Rưng rưng ký ức thời tem phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với nhiều thế hệ người Việt Nam, thời bao cấp đã để lại những kỉ niệm khó quên.
Người dân xếp hàng mua chất đốt.
Người dân xếp hàng mua chất đốt.

Quên sao được những buổi xếp hàng từ tờ mờ sáng để mua cho được nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày, quên sao được những cảnh cả nhà nhường nhịn để một người trong nhà có tấm áo tươm tất đi làm và quên sao được khi tem phiếu, sổ gạo đã đi cả vào “thành ngữ thời bao cấp”: Mặt nghệt như mất sổ gạo...

Nhưng chính sự thiếu thốn về vật chất của một giai đoạn ấy đã qua đem đến cho chúng ta nhiều điều đáng trân trọng, phải giữ gìn. Đó là tinh thần nhân văn, đùm bọc nhau trong thời buổi khó khăn chung của cả đất nước.

Với mong muốn thế hệ trẻ có cái nhìn sinh động và chân thực về quá khứ của nước nhà và cùng thế hệ trung niên, lão niên ôn lại thời kỳ không thể quên của mình. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đang lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập tem, phiếu - những hiện vật lịch sử phản ánh về một thời kỳ khó khăn của đất nước.

Những vật chứng của một thời gian khó

Ngày nay, chuyện có tấm áo, manh quần mới là hết sức bình thường. Thế nhưng, ở thời bao cấp, người dân đều dành vải đến Tết mới may quần áo để diện đi chơi. Vì vải là một mặt hàng vô cùng khan hiếm. Để có vải, người dân phải có tem vải, phiếu vải do Cục Vải sợi may mặc - Bộ Nội Thương phát hành từ năm 1964-1975. Thông tư số 119-TTg ngày 21/12/1963 công bố định lượng phân phối một năm một cán bộ công nhân viên 5 mét/người, nhân dân thành phố và thị xã 4 mét/người/năm, dân nông thôn 3 mét/người/năm.

Vải cung cấp cũng không có nhiều loại, trong nước có vải phin, popelin của Nhà máy Dệt 8-3 sản xuất, vải thô, kaki Nam Định của Nhà máy Dệt Nam Định sản xuất và chỉ có hai màu cơ bản là xanh công nhân và tím than. Với định lượng phân phối như thế, người lùn nhỏ thì may quần áo còn rộng rãi vài phần. Những người cao lớn, mặc quần áo ngắn cũng đành chịu. Ai chịu khó giữ gìn thì quần áo mặc được lâu, lỡ sờn rách thì cố vá víu mặc tạm chờ đợt cấp mới. Vì thế, người mặc quần vá, tích kê đầu gối rất phổ biến, áo sơ mi sờn cổ thì mang ra hiệu may lộn lại.

Phiếu vải của nam và nữ.

Phiếu vải của nam và nữ.

Hết chuyện mặc đến chuyện ăn, tất cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, đường, sữa… cũng đều có tem phiếu. Theo tiêu chuẩn hồi đó, cán bộ cấp đặc biệt hưởng từ 7,5kg thịt, 3,5kg đường/tháng trở lên; bộ trưởng hoặc tương đương có phiếu A, trước năm 1975 hưởng 6kg thịt, 3kg đường, sau năm 1975 hưởng 4,2kg thịt, 2kg đường/tháng. Cán bộ cấp nhỏ tiêu chuẩn phiếu D trước năm 1975 hưởng 1kg thịt, 0,5kg đường/tháng; sau năm 1975 hưởng 0,8kg thịt, 0,7kg đường/tháng.

Công nhân lao động nặng trước năm 1975 tiêu chuẩn phiếu I, hưởng 1,5kg thịt, 0,75kg đường/tháng, còn nhân dân trước năm 1975 và cả sau này là phiếu N với 0,3kg thịt và 0,1kg đường/tháng. Ngoài thịt, còn có ô đậu phụ, ô nước mắm. Cán bộ hưởng cấp đặc biệt và tiêu chuẩn phiếu A, B mua tại cửa hàng 17 phố Tông Đản. Tiêu chuẩn phiếu C mua ở phố Nhà Thờ, Đặng Dung và Vân Hồ.

Đã có thực phẩm thì phải có nhiên liệu để đun nấu, tiêu chuẩn về chất đốt cho dân ngoại thành là củi, than, còn nội thành ban đầu là củi, sau là dầu hỏa, tiêu chuẩn của cán bộ và nhân dân bằng nhau 4 lít/tháng.

Ăn mặc xong đến chuyện đi lại, từ năm 1965, Nhà nước quy định tiêu chuẩn của mỗi cán bộ nhà nước là được phân phối một chiếc xe đạp trong cả đời công tác. Ai đã có xe đạp thì được đăng ký để xin sổ mua phụ tùng. Ai chưa có xe đạp thì tích cóp dần phụ tùng qua mỗi đợt có tiêu chuẩn đưa về cơ quan và xí nghiệp xích, líp, săm, lốp… Để có những phụ tùng này thường sẽ có những cuộc bình xét trong nội bộ, thế nên có người cả đời đi làm chỉ tích được hai đôi lốp vì không phải lần bình xét nào cũng “số đỏ” được nhận phụ tùng.

Ngày thường là thế còn các ngày lễ, tết thì sao? Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hiện nay đang lưu giữ 18 bìa mua hàng các loại. Trong thời kỳ bao cấp, các hộ gia đình kể cả thành thị và nông thôn được cấp bìa mua hàng để được mua các mặt hàng như: chiếu, xà phòng, diêm, kim chỉ… và trong các dịp lễ, Tết thì được mua các loại chè, thuốc, bánh, mứt, kẹo. Ví dụ như Ngày Quốc khánh 2/9, các bìa mua hàng được cung cấp bánh, kẹo, thuốc lá, chè; ngày Tết Trung thu, được cung cấp bánh nướng, bánh dẻo; ngày Tết Nguyên đán được cung cấp phong phú hơn cả mỗi hộ được mua một túi hàng Tết...

Sổ lương thực, hay còn gọi là sổ gạo, là một quyển sổ ghi chỉ tiêu lương thực của một hộ gia đình được mua hàng tháng. Ảnh Dân trí

Sổ lương thực, hay còn gọi là sổ gạo, là một quyển sổ ghi chỉ tiêu lương thực của một hộ gia đình được mua hàng tháng. Ảnh Dân trí

Những năm tháng đó, niềm vui, nỗi buồn thật giản dị

Với nhiều người, trong đó có tôi thời bao cấp là miền ký ức rất đặc biệt. Tôi còn nhớ, ngày gia đình tôi đón đứa cháu đầu lòng, con của chị gái, cùng với niềm vui là sự lo lắng của cả nhà vì chị gái không có sữa cho con bú. Ngày đó, sữa là mặt hàng chỉ dành cho trẻ em và người ốm. Phiếu sữa trẻ em phân theo loại A và B do Cục Thực phẩm - Bộ Nội Thương phát hành.

Theo Thông tư 345-NT ngày 25/5/1968, trẻ em sơ sinh thành thị dưới 1 năm tuổi nếu mẹ mất sữa toàn phần hoặc trẻ em mất mẹ dưới 3 tuổi hưởng loại phiếu A, mỗi tháng được 8 hộp sữa đặc. Trẻ sơ sinh nông thôn và trẻ sơ sinh thành thị mà mẹ mất sữa một phần hưởng loại phiếu B, mỗi tháng được 4 hộp sữa đặc.

Sữa trong nước có Thảo Nguyên, sản phẩm của Nông trường Bò sữa Mộc Châu, ngoài ra còn có sữa hộp Trung Quốc, Liên Xô. Tuy nhiên, chất lượng sữa Thảo Nguyên không cao, dễ bị vón cục, để lâu dưới đáy đọng tới nửa hộp là đường, nên nhiều người không dám cho trẻ ăn.

Về lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế là cháu tôi đã ăn cả những hộp sữa Thảo Nguyên dễ bị vón cục, để lâu dưới đáy đọng tới nửa hộp là đường ấy để lớn. Với những hộp sữa kiểu đó mẹ tôi cho vào nồi đun lên cho đến khi thấy nắp hộp sữa phồng lên, có nghĩa là sữa bên trong đã sôi, tạm thời yên tâm để dùng.

Nhưng cháu tôi háu ăn, tiêu chuẩn vài hộp sữa đặc một tháng là không đủ. Bàn nhau, cuối cùng những người lớn ở nhà quyết định sẽ mang tất cả phiếu vải của cả nhà bao gồm vài phiếu cán bộ, vài phiếu nhân dân của những người đi làm, đi học để bán đổi cho “con phe tem phiếu” (là từ để chỉ những người hành nghề mua đi bán lại tem phiếu hồi đó-PV) để có thêm những sữa hộp sữa đặc cho cháu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những chiếc áo, chiếc quần của cả nhà lỡ sờn rách thì cố vá víu mặc tạm chờ đợt cấp mới vì đã hết tiêu chuẩn vải.

Gia đình có trẻ em sẽ được phát phiếu mua sữa.

Gia đình có trẻ em sẽ được phát phiếu mua sữa.

Vào lớp 10, nhà xa trường, tôi được cha mẹ đồng ý cho đi xe đạp. Và chiếc xe đạp trong mơ của tôi chính là chiếc xe đạp Thống Nhất có nước sơn màu xanh đã tróc sơn lốm đốm. Chiếc xe này là cả một đời đi làm của cha, vì theo tiêu chuẩn của Nhà nước mỗi cán bộ, công nhân chỉ được phân phối một chiếc xe đạp trong cả đời công tác. Xe phân phối chủ yếu là xe Thống Nhất của Việt Nam, xe Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu của Trung Quốc. Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu rất nặng nhưng chắc chắn và bền hơn xe Thống Nhất.

Hôm đầu tiên đi học, lúc về, tôi hớn hở “tổ lái” chiếc xe ra giữa đường Phố Huế ngày đó vẫn còn đường ray tàu điện tuyến Chợ Mơ - Bờ Hồ - Đồng Xuân. Chẳng hiểu đi đứng thế nào, bánh xe đạp lọt ngay vào rãnh ray tàu và kẹt cứng. Tôi cùng đứa bạn loay hoay nhấc bánh xe lên, nhưng rốt cuộc chỉ có chiếc ghi đông cắm trong cổ phốt xe theo lên, còn chiếc xe vẫn nguyên vị trí cũ. Sau hôm dắt bộ chiếc xe về nhà một quãng đường khá xa, tôi được cha giải thích là chiếc xe cổ phốt đã bị mòn, nhưng chưa thay được vì phải đến đợt có tiêu chuẩn và bình xét tới…

Còn rất nhiều câu chuyện về sự khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp mà nhắc lại ai cũng rưng rưng. Nhưng đó cũng chính là động lực để đất nước thay đổi. Việc xóa bỏ bao cấp và thay đổi cơ cấu nền kinh tế đã mang lại cho đất nước một diện mạo mới. Để rồi cùng với tấm tem, phiếu, những câu chuyện vui buồn xung quanh nó sẽ được những người hôm nay và mai sau mãi nhớ và trân trọng.

Mặt nghệt như mất sổ gạo!

Và vật chứng ấn tượng nhất của thời bao cấp đó là sổ gạo – quyển sổ đã đi vào ký ức của nhiều người dân sâu đậm đến nỗi hình thành nên cả “thành ngữ thời bao cấp” là: Mặt nghệt như mất sổ gạo!

Sổ gạo là một quyển sổ ghi chỉ tiêu lương thực của một hộ gia đình được mua hàng tháng. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hiện nay đang lưu giữ khoảng 33 sổ mua lương thực của các hộ gia đình khác nhau. Hàng tháng, người dân thành phố được mua một số lượng gạo và chất độn nhất định tùy theo tiêu chuẩn được ghi trong sổ. Sổ này do Sở Lương thực cấp, căn cứ vào tên, tuổi, nghề nghiệp đăng ký trong sổ hộ khẩu chính thức. Để nhận lương thực, người dân mang sổ lương thực và xếp hàng tại cửa hàng lương thực. Mỗi gia đình được cấp một sổ gạo, lấy sổ hộ khẩu làm gốc để xét duyệt.

Sổ gạo vô cùng quan trọng đối với mỗi gia đình, mất sổ gạo là cầm chắc nhịn đói. Nhịn đói không phải là một ngày hay một tháng mà có khi đến vài ba tháng. Bởi hành trình, thủ tục xin cấp lại cuốn “bảo bối quý giá” này khổ sở vô cùng. Suốt những ngày còn lại sẽ chạy vạy, vay mượn khắp nơi để sống sót qua ngày đoạn tháng…

Đọc thêm