Cắt chế độ cho người có công
Theo đơn khiếu nại, từ năm 1962 đến năm 1970, hai ông Nguyễn Văn Đoan và Nguyễn Văn Roan tham gia đoàn thuyền vận tải tại địa phương phục vụ kháng chiến. Từ tháng 5/1970 đến tháng 10/1973, hai ông tham gia thanh niên xung phong (TNXP) tại khu vực tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, thuộc đơn vị C18- D75, Binh trạm 15, Đoàn 559. Theo ông Đoan, lúc đầu anh em ông thuộc C14- D75, sau đó chuyển sang C18- D75.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai ông bị thương. Ngày 25/5/2001, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp Giấy chứng nhận bị thương số 4218/GTVT-TCCB-LĐ cho ông Đoan, ghi ngày bị thương 15/7/1971 tại Ngầm khe Tang, Quảng Bình. Trường hợp bị thương do san lấp hố bom cho xe qua, bị máy bay Mỹ ném bom bị thương. Theo kết quả Giám định thương tật của Hội đồng Y khoa tỉnh Nam Định ngày 1/2/2002, tỷ lệ thương tật của ông Đoan là 25%.
Còn ông Ngyễn Văn Roan, ngày 25/5/2001 được Bộ GTVT cấp Giấy chứng nhận bị thương số 4219/GTVT-TCCB-LĐ; ghi rõ ngày bị thương 6/5/1971, nơi bị thương ở Ngầm khe Tang, Quảng Bình. Trường hợp bị thương do đang san lấp hố bom thông đường cho xe vào chiến dịch, máy bay Mỹ ném bom bị thương. Ngày 1/2/2002, Hội đồng Y khoa tỉnh Nam Định đã giám định thương tật đối với ông Roan và kết quả tỷ lệ thương tích là 22%.
Theo tài liệu hai ông cung cấp, các ông được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Kỷ niệm chương TNXP, ngày 5/7/2000. Khi Nhà nước có chính sách TNXP bị thương được hưởng chế độ như thương binh, anh em ông Đoan, Roan đã làm thủ tục hưởng chế độ. Từ năm 2004, ông Đoan được hưởng chế độ này đến năm 2006 thì bị Sở LĐ, TB&XH tạm thời cắt. Năm 2006, ông Roan cũng nhận được quyết định được hưởng chế độ, nhưng chưa được đồng nào thì cũng bị Sở này dừng chi trả.
Trao đổi với PLVN, ông Đoan bức xúc: “Chúng tôi lên đường đi phục vụ kháng chiến không mong sẽ được nhận chế độ, nhưng Nhà nước có chính sách cho hưởng thì đó là chế độ chung. Với nhà nông chúng tôi đồng tiền là quan trọng nhưng không bằng danh dự, uy tín của cá nhân, dòng họ. Việc Sở LĐ, TB&XH Nam Định bỏ qua nhân chứng là đồng đội của chúng tôi, chỉ vin vào tố cáo thiếu căn cứ để cắt chế độ đã đẩy anh em tôi thành người dối trá. Vì vậy, đến chết chúng tôi vẫn khiếu nại để rõ làm rõ trắng đen”. Còn ông Roan ngao ngán: “Chừng này tuổi mà phải sống trong cảnh lời ra tiếng vào, điều ong tiếng ve rằng mình giả mạo để được hưởng chế độ thì đau lắm”.
Kỷ niệm chương TNXP của hai ông Đoan, Roan |
Kết luận thanh tra đã khách quan?
Liên quan đến sự việc này, Chánh Thanh tra Sở LĐ, TB&XH tỉnh Nam Định Phạm Lê Hà cho biết, hai ông Đoan, Roan mới chỉ bị tạm thời cắt chế độ với lý do có người tố cáo hai ông này hưởng chính sách không đúng quy định. Thanh tra Sở vào cuộc xác minh và có kết luận ngày 5/4/2012 cho rằng nội dung tố cáo là đúng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo PLVN, bản kết luận thanh tra này có nhiều vấn đề chưa được làm rõ khi chỉ căn cứ vào công văn trả lời của Trung ương Đoàn rằng hai ông này không có trong danh sách lưu tại Trung ương Đoàn để kết luận Kỷ niệm chương TNXP của ông Roan và ông Đoan “không phải do cơ quan có thẩm quyền (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) tặng”.
Bản kết luận cũng cho rằng Giấy chứng nhận bị thương của Bộ GTVT cấp cho hai anh em ông Đoan là không đúng. Thanh tra đưa ra kết luận này là căn cứ vào lời khai của ông Đoan và ông Roan khi làm việc với đoàn thanh tra. Cụ thể, hai ông Đoan, Roan khai không ở đơn vị C18 – D75, trong khi Giấy chứng nhận bị thương của Bộ GTVT cho rằng hai ông này ở đơn vị C18 – D75. Tuy nhiên, khẳng định với PLVN, hai ông Đoan, Roan cho biết ban đầu họ ở đơn vị C14 – D75, sau đó sáp nhập vào đơn vị C18 – D75. Ở tuổi ngoài 70, hai ông rất khó để nhớ lại là ở C14 hay C18, nhưng họ khẳng định chắc chắn ở D75.
Trao đổi với PLVN, những đồng đội cũ của hai ông Đoan, Roan như ông Nguyễn Văn Vận (SN 1938, xã Yên Phong, huyện Ý Yên); bà Nguyễn Thị Thành (SN 1954, xã Yên Hưng, Ý Yên) đều khẳng định hai ông có tham gia TNXP. Hiện hai ông này đang sinh hoạt trong Hội Cựu TNXP ở xã và huyện. Bởi vậy, năm 2007, Phòng Nội vụ LĐ, TB&XH huyện Ý Yên, Trưởng ban phụ trách đơn vị TNXP đã kiểm tra, thẩm định hồ sơ của hai ông Đoan, Roan và khẳng định không có biểu hiện sai trái.
Do đó, Thường trực Đảng ủy, UBND xã Yên Bình, Hội Cựu chiến binh xã Yên Bình, Hội Cựu TNXP xã Yên Bình, Hội cựu TNXP huyện Ý Yên đã đề nghị Sở LĐ, TB&XH giải quyết chế độ cho hai ông Roan, Đoan. Thậm chí ông Nguyễn Khắc Hưng khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cũng đã đề nghị Sở LĐ,TB&XH xem xét, giải quyết chế độ cho hai ông Roan, Đoan. Tuy nhiên, không hiểu vì sao gần 10 năm qua Sở LĐ,TB&XH Nam Định vẫn không giải quyết chế độ cho ông này.
Quản lý chặt chẽ việc chi trả chế độ cho người có công là nên làm, nhưng coi trọng Kỷ niệm chương TNXP hơn các nhân chứng là đồng đội của anh em ông Đoan, Roan cũng như xác nhận của chính quyền, ban, ngành địa phương để cắt chế độ của hai ông có lẽ là điều chưa hợp lý.
Chúng tôi xin mượn lời ông Nguyễn Văn Vận (đồng đội của hai ông Đoan, Roan) để tạm kết bài này: “Tôi đã già, vừa rồi suýt chết nên chẳng còn mong gì nhiều ngoài việc đấu tranh để đòi lại công bằng, danh dự cho đồng đội mình, những người đã bỏ xương máu cho đất nước nay không những không được hưởng chế độ lại còn phải sống trong tủi hổ. Anh em họ cũng già rồi, đừng để họ chết đi rồi mới minh oan”.
Ngày 27/7 sắp đến, thiết nghĩ, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong và Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát sớm để trả lời công dân. PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.