Vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Lâm Đồng: Bị can “ngậm quả đắng”?

(PLO) - Việc Tou Prong Nai Thương (40 tuổi, trú tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) bị khởi tố, bắt giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền lên tới trên 17,2 tỷ đồng làm rúng động cộng đồng Churu tại địa phương. Liệu Nai Thương có bị “ngậm quả đắng” trong vụ án này?
Bị cáo Nai Thương trong phiên tòa sơ thẩm bị hoãn ngày 12/8/2015.
Bị cáo Nai Thương trong phiên tòa sơ thẩm bị hoãn ngày 12/8/2015.
Làm ơn mắc oán?
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Lâm Đồng, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2013 đến tháng 2/2014, Nai Thương đã vay tiền của nhiều người nói là để đáo hạn ngân hàng. Nhưng khi nhận tiền vay, Nai Thương không đáo hạn ngân hàng mà dùng tiền vay của người này để trả lãi đầy đủ cho người khác, trả lãi và tiền gốc cho chính người cho vay để tạo niềm tin và lại tiếp tục vay nhiều khoản tiền khác, trả lãi đầy đủ. 
Nai Thương đã chiếm đoạt tiền của một số người cùng xã như bà Nguyễn Thị Phúc (42 tuổi) trên 5,9 tỷ đồng; bà Cao Thị Phương Lan (46 tuổi) hơn 7,2 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Vui (45 tuổi) gần 2,3 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Vinh (57 tuổi) hơn 1,7 tỷ đồng.
Việc Nai Thương bị khởi tố, bắt giam đã gây chấn động vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn xưa nay rất yên bình này. Hầu hết họ không tin Nai Thương có thể lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn đến vậy. Ông Tou Prong Nai Tìn (anh trai bị can) cho biết: Biết Nai Thương là người có uy tín nên vợ chồng bà Tou Prong Loan (trú thôn K’răng Chớ, xã Ka Đơn) nhiều lần đến năn nỉ Nai Thương vay tiền giúp để trả ngân hàng và hứa 10 ngày sau khi trả nợ ngân hàng xong sẽ rút sổ vay lại, trả tiền cho Nai Thương. 
Vì cả nể, tin người nên ngày 17/10/2012, Nai Thương đã vay nóng tổng cộng 1,2 tỷ đồng của một số người như bà Vui 400 triệu đồng, bà Lan 380 triệu đồng, bà Phúc 245 triệu đồng và bà Vinh 200 triệu đồng, lãi suất từ 3.500 - 4.500 đồng/1 triệu đồng/ngày. Sau khi vay, Nai Thương đã đưa tất cho bà Loan. 
Nhưng sau đó, bà Loan thất hứa. Mãi tới ngày 30/1/2013, bà Loan mới trả cho Nai Thương 200 triệu đồng được ấn định thành tiền gốc. Số tiền này Nai Thương đem trả lãi các bên cho vay nhưng các bà  Lan, Phúc, Vui, Vinh lại lấy lại giấy vay nợ cũ và ghi giấy nợ mới, cộng lãi vào chứ thực tế Nai Thương không nhận tiền, không có người làm chứng. 
Tháng 3/2014, 4 bà nêu trên tố cáo Nai Thương tới Công an huyện Đơn Dương đòi số tiền hơn 30 tỷ đồng. Trong quá trình lấy lời khai, Nai Thương đồng ý trả nợ 1,2 tỷ đồng cộng lãi suất theo quy định cho những người này. Cùng thời điểm này, Nai Thương cũng kiện bà Loan yêu cầu trả số tiền vay giúp 1,2 tỷ đồng. TAND huyện Đơn Dương đã có Quyết định “công nhận thỏa thuận của các đương sự” với nội dung bà Loan cam kết trả nợ cho Nai Thương trước ngày 20/11/2014. Tuy nhiên, sau đó bà Loan tiếp tục thất hứa.
Cần làm rõ hành vi cho vay nặng lãi
Ông Tou Prong Nai Tìn cho rằng, Nai Thương không hề có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì chỉ đi vay 1,2 tỷ đồng giúp bà Loan, thể hiện ở Quyết định số 35/2014/QĐTS-DS của TAND huyện Đơn Dương ngày 28/4/2014.
“Ngày 30/1/2013, bà Loan đưa cho Nai Thương 200 triệu đồng để trả lãi theo thỏa thuận nhưng bà Loan lại ấn định đó là tiền gốc. Nai Thương không hiểu vấn đề nên đã dùng số tiền này đi trả lãi các bên cho vay. Khi đi trả lãi, các bên cho vay đã thu lại giấy vay cũng như giấy biên nhận nên Nai Thương mất tất cả giấy tờ về các giao dịch này. Nai Thương trở thành nạn nhân của cả bên vay và cho vay” - ông Nai Tìn cho biết.
Nhiều người dân còn cho rằng Nai Thương không bao giờ có khả năng vay và cũng không có nhu cầu vay số tiền lớn cả chục tỷ đồng như vậy vì Nai Thương mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không nghề nghiệp, học hết lớp 2, nhà rất nghèo và tài sản duy nhất là căn nhà xây nhờ trên đất của người anh trị giá chưa tới chục triệu đồng. Về phía bên cho vay cũng biết điều này. 
Thực chất số tiền Nai Thương vay của bốn người này chỉ có 1,2 tỷ đồng theo mức lãi suất cao nhưng bắt Nai Thương phải trả số tiền cả gốc và lãi lên đến 30 tỷ đồng, ép Nai Thương làm những giấy ghi nợ liên tục trong thời gian dài mà Nai Thương không hề hay biết.  
Cáo trạng của VKSND tỉnh Lâm Đồng cho thấy, các bà Phúc, Lan, Vui, Vinh đều thừa nhận cho vay với lãi suất từ 3.500 đồng tới 4.500 đồng/1 triệu đồng/ngày tức đã vượt gấp nhiều lần mức lãi suất theo quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Lê Cao Tánh (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng): Căn cứ Điều 476 Bộ luật Dân sự và Điều 163 Bộ luật Hình sự cho thấy hành vi của các bà Phúc, Lan, Vui và Vinh có dấu hiệu tội cho vay nặng lãi, cần được cơ quan chức năng làm rõ.
Thiết nghĩ, trong phiên xét xử sơ thẩm tới đây, HĐXX cần xem xét, đánh giá chứng cứ vụ án một cách khách quan, toàn diện, đảm bảo xử đúng người, đúng tội, tránh những hoài nghi không đáng có trong dư luận. 

Đọc thêm