Năm 2013, Thanh tra TP.Hà Nội đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại huyện Từ Liêm (cũ) liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 32 (dự án đường 32) mà số tiền bị chi sai được xác định lên đến hàng chục tỷ đồng.
“Đất công” biến thành đất doanh nghiệp
Như PLVN đã thông tin thì vào sáng 8/5/2014, UBND phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã tiến hành cưỡng chế đối với hộ bà Đào Thị Liên và bà Vũ Thị Lan để phá dỡ công trình và thu dọn cây trên phần đất ven đường 32, đoạn trước cửa Nhà máy Z157 (Bộ Quốc phòng).
Được biết, bà Lan và bà Liên là hai trong số nhiều hộ dân đã từng tăng gia, trồng trọt cây cối trên diện tích đất ở đây từ trước năm 1990. Khi Nhà nước thu hồi đất làm đường 32 thì chính quyền cho rằng các hộ đã tăng gia trên đất giao thông, thủy lợi nên không bồi thường về đất mà chỉ bồi thường thiệt hại về tài sản.
Không chấp nhận phương án bồi thường, không chịu lấy tiền bồi thường, bà Lan quyết chờ đến năm 2012, khi đường 32 đã làm xong thì quay trở về để tiếp tục sử dụng một phần thửa đất cũ vì thấy diện tích này “nằm ngoài” phạm vi làm đường. Cho đây là hành vi “chiếm đất công”, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm (cũ) đã xử phạt bà Lan 10 triệu đồng và áp dụng biện pháp buộc “khôi phục hiện trạng ban đầu của đất như trước khi lấn chiếm”.
Tuy nhiên, sau khi cưỡng chế vào ngày 8/5 thì diện tích “đất công” này đã ngay lập tức được chính quyền bàn giao cho Nhà máy Z157. Hiện, hàng ngàn mét vuông đất án ngữ mặt tiền của Nhà máy đã được đổ bê tông, cắm cọc và chăng dây xích khiến khu đất này gần như có một khuôn viên riêng, liền với cửa hàng trưng bày và bán xe ô tô của Toyota Mỹ Đình - công trình mới được xây dựng trong khuôn viên Nhà máy Z157.
Cất công tìm hiểu, những người dân ở đây đã “ngã ngửa” khi biết rằng vào ngày 22/3/2014 (chỉ 8 ngày trước khi Quyết định chia tách huyện Từ Liêm có hiệu lực) thì UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định “thu hồi” 2.799m2 đất lưu không quốc lộ 32 tại xã Phú Diễn và thị trấn Cầu Diễn giao cho Nhà máy Z157 “để quản lý, chống lấn chiếm, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội và cảnh quan môi trường”.
Điều đáng nói ở chỗ, những người dân như bà Lan đều bị “giấu giếm”, không được công khai việc thu hồi đất, giao đất cho doanh nghiệp trên đây. Cho đến thời điểm cưỡng chế ngày 8/5 thì chính quyền phường Phú Diễn và quận Bắc Từ Liêm vẫn gọi đây là cưỡng chế công trình trên “đất công” dù thực chất đã là cưỡng chế để lấy đất, giao cho doanh nghiệp. Diễn ra vào thời điểm “nhạy cảm”, lại “bí mật” với dân và liên quan đến một dự án đang có nhiều lình xình, việc giao đất, cưỡng chế trên đây có điều gì bất thường?
Phần đất sau cưỡng chế đã được giao cho Nhà máy Z157 quản lý, làm hàng rào dây xích và để xe ô tô |
Giải quyết khiếu nại của bà Lan, UBND quận Bắc Từ Liêm lý giải “đất công” bị chiếm trong vụ việc này là “đất đã thực hiện GPMB” nằm trong chỉ giới GPMB của dự án đường 32. Còn Ban Bồi thường GPMB huyện thì gọi đây là đất nằm trong “chỉ giới đường đỏ”. Tuy nhiên, trong Quyết định giao đất cho Nhà máy Z157 thì UBND TP.Hà Nội lại gọi diện tích này là “đất lưu không” quốc lộ 32.
Trước những tên gọi khác nhau này, Luật sư Nguyễn Trung Thành (Hà Nội) có quan điểm: “Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành đều không có khái niệm “đất lưu không”. Vì vậy, không hiểu “đất lưu không” mà UBND TP.Hà Nội nói tới trên đây là đất gì. Nếu là đất trong chỉ giới đường đỏ hoặc đất để GPMB làm đường 32 thì tại sao lại giao đất đó cho doanh nghiệp? Còn nếu đây là diện tích đất còn thừa sau khi làm đường thì cần phải làm rõ tại sao lại có chuyện GPMB ngoài phạm vi làm đường như vậy? Phần đất thừa này được quy hoạch sử dụng như thế nào? Nếu chưa có quy hoạch thì cần xem xét cho chủ đất cũ tiếp tục sử dụng.”
Cùng quan điểm trên thì từ năm 2012, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Lan, Văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội) đã có văn bản gửi nhiều cơ quan của TP.Hà Nội đề nghị làm rõ và công khai cho dân biết về mốc giới mở đường 32 để đối chiếu xem diện tích đất của bà Lan nằm ngoài phạm vi GPMB như thế nào? Nếu người dân còn đất thì cần trả lại cho dân quyền sử dụng đất hợp pháp của họ; đồng thời cần ngăn chặn việc lấy đất ngoài dự án (nếu có) để làm lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, suốt quá trình xử phạt, cưỡng chế, giải quyết khiếu nại của bà Lan thì UBND huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) vẫn chưa công khai, làm rõ những nội dung trên cho người khiếu nại.
Dù chưa làm rõ về mốc giới GPMB nhưng không ai có thể phủ nhận một thực tế là phần đất cưỡng chế vừa qua đã nằm ngoài phạm vi làm đường (tính cả phần vỉa hè) quốc lộ 32 và nó đã được giao cho một doanh nghiệp quản lý. Vậy thì tại sao vào năm 2008, diện tích đất này lại bị thu hồi với danh nghĩa là “để mở đường 32”? Phải chăng, nếu lấy danh nghĩa “làm đường” thì việc thu hồi đất sẽ đúng luật và dễ dàng hơn so với việc thu hồi để giao cho doanh nghiệp?