Quần áo cũng tái chế
Có lẽ bất cứ ai lần đầu đến xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cũng không khỏi tò mò, khi đi dọc theo những ngõ xóm lại thấy cả nghìn chiếc quần bò cũ phơi từng hàng dài từ trong nhà tới ngoài ngõ, thậm chí treo cả lên tường rào, bụi cây.
Anh Nguyễn Văn Lợi, một người dân xã Bắc Sơn sống bằng nghề bới rác cho biết, đó là “hàng” nhặt về từ bãi rác Nam Sơn. Một số hộ dân trong quá trình nhặt rác đã gom những chiếc quần cũ này về phân loại và treo lên theo từng hàng khác nhau. Một hàng gồm những chiếc quần gần như còn mới, nhiều mẫu mã; một hàng cũ hơn, đã ngả màu nhưng còn nguyên vẹn; hàng còn lại là những chiếc quần đã rách nát, hỏng khóa.
“Những chiếc quần bò này một phần do tôi nhặt được, một phần do mua lại của những người nhặt rác cùng. Quần áo lúc nhặt ngoài bãi lẫn lộn với rác thải bẩn lắm, về vợ chồng tôi phải giặt đi giặt lại bao nhiêu nước mới sạch được thế này đó, giờ phơi cho khô để bán”, anh Nguyễn Văn Hưng giới thiệu về mấy dãy quần bò của nhà mình.
Được biết, những chiếc quần bò được nhặt về từ bãi rác này sẽ được bán cho các đầu nậu thu mua với mức giá khác nhau tùy theo từng loại. Quần đã rách nát được bán theo kilogam, giá 500 đồng/kg. Những chiếc quần còn nguyên vẹn sẽ được thu mua theo chiếc, tùy độ mới cũ với mức giá khác nhau, khoảng 500 - 1000 đồng/chiếc.
Đầu nậu mua về lại tiếp tục phân loại. Với những loại không còn giá trị sử dụng mua theo kilogam, họ sẽ cắt riêng xéc quần để lấy một ít đồng bán phế liệu, phần vải còn lại tận dụng để may găng tay lao động, bán cho công nhân các nhà máy sản xuất sắt thép.
Những chiếc quần bò nhặt từ bãi rác được phơi khô trên tường rào chờ bán lại cho người buôn đồ cũ. |
Với những chiếc quần còn mới hơn, họ sẽ tiếp tục bán lại cho những người chuyên thu mua quần áo cũ, cũng tùy độ mới cũ mà giá từ 1000 - 2000 đồng/chiếc. Ngoài quần bò, những loại quần áo khác cũng được moi lên từ bãi rác và trải qua những công đoạn tương tự.
Liên hoan… gà chết
Để tìm hiểu thực tế công việc của những người bới rác đêm tại bãi rác Nam Sơn, phóng viên đã xin đi cùng anh Nguyễn Văn Lợi. 4h sáng, mọi người đang cắm cúi bới nhặt thì có tiếng reo của một người đàn ông ở gần anh Lợi: “Sáng mai lại có món gà uống rượu rồi”, chưa dứt lời, người này lôi trong đống rác ra một con gà trắng bệch, vẻ hớn hở hiện rõ trên khuôn mặt đã khá mệt mỏi vì công việc.
Anh Lợi cũng tò mò ngừng tay, hỏi: “Xem có tươi nữa không, con gà đó cũng phải hơn 2kg đấy. Nếu tươi, mai luộc tha hồ mà nhắm rượu”.
Nghe thắc mắc “ăn gà chết như vậy không sợ dịch à”, anh Lợi cười: “Những con vật chết vứt ở bãi rác thì hơi mất vệ sinh thật, nhưng về nấu lên mà uống với rượu thì vi khuẩn nó cũng chết hết rồi”.
Cũng theo những người nhặt rác ở đây, ngay cả xác các động vật như chó, mèo đã phân hủy vẫn còn giá trị sử dụng. Một số người nhặt về làm thức ăn cho cá trê phi. Ngoài ra, còn có một số khác đứng ra thu gom những xác động vật đó mang về nhà làm thịt sạch sẽ, thui vàng lên rồi chở xe máy mang đi nơi khác.
Người xung quanh không biết chắc họ mang đi đâu, làm gì, chỉ đoán có thể số thịt chó mèo chết từ bãi rác đó sẽ được mang bán lại cho một số quán nhậu ở Hà Nội và Thái Nguyên.
Hi vọng đổi đời từ “lộc” trời
Hàng ngàn người bới rác giữa đêm, ai cũng muốn tìm kiếm vận may cho bản thân mình. Những người bới rác đêm nếu thấy có gối, bọc giấy, túi xách, phong bì,… họ sẽ dừng ngay công việc để lúc lọi kiếm xem có tiền hay vật gì có giá trị còn sót lại không.
Nói về “lộc” từ bãi rác, anh Lợi kể : “Trong thời gian đi làm rác, tôi cũng đã nhặt được khoảng 5 - 6 triệu đồng. Khi thì nhặt được cái phong bì quên chưa bóc đã bị quẳng nhầm ra bãi rác. Khi thì có cả tiền triệu giấu trong những chiếc giày bị hỏng.
Chị Hoàng Thị Diệp đang tìm xem có chiếc phong bì nào quên chưa bóc. |
Cách đây một tháng, tôi lại nhặt được chiếc nhẫn vàng tây hơn 2 chỉ trong một cái hộp nhỏ lẫn trong chiếc áo comple. Còn lục túi những chiếc quần bò cũ vứt ở bãi rác được vài chục nghìn đồng là chuyện thường”.
Giới bới rác đêm vẫn truyền tai nhau câu chuyện may mắn hiếm có về bà Ngô Thị Ngà (ngụ xóm Trại, thôn Đô Tân, xã Bắc Sơn). Bà Ngà nổi tiếng bởi hồi gần Tết năm 2009, bà đã nhặt được 11 cây vàng trong lúc lượm ve chai ở bãi rác này.
“Ở bãi rác này có nhiều người nhặt được tiền, người nhiều thì nhặt được cả chục triệu đồng, người ít thi thoảng nhặt được tiền đô, điện thoại xịn... Còn những “quả” nhỏ như dăm trăm, một triệu đồng là chuyện thường”, chị Hoàng Thị Diệp vừa kể chuyện vừa không ngừng tay lục lọi đống phong bì lẫn trong rác thử vận may, biết đâu lại có cái phong bì nặng tiền nào đó còn chưa bóc./.