Đời không như là “phim”
Theo số liệu từ năm 2016 đến tháng 10/2018, tại TP Cần Thơ có đến 2.580 trường hợp kết hôn với người Hàn Quốc. Nhiều người chấp nhận kết hôn dù không biết gì nhiều về đối phương mà chủ yếu chỉ qua mai mối, “môi giới” và mạng xã hội. Điều đó tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm và có tác hại khôn lường.
Việc kết hôn này cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn về thủ tục không lối thoát trong thời gian dài. Luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành đã đem lại nhiều kết quả tích cực, trong đó có việc “cởi trói” về thủ tục trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, điều này lại làm “dấy lên” sự lo ngại Việt Nam sẽ trở thành quốc gia “xuất khẩu cô dâu”.
Một trong những vướng mắc cơ bản là việc đăng ký kết hôn (ĐKKH) cho phép vắng mặt. Theo luật pháp Việt Nam, khi đăng ký kết hôn phải có mặt cả 2 bên. Tuy nhiên, pháp luật của Hàn Quốc, Nhật Bản… không bắt buộc như thế.
Do đó, nhiều chị em phụ nữ Việt Nam đã chuyển hồ sơ sang nước ngoài (đa số là Hàn Quốc) để làm thủ tục ĐKKH. Đa số các trường hợp hôn nhân đổ vỡ, bất hạnh mà báo chí đưa tin đều là các trường hợp kết hôn vắng mặt phía phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc.
Hàng ngàn người ly dị, trở về Việt Nam, việc ly hôn của họ không được công nhận hợp pháp và con cái sinh ra ở Hàn Quốc không đủ điều kiện vào học tại các trường học địa phương. Đau xót hơn cả là đã có nhiều cô dâu Việt bị sát hại như: Huỳnh Thị Mai, Thạch Thị Hoàng Ngọc, Hoàng Thị Nam, Bùi Cát Hạ...
Đại diện Sở Tư pháp TP Cần Thơ cho biết, đối với trẻ sinh ra ở nước ngoài có cha là người nước ngoài và có hộ chiếu, quốc tịch nước ngoài thì cơ quan đăng ký hộ tịch của Việt Nam không có thẩm quyền đăng ký khai sinh. Điều này gây khó khăn cho việc đến trường.
Để được cấp giấy tờ hộ tịch theo quy định thì gia đình trẻ phải liên hệ với cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, người thân trẻ không có điều kiện đi lại, kinh tế khó khăn. Để giải quyết vấn đề đó, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP Cần Thơ tạo điều kiện cho trẻ đến trường, khám chữa bệnh theo quy định tại địa phương.
Ông Đặng Văn Hùng, Phó Chánh án TAND TP Cần Thơ cho rằng, phần lớn cô dâu Việt lấy chồng Hàn ở vùng quê vì mục đích báo hiếu, muốn thay đổi hoàn cảnh gia đình. Họ không biết tự trang bị kiến thức cho mình. Giáo dục định hướng cho những phụ nữ này là cần thiết. Thứ nhất là để phụ nữ lấy chồng ngoại có thêm sự tự tin, hai là con cái cũng được có lý lịch, hộ tịch rõ ràng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cô dâu Việt phải tự bảo vệ mình
Chương trình Giáo dục định hướng dành cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn với nam giới Hàn Quốc (PDO) do Hội LHPN TP Cần Thơ và Trung tâm chính sách nhân quyền Liên Hợp quốc Hàn Quốc (KOCUN) triển khai đã phần nào giải quyết được những khó khăn trên. Đến nay, chương trình đã thực hiện được 4 giai đoạn trong hơn 8 năm.
Trong đó, giai đoạn 4 được triển khai từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2018. Mục đích của chương trình là hỗ trợ phụ nữ di cư theo diện kết hôn sang Hàn Quốc có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Chương trình tổ chức các lớp học cung cấp kiến thức về pháp luật, phong tục tập quán, kỹ năng sống, tình dục, mang thai, việc làm... và thông tin về các tổ chức có thể hỗ trợ cho các chị khi gặp khó khăn.
Lấy chồng ngoại khi thiếu hiểu biết tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm |
Tính đến hết tháng 11/2018, giai đoạn 4 của Chương trình đã tổ chức được 144 lớp học với tổng số hơn 4.000 học viên ở Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.
Bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ cho biết, các học viên lấy chồng Hàn Quốc là do mai mối chiếm 66,9%, và khi hỏi lý do kết hôn thì phần lớn đều trả lời muốn sống ở một đất nước phát triển, muốn đổi đời, muốn giúp đỡ gia đình. Gần một nửa số học viên cho biết chưa từng thấy hồ sơ của chồng bằng tiếng Việt.
Điều này cho thấy các công ty môi giới hôn nhân vẫn không muốn phụ nữ biết được thông tin về chồng. Để giảm thiểu hậu quả, đồng thời giúp phụ nữ di trú an toàn trước khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, tạo dựng một xã hội đa văn hóa lành mạnh thì ngoài việc tiến hành chương trình giáo dục định hướng cần nâng cao kỹ năng tư vấn cho cả quá trình chuẩn bị di trú và sau khi hồi hương.
Cùng với việc mở rộng giao lưu văn hóa Việt – Hàn một cách tích cực, nhận thức về kết hôn quốc tế đã có sự thay đổi đáng kể. Cần thường xuyên cập nhật các thông tin hỗ trợ, chính sách đa văn hóa của Hàn Quốc để từ đó cung cấp thông tin chính xác cho phụ nữ di trú kết hôn, giúp họ có thể cư trú an toàn, hiểu hơn về luật pháp, ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc.