Rừng lim ngàn năm báu vật của làng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngay giữa vùng đồng bằng, vựa lúa lớn của Nghệ An là khu rừng lim trăm tuổi. Khu rừng này được xem là “cấm sơn” không ai được phép đụng vào. Người dân nơi đây từ bao đời luôn lưu giữ và xem những cây lim quý giá như một báu vật truyền đời của làng.
Đền Cả nằm nép mình bên rừng lim đại ngàn.
Đền Cả nằm nép mình bên rừng lim đại ngàn.

Khu rừng của cha ông để lại

Huyện Yên Thành được biết đến là vựa lúa của Nghệ An. Điều đặc biệt là nằm giữa những cánh đồng lúa thẳng tắp sát khu dân cư là rừng lim nguyên sinh núi Tháp Lĩnh ở xã Hậu Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). Cây Lim được người dân nơi đây chăm sóc và bảo vệ như “báu vật” suốt hàng trăm năm qua.

Đi sâu vào rừng đặc dụng núi Tháp Lĩnh rộng hơn 18ha, cảnh vật trông hoang sơ, bình yên đến lạ. Những thân lim, trắc, gụ, lát hoa hàng trăm tuổi đứng sừng sững đan cành vào nhau. Phía dưới là tầng cây bụi, dây leo tạo nên thảm thực vật dày đặc. Tiếng côn trùng rả rích lẫn trong tiếng chim hót và tiếng muỗi rừng vo ve tạo cảm giác như đang ở nơi thâm sơn cùng cốc. Không chỉ giá trị về mặt tâm linh, vào mùa hè khu rừng này như cái máy lạnh khổng lồ, điều hòa cho cả vùng dưới cái nắng nóng 39 độ C.

Những cụ cao tuổi trong làng cũng không rõ rừng lim có từ khi nào. Chỉ biết khi còn thiếu niên đã nhìn thấy rừng lim bạt ngàn, cao to, thân vỏ sần sùi và bây giờ ở tuổi “cổ lai hy” vẫn thấy rừng lim như vậy. Với nhiều cụ ông nơi đây, rừng lim này như gắn liền với tuổi thơ những lần đi đốn củi, bẻ măng, chăn trâu dưới tán lá um tùm của cây lim cổ thụ. Nhiều gốc lim có đường kính to bằng vài người ôm, ước tính có tuổi đời các cây phải trên 300 năm.

Ông Mai Huy Chân, người 21 năm trực tiếp bảo vệ rừng cho hay hàng chục năm qua chưa bao giờ xảy ra tình trạng khai thác lim trái phép.Ông Mai Huy Chân, người 21 năm trực tiếp bảo vệ rừng cho hay hàng chục năm qua chưa bao giờ xảy ra tình trạng khai thác lim trái phép.

Một điểm nữa khiến khu rừng lim này quý giá đó là sự trường tồn mãnh liệt với sự phát triển của dân làng. Dù có hạn hán, mưa bão, lụt lội thì rừng lim vẫn cứ sừng sững xanh tươi. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù nhiều điểm của huyện Yên Thành bị bom địch đánh phá ác liệt nhưng lạ thay khu rừng lim vẫn xanh tươi. Khu rừng như chiến hào, lô cốt bảo vệ chính quyền, bảo vệ người dân quê lúa trong chiến tranh ác liệt.

Trải qua nhiều thế hệ, người dân nơi đây vẫn không ai dám tự ý chặt hạ cây lim. Họ vẫn gọi lim bằng “cụ”. Có những “cụ” lim độc thân, bơ vơ một mình ven sườn dốc; có những “cụ” lim đã “thượng thọ” đến hai, ba trăm năm tuổi, con đàn cháu đống, kết thành những cánh rừng sum xuê, xanh ngắt. Lim ở đây là giống lim sâu róm và lim xanh, thân cây không lớn nhưng lõi chắc, hoa văn đẹp. Giá trị kinh tế của những cây lim trăm tuổi này rất cao nhưng không ai dám tự ý chặt hạ.

Trước đây, chính quyền xã trực tiếp quản lý rừng, song từ năm 2017 được chuyển giao cho lâm nghiệp huyện Yên Thành. Ông Mai Huy Chân (61 tuổi), cán bộ lâm nghiệp xã Hậu Thành cho biết, bản thân đã 21 năm trực tiếp bảo vệ rừng. Hàng chục năm qua chưa bao giờ xảy ra tình trạng khai thác trái phép. Người dân địa phương xem khu rùng như lá phổi xanh của làng nên ai cũng có ý thức bảo vệ.

Tài sản vô giá

Nằm nép mình bên rừng lim là ngôi đền Cả. Đây là ngôi đền cất bằng gỗ lim được khởi dựng từ năm 1883, thờ các vị quan có công với dân với nước. Ông Mai Công Định (SN 1942) - người trông coi đền Cả kể lại, vào thời nhà Lê, trong một lần đi qua xã Hậu Thành, đức thánh Nguyễn Hữu Chỉ (quê Thanh Hóa) nhìn thấy núi Tháp Lĩnh phong cảnh hữu tình, là vùng đất lành chim đậu nên đã đưa con cháu đến khai hoang, chiêu dân lập làng.

Để tưởng nhớ công ơn của đức thánh Nguyễn Hữu Chỉ, một số người dân đã dựng đền Cả dưới chân núi Tháp Lĩnh, gần mộ của ông để hương khói thờ phụng. Hàng tháng vào các ngày rằm, mồng một người dân địa phương lại đến thắp hương để tưởng nhớ đến ngài. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, con cháu hồi hương không quên tới đây gieo quẻ, cầu phúc, cầu an cho bản thân và quê hương.

Nhìn từ trên cao, khu rừng lim được bao bọc giữa dân làng.

Nhìn từ trên cao, khu rừng lim được bao bọc giữa dân làng.

Dưới gốc cây lim cổ thụ cạnh đền Cả là một cái am nhỏ thờ thần Trăn. Tương truyền, ngày xưa, có một vị thần Trăn cai quản khu rừng này. Thần thiêng nên không ai dám đụng đến rừng hay chặt cây lim nào. Câu chuyện thần Trăn cũng chỉ là hư cấu để răn mọi người không được đụng vào rừng.

Dù vậy từ xa xưa, người làng Đức Hậu (tên cũ của xã Hậu Thành ngày nay) đã đặt ra hương ước để bảo vệ khu rừng này. Nếu ai chặt một cây thì bị phạt nặng, buộc phải trồng lại mười cây và bị bêu danh giữa làng.

Nhờ đó, đến nay trải qua nhiều thế hệ, khu rừng vẫn nguyên vẹn với hàng ngàn cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi. Khu rừng lim này còn được nhiều người ví như hòn ngọc, báu vật của xã, của huyện vì là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại của huyện Yên Thành.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, khu rừng nằm biệt lập, không lớn, bao quanh là xóm làng và đồng ruộng nên dễ quản lý. Những quan trọng hơn là từ nhiều đời nay, người dân ở đây đã có ý thức bảo vệ, coi khu rừng là nơi bất khả xâm phạm, không lấy gỗ dù trữ lượng gỗ quý là khá lớn nên rừng mới tồn tại đến nay.

Theo ông Nguyễn Hồng Chính, Chủ tịch UBND xã Hậu Thành,khu rừng lim như lá phổi xanh, là biểu tượng của việc con người sống hòa đồng với thiên nhiên. Để có được khu rừng vô giá này là nhờ vào ý thức giữ gìn, bảo vệ của người dân xã Hậu Thành bao nhiêu đời qua. Hàng năm, các tổ chức đoàn thể đều tham gia phát quang, dọn thực bì nhằm phòng chống cháy rừng vào mùa hè nóng bức. Địa phương xác định rừng là tài sản vô giá như báu vật cha ông thời xưa để lại nên tập trung bảo vệ.

Có thể nói, không chỉ có giá trị về mặt sinh thái, khu rừng này còn là niềm tự hào bao đời của người dân. Người dân ở đây cũng đang hy vọng khu rừng này sẽ thành điểm du lịch sinh thái, phục vụ nghiên cứu khoa học và là biểu tượng về trách nhiệm bảo vệ gìn giữ môi trường tự nhiên của mỗi người dân.

Nếu như ngày trước, nhắc đến núi rừng Nghệ An, người ta thường nhắc đến vườn quốc gia Pù Mát nổi tiếng nơi quần tụ của nhiều loài thú quý hiếm và muôn vàn cây cối khác nhau hay rừng săng lẻ ở Tương Dương với những cây săng lẻ cao hàng chục mét trên cung đường từ TP Vinh về các huyện miền Tây xứ Nghệ. Thì nay, rừng lim nằm ngay giữa đồng bằng là một địa chỉ mới cho nhiều người. Nó là lá phổi xanh, là niềm tự hào của người dân quê lúa Nghệ An.

Đọc thêm