Rực rỡ nét văn hóa trên từng sợi vải thổ cẩm của đồng bào Lự

(PLVN) - Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Lự của tỉnh Lai Châu ngày nay không chỉ để phục vụ nhu cầu may mặc của gia đình và nhân dân trong vùng mà đang được nâng tầm văn hóa và phát triển kinh tế du lịch…
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Lự ở Lai Châu.

Mỗi dân tộc có kỹ năng, kinh nghiệm riêng trong nghề dệt truyền thống đã tạo nên nét độc đáo riêng cũng như làm phong phú thêm nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu. 

Nếu như xưa kia đồng bào trồng bông, dệt vải để đáp ứng nhu cầu của gia đình thì ngày nay, nghề này đã vươn ra khỏi phạm vi nhỏ hẹp này, trở thành sản phẩm hàng hóa, từng bước mở ra hướng thoát nghèo cho bà con.

Người Lự là một dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của Việt Nam. Người Lự còn có tên gọi khác là Lào Lự, Lữ, Nhuôn, Duôn và được xếp vào nhóm ngôn ngữ Tày – Thái. 

Từ xa xưa, nghề dệt rất được người Lự coi trọng và xem đó như là thước đo sự khéo léo, là tiêu chuẩn đánh giá vai trò của một người phụ nữ trong gia đình, trong bản. Vì thế các sản phẩm dệt thủ công của người Lự nổi tiếng phong phú và tinh xảo.

 

Nếu có dịp đặt chân tới bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh người Lự tự dệt vải và mặc các trang phục truyền thống hàng ngày. Gia đình nào trong bản cũng có thể bắt gặp chiếc khung cửi bên mỗi góc nhà. Âm thanh của chiếc khung cửi đã trở thành âm thanh đặc trưng nơi đây.

Trang phục dân tộc Lự nổi bật bởi hoa văn thổ cẩm sặc sỡ trang trí trên nền vải nhuộm chàm, cùng nhiều trang sức cầu kỳ. Không chỉ đẹp mắt, chúng còn rất bền chắc, không phai màu.

Phụ nữ Lự tự dệt trang phục cho mình bao giờ cũng gồm có: khăn đội đầu, áo, váy, thắt lưng. Áo dệt bằng sợi bông, nhuộm chàm màu đen hoặc xanh đen, khuy cài vắt sang sườn phải, đính cúc bạc hoặc nhôm, hai ống tay áo phần giáp vai và ống cổ tay đều thêu hoa văn hình sóng bằng các loại chỉ màu. Đường viền cổ áo được thêu nhiều màu sắc với hoa văn quả trám và chân chim.

 

Đặc biệt, có một dải hoa văn mà đồng bào Lự gọi là "con suối uốn lượn" vòng quanh eo áo từ phía trước ra phía sau, được điểm tô thêm các đồng tiền theo hình rẻ quạt, tạo cho áo có độ xòe so với eo. Váy Lự dệt và trang trí thành hai phần, nhìn qua có cảm giác như gồm hai tầng ghép lại. Người phụ nữ Lự trong trang phục truyền thống dường như càng trở nên duyên dáng tự nhiên hơn bao giờ hết..

Trang phục nam giới Lự đơn giản hơn với chiếc quần đen, trông khá giống quần của người Thái, người Lào, nhưng từ phần đầu gối trở xuống bó hơn và có thêu nhiều hoa văn. Áo mặc thường ngày dệt bằng vải thô, áo mặc ngày lễ, ngày hội thì dệt bằng tơ lụa. Đây là loại áo cánh kiểu xẻ ngực, chỉ ngắn ngang thắt lưng. Với những kiểu chắp nối, áo cắt may khi trải ra tạo thành hình bán nguyệt.

Ngoài quần áo ra thì người Lự còn dệt túi, khăn, địu….Các loại túi này được làm với nhiều kích cỡ khác nhau và trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn, các nhúm bông với đủ các màu sắc rực rỡ. Bên cạnh đó, họ còn dệt thêm vỏ chăn, ga, gối, những chiếc túi, khăn nhiều màu sắc, những chiếc địu độc đáo, ... với nhiều kích cỡ khác nhau, được trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn hình quả trám, hình chân chim và các tua rua bông mầu xanh đỏ, đen vàng rực rỡ.

 

Ngoài ra, người Lự được đánh giá là một trong những dân tộc thiểu số có cách phối màu, hoa văn độc đáo trên trang phục truyền thống và những giá trị đó được bảo tồn khá nguyên vẹn từ đời này qua đời khác không bị thay đổi theo không gian và thời gian.

Để tạo ra các sản phẩm thổ cẩm, hay những bộ trang phục độc đáo phải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo như: trồng bông, bật bông, xe sợi, dệt vải, nhuộm chàm, thêu hoa văn… Tất cả các công đoạn đều tự làm bằng tay, mất rất nhiều thời gian, khoảng 6 – 7 tháng mới làm xong một bộ quần áo hoàn chỉnh.

Đồng bào dân tộc Lự ở Lai Châu bắt đầu trồng cây bông vào khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm, sau 5 đến 6 tháng cây bông mới được thu hoạch. Sau công đoạn tuốt bông, họ nhặt từng hạt bông rồi bật bông, xe sợi, rồi vào khung cửi dệt vải.

Sau khi dệt vải, người phụ nữ Lự sẽ đem đi nhuộm chàm thành màu xanh than, đen và nâu, màu đặc trưng trang phục của đồng bào nơi đây. Gặp thời gian nắng ráo, mỗi mảnh vải chỉ cần 3 - 4 ngày là có thể lên màu, nhưng nếu trời mưa, phơi vải lâu khô, có khi kéo dài tới cả tháng. 

Để vải lên màu thật đều và đẹp, cần phải bóp mạnh, đều tay khoảng 30 phút cho ăn màu thì vớt ra vắt khô, đập và giặt sạch nước vôi rồi mới phơi. Công đoạn phơi vải là khâu đặc biệt quan trọng trong quy trình nhuộm vải, phải thường xuyên lật vải sao cho vải khô đều thì màu mới đẹp, không bị vết. 

Tiếp đó là công đoạn cắt vải rồi tiến hành thêu hoa văn. Hoa văn trên trang phục Lự được trang trí nhiều hình thù khác nhau, cùng với những gam màu sắc sặc sỡ, tạo nên bộ trang phục độc đáo của đồng bào Lự. Cuối cùng, từng mảnh vải sẽ được ghép lại với nhau rồi khâu bằng tay tạo thành những chiếc áo, váy.

Nghề dệt thổ cẩm là một trong những nghề phát triển và đem lại lợi ích rất lớn cho đồng bào dân tộc Lự tại Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Và được công nhận là một trong 5 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh này. Đó cũng là lý do mà ngành du lịch tỉnh Lai Châu lựa chọn nghề dệt của dân tộc Lự để xây dựng thành sản phẩm du lịch, nhằm tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cho ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Đọc thêm