Sai đến đâu xử lý đến đấy!
Ông Lê Trung Đức (Chánh Văn phòng UBND quận Tây Hồ) cho biết: Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải loạt bài liên quan đến những sai phạm ở bãi đá sông Hồng, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu địa phương xử lý.
Cũng theo ông Trung, hiện tại Thường trực Quận ủy Tây Hồ cũng đã chỉ đạo UBND quận xử lý các sai phạm như báo Pháp luật Việt Nam đã nêu. Hiện tại, chính quyền địa phương đã có tổ công tác kết hợp giữa Quận và UBND phường Nhật Tân tiến hành rà soát, kiểm tra và xử lý các vi phạm.
“Quan điểm của quận là tất cả các sai phạm đều phải bị xử lý. Sai đến đâu, chúng tôi tiến hành xử lý đến đó” – ông Lê Trung Đức chia sẻ.
"Sai đến đâu xử lý đến đấy" nhưng tại sao sai phạm vẫn tồn tại? |
Về những sai phạm trên, đại diện Đội Thanh tra Xây dựng quận Tây Hồ cho biết: Trước đây, những sai phạm về xây dựng đều do UBND phường trực tiếp quản lý, xử lý. Đội Thanh tra Xây dựng quận chỉ mới xậy dựng kiện toàn lại lực lượng và “tiếp quản” việc kiểm tra, xử lý những sai phạm ở phường Nhật Tân từ ngày 15/1/2014.
Thanh tra Xây dựng quận Tây Hồ cũng khẳng định từ ngày 15/1 đến nay, ngoài những sai phạm đã có từ trước đó, các hộ dân không cho xây dựng thêm bất cứ thứ gì nữa.
Hiện, Thanh tra Xây dựng quận Tây Hồ đã rà soát các hồ sơ cũ để xử lý các sai phạm. Các vi phạm có hồ sơ cũ sẽ được xử lý. Còn những sai phạm cũ mà không có hồ sơ thì sẽ được lập hồ sơ mới để xử lý triệt để.
Đại diện quận Tây Hồ cũng bày tỏ sự khó khăn trong quá trình xử lý các sai phạm ở khu vực bãi đá sông Hồng. Qua đó, các công trình đều được xây dựng với kết cấu tạm, có thể tháo ra, lắp vào nhanh chóng. Vì thế xử lý là một chuyện, còn ngăn không cho các hộ vi phạm tiếp tục xây dựng lại lại là chuyện khác!.
Quan điểm của ông Dương Việt Hùng (Trưởng Phòng Kinh tế Tây Hồ) thì cho rằng: Về luật thì không được phép xây dựng. Kể cả theo đề án phát triển sinh thái cũng chỉ được trồng như cây ngắn ngày để tạo khu vui chơi, chụp ảnh chứ không được làm bất cứ thứ gì khác để bảo đảm dòng chảy của khu vực hành lang thoát lũ.
Bao giờ bãi đá sông Hồng được “tự do”?
Cũng theo ông Hùng, đã là sai phạm thì sẽ phải xử lý. Tuy nhiên, người dân cũng có nguyện vọng sử dụng, khai thác khu vực bãi đá nguyên sơ, hiện đang là khu vực đất chưa sử dụng. Tất nhiên, nguyện vọng là một chuyện, người dân và chính quyền vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Còn câu hỏi: “Bao giờ xử lý dứt điểm các sai phạm về xây dựng trên khu vực bãi đá sông Hồng?” hiện vẫn chưa được UBND quận Tây Hồ trả lời cụ thể. Ngoài câu trả lời kiểu chung chung: “Sẽ xử lý triệt để”. Ông Lê Trung Đức cũng khẳng định: “Không có chuyện chính quyền không xử lý được”.
Ông Lê Quang Chính (Trưởng Phòng TN&MT Tây Hồ) cho biết: Về thực tế thì trách nhiệm xử lý trực tiếp vẫn là UBND phường Nhật Tân. Phòng TN&MT không có chức năng quản lý mà chỉ tham mưu cho UBND quận.
Có lẽ sẽ rất lâu nữa bãi đá sông Hồng mới được "tự do". |
“Các sai phạm ở khu vực bãi đá sông Hồng chúng tôi không “dám” trực tiếp xử lý mà phải xin ý kiến của Sở NN&PTNT và sở TN&MT TP Hà Nội. Từ năm 2009 trở về trước, chúng tôi chưa tìm được hướng xử lý vì 2 cơ quan này không tìm được tiếng nói chung. Trong khi sở NN&PTNT thì cho rằng nên cho trồng cây hàng năm để thu lợi thì sở TN&MT lại không đồng ý vì ảnh hưởng đến đê điều. Sau này, khi có nghị định 25/2009/NĐ-CP về “Quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo thì mới phân cấp quản lý khu vực trên” – ông Chính chia sẻ.
Hiện, Phòng TN&MT quận Tây Hồ đã giao cho UBND các phường ký hợp đồng với các hộ để thu lợi công sản trên khu vực bãi đá sông Hồng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hợp đồng nào được ký.
Về đề án sử dụng khu vực bãi đá sông Hồng cho mục đích sinh thái, ông Phạm Quang Đông (Phó phòng Quản lý, Chi Cục Đê điều&Phòng chống lụt bão Hà Nội cho rằng: Nếu UBND TP Hà Nội chấp thuận đề án thì cũng chưa chắc đã quản lý được. Đến lúc đó chính quyền lại phải đau đầu với bài toán chủ đầu tư có thực hiện đúng đề án, hay lại cho xây dựng lên khu vực đó, vi phạm phap luật về đê điều. Bây giờ đã không xử lý được thì sau lại càng khó”.
Chính quyền quận Tây Hồ thì khẳng định "sai đến đâu xử lý đến đấy", nhưng tại sao sai phạm vẫn tồn tại. “Bao giờ bãi đá sông Hồng được “tự do”? có lẽ là câu hỏi rất lâu nữa mới tìm được câu trả lời khi chính quyền địa phương cũng đành…chịu./.