Chặt 5 cây, không trồng lấy được một cây
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội cho biết, qua tổng kết 12 năm thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) năm 2004 cho thấy, từ khi có Luật, rừng đã được bảo vệ và phát triển tốt hơn, đã đóng góp tích cực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì Luật BV&PTR năm 2004 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng hay sản xuất lâm nghiệp nhỏ lẻ hiệu quả chưa cao, năng suất và giá trị gia tăng thấp, người trồng rừng và bảo vệ rừng có cuộc sống còn nhiều khó khăn…
Vì vậy, Ủy ban KHCN&MT cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn để nâng cao giá trị, hiệu quả quản lý rừng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển lâm nghiệp, ngăn chặn tốt hơn tình trạng phá rừng; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người làm nghề rừng và xây dựng nông thôn mới.
Thường trực Ủy ban KHCN&MT nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật BV&PTR năm 2004 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Đồng thời, việc xây dựng và ban hành Luật BV&PTR (sửa đổi) cũng nhằm thể chế hóa kịp thời quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh và một số văn bản khác liên quan. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật BV&PTR năm 2004 còn nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong điều kiện các luật liên quan như: Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Giá, Luật Đầu tư công... đã được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây.
Là người nhiều năm gắn bó với rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt bày tỏ sự trăn trở về câu nói “rừng vàng biển bạc” và cho rằng “rừng là vàng thật, nhưng vàng không được lấy không được ăn nên người dân ở đó cứ nghèo khó”.
Theo ông, thực tế có rất nhiều bất hợp lý, rừng ở trên cao nhưng chính sách đầu tư thì ở dưới thấp. “Ta xem lại thì toàn lấy của rừng về chứ không đưa lên rừng được bao nhiêu. Ở Lào người ta có chính sách nói đơn giản là chặt 1 cây trồng 1 cây nhưng ở ta chặt 5 cây, không trồng lấy được một cây. Bao nhiêu gỗ quý, thú quý, khoáng sản quý đã bị lấy hết. Rừng ngày xưa là vàng, rừng vây quân thù, che bộ đội nhưng giờ rừng thành làm giàu cho lâm tặc” – ông Việt nói.
Cũng theo Chủ nhiệm Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, chính sách phát triển của ta lâu nay cứ loay hoay ở “nhất phần điền” nên “tam sơn, tứ hải” ít nảy sinh “đại gia” mà chỉ nhiều “đại ca” chuyên phá rừng. “Bây giờ chính sách với “tam sơn, tứ hải” phải làm sao để ở rừng giảm “đại ca” đi, tăng “đại gia” lên thì mới giàu được. Đây là một thực trạng phải thiết kế luật để điều chỉnh” – ông Việt nói.
Tăng cơ chế cho kiểm lâm
Đi vào chi tiết quy định về quản lý rừng được nêu trong Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng, cơ chế cho kiểm lâm được quy định trong dự thảo không đảm bảo cho kiểm lâm bảo vệ được rừng, chống được lâm tặc. “Các kỹ sư đào tạo 4-5 năm về điều tra rừng nhưng thua lâm tặc. Gỗ tốt ở đâu lâm tặc biết hết. Hay có đoàn kiểm lâm có máy móc định vị nhưng vẫn bị lạc.
Còn lâm tặc thì rất nhanh, tính toán chi ly chặt cây từ vị trí này đưa về mấy mất ngày. Từ rừng về thành phố bao nhiêu trạm nhưng chúng vẫn qua được hết. Để lâm tặc lộng hành là có tội với dân, với đất nước. Tôi rất trăn trở với vấn đề này” – ông phân tích và đề nghị phải tính toán để quy định tạo được hành lang pháp lý cho các cơ quan công quyền trong việc xử lý, ngăn chặn những vấn đề này.
Nhấn mạnh có thời gian một số địa phương lợi dụng chính sách chuyển đổi rừng để... phá rừng, ông Việt đề nghị quy định rõ về phân cấp trong quản lý rừng nhưng phải có thẩm định của cơ quan cấp trên, ví dụ tỉnh muốn làm gì theo quy định trong luật phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thẩm định của Chính phủ xem xét lại để tạo sự giám sát lẫn nhau giữa các địa phương và bộ, ban, ngành.