Rùng mình cảnh vui chơi, mưu sinh dưới trạm biến áp, bốt điện Hà Nội

(PLO) - Cách đây ít năm, vụ nổ trạm biến áp tại phố Nguyễn Thị Minh Khai (quận Hà Đông, Hà Nội) làm 5 người thương vong đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bất chấp nguy hiểm khi kinh doanh cạnh trạm biến áp của một bộ phận dân cư. Đáng nói, tình trạng người dân sinh hoạt, vui chơi, kinh doanh bên cạnh những trạm biến áp, trụ - bốt điện vẫn diễn ra khá phổ biến tại Hà Nội. 
 Tình trạng người dân kinh doanh tại khu vực gần trạm biến áp, trụ - bốt điện diễn ra tương đối phổ biến.
Tình trạng người dân kinh doanh tại khu vực gần trạm biến áp, trụ - bốt điện diễn ra tương đối phổ biến.

Nhan nhản hàng quán “bủa vây”

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm bốt điện, trạm biến áp, tủ hạ thế được đặt lộ thiên trên vỉa hè các tuyến phố. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh hàng quán trong hành lang an toàn trạm biến áp, trụ - bốt điện vào thời điểm hiện tại vẫn đang diễn biến phức tạp.

Khảo sát thực tế tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô, PV dễ dàng ghi nhận được những quán nước, điểm kinh doanh lẻ “bủa vây” trạm biến áp, trụ - bốt điện. Cụ thể, tại khu vực số 229, 121 Tây Sơn; 155 Nguyễn Lương Bằng; 221, 127 Khâm Thiên; khu vực trụ biến áp đầu ngõ 23 Nguyễn Trãi…, dù các trạm biến áp hay tủ hạ thế đều được ngành Điện cảnh báo nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn bất chấp để tận dụng làm nơi bán hàng hoặc sinh hoạt. 

Tại những khu vực này, người mua, người bán thản nhiên giao dịch, uống nước, trò chuyện… bất chấp biển cảnh báo “Cấm lại gần, có điện nguy hiểm chết người” hay “Điện áp cao, nguy hiểm chết người”. Theo một số người dân sinh sống trên địa bàn, hoạt động kinh doanh tại đây xuất hiện đã lâu, chưa bao giờ được xử lý dứt điểm.

Đáng chú ý, khi được hỏi về những nguy hiểm tiềm ẩn có thể xảy ra thì hầu hết người dân đều nhận thức được, song hỏi về các quy định hạn chế liên quan thì phần lớn đều tỏ ra mơ hồ, không mấy ai bận tâm với những cảnh báo nguy hiểm. Thậm chí nhiều người như đã quen với việc kinh doanh, sinh hoạt, trú mưa, tránh nắng, nghỉ ngơi... bên cạnh “tử thần” mà “bỏ qua” yếu tố an toàn.

Cần nâng cao ý thức

Theo tìm hiểu, lưới điện cao áp, trụ - bốt điện luôn tiềm ẩn nguy hiểm rình rập đối với tính mạng con người khi lại gần. Chính bởi thế, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện quy định rõ, đối với các trạm điện không có tường, rào bao quanh, hành lang bảo vệ được giới hạn bởi không gian bao quanh trạm điện có khoảng cách đến các bộ phận mang điện gần nhất của trạm điện. 

Chẳng hạn, với trạm điện áp đến 22kV, khoảng cách là 2m; điện áp 35kV, khoảng cách là 3m… Còn đối với các trạm biến áp, trạm phân phối điện hợp bộ, có vỏ bằng kim loại thì hành lang bảo vệ được giới hạn đến mặt ngoài của phần vỏ kim loại... Tuy nhiên, những vi phạm về hành lang an toàn lưới điện, trạm biến áp, trụ - bốt điện đã và vẫn đang diễn ra. 

Việc người dân sinh hoạt, kinh doanh trong hành lang bảo vệ an toàn trạm biến áp, trụ - bốt điện là rất nguy hiểm. Bởi trong quá trình kinh doanh hàng quán, không ít người đã sử dụng, bài trí các dụng cụ kim loại gần nguồn dẫn điện (kê kệ sắt, tủ đựng đồ, dùng xích móc vào giá để trạm biến áp với mục đích bảo quản bàn ghế…) mà không hề hay rằng, đây chính là một trong những nguồn gây ra hiện tượng truyền, dẫn và phóng điện.

Ngoài ra, khi có sự cố chập điện, việc truyền điện, phóng điện gây nguy hiểm đến tính mạng người xung quanh là điều khó tránh khỏi. Ở góc độ phòng chống cháy nổ, việc kinh doanh hàng quán trong khu vực trạm biến áp, trụ - bốt điện hoạt động luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy nổ nhất. Khi thiết bị điện quá tải, gây chập, cháy sẽ xuất hiện hiện tượng phóng điện, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người xung quanh khu vực.

Nhằm đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, thời gian qua các cơ quan chức năng đã ban hành khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định rõ, hành vi trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác… đều bị nghiêm cấm. Quy định cấm là thế, song trên thực tế, các vi phạm vẫn diễn ra.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, ngành điện cần phối hợp với cơ quan chức năng tại các địa phương có biện pháp cảnh báo, xử lý triệt để tình trạng tận dụng khu vực quanh trạm biến áp, trụ - bốt điện làm nơi kinh doanh, sinh hoạt để ngăn chặn những nguy hiểm từ chập, phóng điện. 

Đọc thêm