Núp bóng dự án để phá rừng
Còn nhớ cách đây gần 2 năm, khoảng tháng 11/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân ký quyết định cho phép chuyển đổi 401,4ha rừng tự nhiên là rừng nghèo để Tổng Công ty 15 lập dự án trồng cao su trên địa bàn 3 xã: Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy, thời hạn sử dụng đến năm 2065.
Quyết định trên được ký dựa trên đề nghị của Sở NN&PTNT. Theo đó, nằm trong quy định chuyển diện tích rừng sang trồng cao su, mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã ký thì xã Lâm Thủy có diện tích chuyển đổi lớn nhất, với hơn 231ha (đây cũng là địa bàn rừng có độ che phủ tốt với hệ thống cây cổ thụ, cây nhiều tầng).
Sau sự việc khiến dư luận địa phương không đồng tình, đặc biệt là về tình trạng phá tan hoang diện tích rừng nguồn với khối lượng gỗ rất lớn, tại bản Bạch Đàn, bản Eo Bù Chút Mút (xã Lâm Thủy), chuyển sang trồng cao su. Liên quan đến vụ việc này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đề nghị bóc tách 100ha rừng ra khỏi phạm vi dự án.
Đến ngày 31/10/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục ra quyết định điều chỉnh địa danh, diện tích xuống còn hơn 300ha. Sau sự vụ trên, một số lãnh đạo, cán bộ của Chi cục Lâm nghiệp và Trung tâm Quy hoạch thiết kế nông lâm nghiệp Quảng Bình bị kiểm điểm. Điều này chứng minh, đây là một quy định “có vấn đề” từ khi mới được ban hành. Nhắc lại chuyện trên để thấy rằng, địa bàn rừng Thù Lù đã bị “xà xẻo” vì những dự án “có vấn đề”.
Theo tìm hiểu riêng của người viết, rừng Thù Lù có diện tích trên 1.000ha, là khu vực liên rừng qua tận biên giới Lào, góp phần làm phong phú hệ thống khu vực rừng Động Châu – khe Nước Trong. Việc hoán đổi diện tích rừng còn đa dạng để trồng cao su và chuyện một khu rừng đến 4 - 5 chủ quản lý chồng chéo đã dẫn đến tình trạng nhùng nhằng trách nhiệm, là “lỗ hổng” lớn để “lâm tặc” nương theo đó mà ngang nhiên phá rừng nguồn.
Một cây gỗ lớn vừa bị chặt hạ vẫn còn ứa ra nhựa trắng |
Mới đây nhất vào ngày 11/8, trên địa bàn xã Kim Thủy xảy ra tình trạng một nhóm “lâm tặc” tìm đến trạm bảo vệ rừng Cầu Khỉ - thuộc địa bàn rừng phòng hộ Động Châu – khe Nước Trong để tấn công cán bộ bảo vệ rừng. Không những thế, khoảng thời điểm cuối tháng 6 trước đó, một số “lâm tặc” còn ngang nhiên hành hung, bắt ông Đào Duy Đài – Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Cầu Khỉ phải trả 800.000 đồng cho chúng vì ông Đài chỉ đạo việc bắt gỗ của chúng.
Đáng nói, năm 2009 cũng ở huyện này, một nhóm “lâm tặc” khi đang vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn xã Ngân Thủy, bị kiểm lâm phát hiện đã dùng dao, rựa tấn công làm một cán bộ bị chấn thương ở đầu, khâu 7 mũi, gãy chân và mất một tai trái. Năm 2008, chính vị cán bộ này cũng đã từng bị “lâm tặc” tấn công ở đầu, phải khâu 4 mũi.
Nói như vậy để thấy rằng, “lâm tặc” khu vực này cực kỳ hung hãn, manh động. Và nếu ban ngành chức năng địa phương không quyết liệt hơn thì những kẻ phá rừng sẽ càng “nhờn” mặt, rất bất lợi cho khâu bảo vệ rừng sau này. Trở lại cuộc theo dấu “lâm tặc” trong khu rừng Vít Thù Lù, suốt quá trình thâm nhập, người viết phát hiện có một “mắt xích vô hình” liên quan đến chuyện “trong phá… ngoài đốt”.
Nói một cách dễ hiểu, trong khi “lâm tặc” vẫn ra sức “cạo trọc” rừng già thì hiện tại những thửa cao su trải dài mướt mát cũng ăn dần ăn mòn hết rừng Thù Lù... Hiển nhiên, khi rừng chỉ còn lại cây bụi nó sẽ là tiền đề để phát triển những “dự án” trồng cây cao su. Chúng tôi kết thúc cuộc thâm nhập, điều tra ở khu rừng Thù Lù này, khi mặt trời dần lẩn khuất sau ngọn núi đồ sộ chắn phía tây.
Trong khu rừng, mạch cưa xăng vẫn còn inh ỏi, tiếng cây già sắp đổ cứ răng rắc vọng vào tai. Tôi gợi ý cho “thổ địa” K: “Anh có thể đưa chúng tôi áp sát đối tượng đang cưa đó được không?”. “Không được đâu anh, chúng ta còn gần 4 tiếng đồng hồ để ra khỏi khu rừng, nhìn mạch cưa vọng vậy chứ xa lắm anh. Mình phải về, còn tụi nó đã có lán trại sẵn sàng, chúng ngủ trong này suốt à! Rừng của chúng mà!”, anh K giải thích.
Thế nhưng, chưa kịp mừng vì câu trả lời trên thì ngày 22/08, ông Tuyên một mực phủ nhận trách nhiệm và cho rằng diện tích rừng bị “lâm tặc” khai thác trái phép trên không thuộc quản lý của xã. Thay vào đó, trách nhiệm được “đá” sang cho các chủ rừng vì theo lời ông Tuyên thì “cấp trên đã giao cho các chủ rừng rồi”.
Ông Chủ tịch xã Kim Thủy giãi bày: “Trên địa bàn xã Kim Thủy có 24.000ha, giao cho 4 chủ rừng quản lý. Riêng khu vực rừng Thù Lù thuộc quản lý của lâm trường Khe Giữa. Các anh muốn tìm hiểu thì đến đó (Lâm trường Khe Giữa-PV) còn bên xã chỉ quản lý trên 20ha cho dân sản xuất còn rừng thì không có liên quan”.
Riêng việc “lâm tặc” ngang nhiên hoạt động trong rừng Thù Lù mà không hề gặp bất kỳ ngăn trở nào, ông Hồ Văn Tuyên phỏng đoán: “Có thể đó là chỉ đạo của cấp trên, có giấy phép họ cho khai phá để làm việc gì đó, không liên quan đến xã, chủ nào thuộc chủ đó không có liên quan nhau”.
Để tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng hơn, cũng trong ngày 21/08, chúng tôi tìm đến Hạt Kiểm lâm quản lý đoạn đường 16 cũ, nằm trên địa bàn xã Kim Thủy. Đáng nói, qua trao đổi với một cán bộ kiểm lâm thì vị này một mực phủ định việc xuất hiện “lâm tặc” trong rừng Thù Lù. Vị cán bộ này khẳng định rằng trên địa bàn hiện chưa thấy xuất hiện tình trạng phá rừng, vì đa số rừng ở đây là rừng sản xuất.
Nếu nương theo những lời của vị cán bộ này thì phải chăng chính cái mác “rừng sản xuất” đã và đang giúp “lâm tặc” ngang nhiên hoành hành? Câu chuyện hậu rừng già ở phía tây huyện Lệ Thủy sẽ đi về đâu nếu cứ để mọi chuyện tiếp diễn mà không có bất kỳ sự vào cuộc tích cực nào của đơn vị quản lý - bảo vệ rừng nguồn? Những băn khoăn này chúng tôi xin nhường lại cho những cá nhân, đơn vị có trách nhiệm liên quan.