam giới. Nhưng võ sư Lê Yến Quyên, cô gái sinh năm 1994 tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ đã chứng minh phụ nữ cũng có thể thành công trong loại hình nghệ thuật này. Đam mê học võ từ khi mới 6 tuổi, Lê Yến Quyên được chú ý khi cô gia nhập đội múa lân sư rồng lúc 9 tuổi. Ở tuổi 14, Quyên đã lập được kỷ lục đầu tiên, đoạt Huy chương Vàng nội dung leo cột trong hội thi múa lân của thành phố Cần Thơ.
Năm 2019, Ðoàn lân sư rồng Tú Anh Ðường xác lập thành công 2 Kỷ lục châu Á, gồm: “Nữ vận động viên múa lân trên cột cao nhất (7m)” do Lê Yến Quyên thực hiện và “Ðơn vị biểu diễn tiết mục tứ lân nam nữ múa lân thả liễn trên mai hoa thung duy nhất tại châu Á” do tập thể đoàn thực hiện.
![]() |
Lê Yến Quyên đang chuẩn bị cho buổi tập luyện. (Ảnh: AFP) |
Lê Yến Quyên được vinh danh là “nữ hoàng kỳ lân trong lĩnh vực tưởng như chỉ có đàn ông. Kỷ lục Guiness cho hạng mục lân leo cột cao 7m do Quyên xác lập từ năm 2011 đến nay vẫn chưa có bất cứ một vận động viên nào tại Việt Nam lẫn châu Á có thể vượt qua, khiến nhiều hãng tin quốc tế phải đến tận Việt Nam để gặp cô để viết bài. Hiện Lê Yến Quyên bên cạnh công việc tại trung tâm y tế địa phương đang là huấn luyện viên cho đội lân nữ Tú Anh Đường gồm 20 thành viên - là đội múa sư tử nữ duy nhất ở Việt Nam hiện nay.
Ngày 9/2/2025, Chương trình biểu diễn nghệ thuật lân sư rồng chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) và hưởng ứng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tại thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã chính thức ghi danh vào sách kỷ lục Việt Nam với số lượng đoàn lân sư rồng tham gia biểu diễn đông nhất tại một địa điểm. Sự kiện quy tụ hơn 108 đoàn lân sư rồng từ khắp các tỉnh, thành với các tiết mục trình diễn ấn tượng như “Lân lên mai hoa thung”, “Trống trận”, “Múa rồng”, “Múa sư tử” và “Múa lân địa bửu” đã mang đến cho khán giả những khoảnh khắc mãn nhãn, thể hiện sự điêu luyện và tinh thần đoàn kết của các đoàn nghệ thuật.
Sau quá trình thẩm định chặt chẽ, tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã chính thức công nhận kỷ lục cho “Chương trình biểu diễn Nghệ thuật lân sư rồng mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ Thành phố Thủ Dầu Một năm 2025” là sự kiện có số lượng đoàn lân sư rồng tham gia biểu diễn nhiều nhất tại một địa điểm. Ông Lê Văn Thái - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Bình Dương khẳng định, liên hoan không chỉ là sân chơi giao lưu cho các đoàn nghệ thuật mà còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đưa nghệ thuật lân sư rồng đến gần hơn với công chúng.