Rừng cao su và cả một trời tuổi thơ trong trẻo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cao su tự bao giờ đã trở thành một người mẹ hiền, nuôi sống và che chở cho những ai về mảnh đất Dầu Tiếng (Bình Dương) mưu sinh lập nghiệp. Biết bao người phải chịu ơn cây cao su, chịu nghĩa dòng sữa trắng...

Cứ mỗi cuối tuần, tôi lại muốn nhanh chóng rời xa thành phố náo nhiệt để trở về quê. Ngôi nhà nằm sâu trong cánh rừng cao su bạt ngàn như một tấm thảm màu xanh khổng lồ.

Cao su bén rễ ở khắp mọi nơi

Tôi sinh ra và lớn lên ở Dầu Tiếng, mở mắt ra là thấy lô cao su trước mặt. Nó hiện diện trước ngõ, trải dài theo con đường đi học, che mát cho bao nóc nhà, đưa đẩy từng làn gió mát đến với nhịp sống đang ngày càng ấm no, đầy đủ.

Công nhân đang nhận tô hứng mủ về phần cây của mình.Công nhân đang nhận tô hứng mủ về phần cây của mình.

Ấy thế mà bà nội tôi thi thoảng vẫn vừa nhai trầu vừa ngâm mấy câu: “Cao su đi dễ khó về/ Khi đi trai tráng khi về bủn beo”. Thật ra đó là câu chuyện của những năm đầu thế kỷ trước, khi mà bọn thực dân mang cao su đến vùng rừng rậm Dầu Tiếng, chúng mộ phu công tra (công nhân cao su), phá rừng lập đồn điền. Trước sự bóc lột, đánh đập trắng trợn của bọn chủ đồn điền, cộng thêm sự khắc nghiệt của vùng rừng thiêng nước độc, trong thời kỳ Pháp thuộc, cuộc sống của công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng vô cùng cơ cực.

Còn bây giờ thì khác, mủ cao su được mệnh danh là dòng vàng trắng, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho đất nước. Đời sống của công nhân cao su khấm khá, bộ mặt quê tôi cũng thay da đổi thịt nhờ đóng góp của các công ty, nông trường cao su. Mười mấy năm trước, ai mà được làm công nhân cho nông trường cao su thì bọn trẻ chúng tôi gọi là “nhà giàu”. Mẹ tôi cũng có thời gian gần 10 năm làm công nhân cao su. Sau đó, nông trường giảm biên chế nên cho thôi việc, mẹ lại xin đi cạo thuê cho các chủ cao su tiểu điền (cao su của hộ gia đình).

Nghề cạo mủ cũng khá vất vả. Mẹ tôi phải thức dậy đi cạo từ 3 giờ rưỡi, 4 giờ sáng, giờ đó thì mới cho mủ nhiều. Mẹ rón rén mở cửa, lấy dao cạo, thùng trút mủ, cà-men cơm, chai nước lọc, dẫn xe ra xa nhà để nổ máy. Rừng cao su lốm đốm ánh sáng của xe cộ, của đèn cạo, lô nào cũng có công nhân đang cạo nên cũng không đến nỗi sợ bóng đêm lắm. Chỉ có bọn trẻ chúng tôi cứ đến thứ bảy, chủ nhật theo bố mẹ ra lô, lại bày đặt sợ “ma” nên cứ nằm võng ngủ tới sáng.

Việc để dòng “vàng trắng” rơi rớt là điều cấm kỵ đối với công nhân.

Việc để dòng “vàng trắng” rơi rớt là điều cấm kỵ đối với công nhân.

Sáng tinh mơ, tôi mở mắt ra thì khoanh nhang muỗi mẹ cắm đầu võng cũng đã tàn, mẹ đứng đó quấn khăn vào dao cạo sau khi đã cạo xong. Ba tiếng đồng hồ cạo xong gần một ngàn cây, tôi luôn thần tượng mẹ về “chiến công” đó. Sáng trời se lạnh mà lưng áo, đầu tóc mẹ ướt đẫm mồ hôi...

Thời nhỏ, tôi đâu hình dung được việc đứng cạo ngần ấy miệng cây vất vả thế nào. Không phải cứ đặt dao vào cạo là cho mủ, mà phải đúng kỹ thuật, không phạm vào thân cây, không bị da cát (nghĩa là cạo chưa đủ độ sâu) và hàng tá các tiêu chuẩn kỹ thuật khác của một công nhân khơi dòng vàng trắng. Mỗi tháng đều có kỹ sư nông nghiệp của nông trường đến kiểm tra bất kỳ một cây nào, kết quả kiểm tra được đánh giá theo các loại A, B, C… Ai loại A thì sẽ không bị trừ lương.

Sau này, lớn lên một chút, mỗi khi nghỉ hè tôi lại ra lô phụ mẹ. Tôi không cạo được nên chỉ phụ mẹ trút mủ (thu hoạch mủ), bốc mủ chén (gỡ lớp mủ mỏng trong lòng tô mủ sau khi trút xong), gỡ mủ dây (gỡ lớp mũ nằm trên miệng cạo). Chỉ vậy thôi cũng thấy mệt rồi. Từ đó, tôi thấy thương bố mẹ hơn vì hiểu được đặc thù của nghề cạo mủ. Tôi quý trọng đồng tiền hơn, tôi không bao giờ chê bộ đồ công nhân của mẹ là hôi hám nữa... Và cũng từ thời gian đi phụ mẹ làm thuê cho chủ cao su tiểu điền, tôi có động lực mạnh mẽ để học hành đến nơi đến chốn, với mong muốn sau này có thể đỡ đần cho gia đình, không phải làm thuê cuốc mướn nữa.

Sau 3 giờ cạo liên tục, công nhân dùng thùng làm ghế để nghỉ ngơi, chờ mủ chảy.

Sau 3 giờ cạo liên tục, công nhân dùng thùng làm ghế để nghỉ ngơi, chờ mủ chảy.

Vàng trắng đã làm tròn sứ mệnh thiêng liêng!

Hiện tại, khi đã có công việc ổn định, tôi vẫn luôn nhớ về năm tháng tuổi thơ dưới bóng cây cao su. Những người con trưởng thành từ miền đất cao su sẽ không thể nào quên được tiếng dao cạo cứa vào thân cây nghe rột roạt, tiếng mủ rơi tí tách trong tô, còn cả tiếng vo ve của “tập đoàn” muỗi trú ngụ trong rừng cây. Cứ đến mùa thay lá, tầm tháng 12 năm nay đến tháng 3 năm sau, rừng cao su lại chuyển từ màu xanh mướt sang màu đỏ đỏ, vàng vàng, tạo nên một bức tranh vô cùng thơ mộng; thi thoảng có cơn gió đưa qua là hàng tỉ chiếc lá rơi xuống một cách ngọt ngào, lãng mạn.

Cũng trong đầu mùa cao su thay lá, cả làng lại có thêm một nghề phụ là nhặt hạt cao su. Hạt cao su cứng, vỏ nhẵn bóng, có nhiều vết vằn nâu nhỏ như hạt nhãn lồng; nhân hạt có nhiều tinh dầu, được các nhà máy thu mua đem về xay rồi tinh chế. Ai nấy đều mang túi, bao, đi từ hàng này qua hàng nọ, lô này qua lô nọ, lúi húi nhặt cọm cả lưng. Nhặt xong rồi mang đi bán với giá rẻ bèo, từ 2.000 đến 3.000 đồng một ký.

Lô cao su đầu mùa mưa còn có một đặc sản rất có giá trị, đó là nấm mối. Những người sành hái nấm mối nửa đêm về sáng lại soi đèn trong lô cao su nhộn nhịp như chợ đêm. Thu hoạch được nhiều thì đem đi bán bớt, giữ lại một ít để nấu canh, xào, kho... Nghĩ tới đã thấy thèm rồi!

Công nhân cạo mủ phải chấp nhận đánh đổi giấc ngủ của mình và vượt qua nỗi sợ bóng đêm.

Công nhân cạo mủ phải chấp nhận đánh đổi giấc ngủ của mình và vượt qua nỗi sợ bóng đêm.

Hàng cây cao su thẳng tắp, kéo dài miên man nhìn hoài không chán. Con đường về quê của tôi trở nên mát mẻ, thư thái hơn nhờ có cao su ngút ngàn hai bên chào đón. Tôi biết rằng, ngành cao su đang đi qua chặng đường khó khăn sau một giai đoạn đầy vinh quang và hào sảng, nhiều công nhân cạo mủ đã chuyển đổi sang công việc khác để đảm bảo thu nhập, nhiều người khác thì vẫn bám trụ với công việc đã gắn bó từ những ngày đầu khai hoang vùng đất Dầu Tiếng với bộn bề gian khó. Dù hiện tại có thế nào, cây cao su đã làm tròn sứ mệnh thiêng liêng trên vùng đất quê tôi, đem màu xanh no ấm cho mọi nhà.

Với tôi, rừng cao su là một vùng trời tuổi thơ trong trẻo, là điểm tựa của gia đình tôi trong những năm tháng khó khăn, là động lực giúp tôi trưởng thành và ăn học đến nơi đến chốn. Hình ảnh cây cao su hiền lành còn là miền ký ức yên bình để nhớ về, mỗi khi tôi rơi vào áp lực trong cuộc sống xô bồ.

Đọc thêm