Lợi dụng đặc điểm địa thế này cùng sự kiểm soát lỏng lẻo của cơ quan chức năng, suốt nhiều năm nay những “lâm tặc” trong vùng ngang nhiên khai thác gỗ trái phép, biến cả một vạt rừng rộng lớn trở nên hoang tàn như một “khu rừng chết”.
Lần theo phản ánh của người dân trên địa bàn về tình trạng khai thác gỗ trái phép với số lượng lớn, lâu năm ở đoạn rừng Thù Lù, để thông tin đến bạn đọc được xác thực, khách quan hơn, người viết đã lần theo dấu chân của bọn “lâm tặc” để có cuộc thâm nhập, điều tra về sự thật gây bức xúc dư luận này.
Giáp mặt “lâm tặc” trong khu rừng chết
Để có thể “nhập rừng”, người đàn ông khoảng 40 tuổi tên K (xin được giấu tên người đưa đường) , được người dân nơi đây tin tưởng giới thiệu làm “hoa tiêu” cho chúng tôi. K cho biết, anh có thể thuộc hết những gốc cây, đường hẻm ở khu rừng này, như đã nắm trong lòng bàn tay.
Cũng theo lời K, gần 16 năm nay, kể từ ngày anh “thân” với khu rừng thì cũng ngần ấy năm bọn “lâm tặc” ở đây ngang nhiên “rút ruột” rừng già. Chúng tàn sát khu rừng không hề thương tiếc.
Như tính toán của anh K, tôi và anh hóa trang thành những người đi rừng thực thụ để lần theo vết “tàn sát” của bọn “lâm tặc”. Và để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chúng tôi, K đề nghị chuyến đi sẽ diễn ra vào ban đêm, nghĩa là chúng tôi bắt đầu lội rừng vào lúc 17 giờ chiều (tôi “nhập rừng” theo K từ ngày 13/8 - PV) và sẽ ngủ lại khe số 1 trong 8 nhánh khe chảy qua rừng Thù Lù.
Đúng 22 giờ đêm, chúng tôi có mặt ở khe số 1 rừng Thù Lù, bữa cơm tối diễn ra đơn giản với món cá khe rất ngon do K “tự chế”. K dặn dò chúng tôi phải nhanh chóng chợp mắt để đến 3 giờ sáng ngày 14/8 thì tiếp tục lội rừng vào trọng điểm khai thác gỗ của “lâm tặc”.
Bìa rừng, vào buổi bình minh. Trước mặt chúng tôi là khu rừng bạt ngàn cây cao su mới lớn. Cứ như là một sự sắp đặt từ trước, ở đây rừng đầu nguồn bị “rút ruột” hết những cây gỗ lớn thì ở bìa rừng, cao su càng “lấn sâu”. Và hiển nhiên, khi rừng già bị “cạo trọc” sẽ nhanh chóng thay vào vị trí đó là hàng ngàn hécta cao su và cỏ dại.
Con đường do “lâm tặc” mở rộng 5m, có những đoạn do vết chân trâu và bánh xe kéo tự chế cày nát sâu khoảng 2m. Con đường “quang lống” này dài hun hút vào tận rừng sâu. Đi được 5 tiếng đồng hồ thì chúng tôi đã bắt gặp hàng loạt xe máy “bọ ngựa” (loại xe do lâm tặc tự chế, không đầu, đuôi - PV) nằm ngổn ngang ở các bụi rậm bên đường. Cứ đi 50 - 100m thì chúng tôi lại gặp một lán cũ của bọn “lâm tặc” để lại.
Đi qua khoảng 7 lán tạm, lúc này mọi cử chỉ của anh K bỗng dưng “là lạ”. K dừng lại rồi quay về phía chúng tôi thì thầm: “Lên đến đây, chắc chắn sẽ đụng đầu bọn chúng (“lâm tặc” – PV), các anh phải hết sức cẩn thận, hỏi nhanh rồi đi không được chần chừ vì bọn chúng ghê gớm lắm! Tui phải đi đường vòng nhằm tránh mặt vì nếu bọn chúng biết tui đưa đường cho các anh thì chúng sẽ tìm cách trả thù vì chúng có cả súng AK. An toàn nhất là chúng ta nên để một người đi qua thì chúng mới không nghi ngờ gì, tôi sẽ chờ ở đoạn rừng phía trên, các anh lên đó sẽ gặp”.
Như lời K, cá nhân tôi sẽ là người trực tiếp đối mặt với bọn “lâm tặc” ở đây, đi được khoảng 20m thì gặp một căn lán nằm ẩn mình dưới một rạch cạn, tiếng cười nói “uệnh oạng” làm vang cả một góc rừng. Vì mải nhìn về phía lán nên tôi vấp phải một bụi cây. Thấy động, trong lán lao ra 7 thanh niên vóc người vạm vỡ, khoảng 25 tuổi, có người trẻ hơn. Thấy tôi lạ, một thanh niên cầm khẩu súng AK – xuất xứ từ Trung Quốc ra, chĩa họng súng về phía tôi, hỏi:
- “Đi đâu?”
- “Đi lấy mật ong...” - tôi chột dạ trả lời.
- “Đi mấy người?” - thanh niên hỏi tiếp.
- “3 người!” - tôi trả lời cụt lủn.
- “Đâu cả, răng tao không thấy?”
- “Chia ra đi đường khác rồi!” - tôi cười trấn an.
- “Mi thích cười lắm à!” - đưa súng lên vai, thanh niên hất hàm đe dọa.
Tôi vẫn đưa ánh mắt soi xét kỹ lưỡng về 14 cặp mắt dữ tợn có ý diễu cợt cũng đang nhìn chằm chặp về phía mình. Bỗng trong khuôn bếp của căn lán có tiếng ho sù sụ (do hít phải khói bếp), gã đưa tay ra khoát lên phía trên, tôi vẫn chưa thấy rõ mặt cho đến khi gã - người đàn ông trạc 50 tuổi với mái tóc “muối tiêu” và tấm thân đồ sộ hiện ra trước mắt tôi.
- “Đi đi , ở đây không tiếp khách lạ!” - gã cất giọng đuổi khéo khách.
Biết ý, tôi chào từ biệt rồi đi tiếp, đi khoảng 100m lại gặp một căn lán, nhưng khác hẳn căn lán phía dưới, ở đây âm u hơn, bếp lửa vẫn hiu hiu đỏ, căn lán gọn gàng hơn so với cảnh hoang tàn đổ nát phía ngoài. Từng bãi gỗ đã bị “rút ruột, xẻ thịt” nằm ngổn ngang thành gò đống bên ngoài lán tạm. Căn lán vắng bóng người, chỉ nghe tiếng nhát rựa lạch cạch ở phía sau khoảng 50m.
Bỏ qua căn lán, tôi tiếp tục luồn rừng men theo con đường “lâm tặc”, lên được khoảng 300m đường dốc, trước mắt tôi là một bãi “chiến trường” với “xác” của gỗ chất ngổn ngang. Từng đống mạt cưa, ván gỗ, súc gỗ bị khuyết mà lâm tặc vứt bỏ, ước tính khoảng 5 thân, 3 vòng tay ôm người lớn đã bị “làm thịt”. Trong bán kính khoảng 100m xung quanh đó, tôi đếm được trên 30 cội gỗ có đường kính 50cm trở lên nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Chiếc xe kéo trâu mà “lâm tặc” “tự chế, dùng để đưa gỗ ra khỏi rừng già |
Trong khu rừng này, cả thảy có 8 nhánh khe được người dân nơi đây đánh số tên theo thứ tự từ 1 – 8. Như lời anh K thì hầu hết khe nào cũng chồng chất xác gỗ ngổn ngang từ đầu đến tận cuối khe.
Đúng như lời K, theo quan sát của tôi, những bãi “xẻ thịt” mới có, cũ có nằm lênh láng từ bên này sang bên kia khe và cứ kéo dài xuống thượng nguồn khe chính. Trông thấy dáng điệu ngẩn ngơ của tôi, K chép miệng: “Bọn này khôn quá! Chọn nơi cưa gỗ mát thiệt! Các anh chưa thấy cảnh chúng đưa cây gỗ xuống dốc đâu, rầm rầm giống hổ, báo thay nhau rền rú vậy. Nếu các anh thích thì cứ đi với tui vài ngày ở rừng này mới thấy hết sự tàn phá ghê gớm của chúng, những cảnh tùm hum ngồi cưa đầy ra à!”.
Cứ đi 1 giờ đồng hồ thì chúng tôi bắt gặp khoảng 60 đến 80 cội gỗ nằm “trơ gan” còn đỏ ửng, nhựa ửng như màu máu cứ đua nhau rỉ rả quanh vết cắt. Như đã nói, đa số gỗ đều có đường kính từ 50 đến 60 cm. Thậm chí, có những cội gỗ phải 2m - chiều dài gần 50m bị cắt phần bụng, còn ngọn và cội nằm sõng soài giữa khe. Dọc theo con đường dốc chẳm, những đường kéo gỗ nằm tan hoang góc rừng. Cứ cách một đoạn đường chúng tôi lại bắt gặp những súc gỗ dựng đứng nằm la liệt được đóng đinh, tra gùi chuẩn bị để đưa ra khỏi rừng.
Ở rừng này còn rất nhiều loại gỗ quý như lim, dổi, gõ, nao, dã… Như lời anh K. thì cao điểm nhất vào tháng chạp (tháng 12) hàng năm, cứ mỗi ngày có từ 10 đến 15 đoàn lâm tặc “đục khoét” rừng và mỗi đoàn có 20 trâu kéo. Nếu nhẩm theo số lượng này, nghĩa là thời điểm đó sẽ có hàng chục khối gỗ được vận chuyễn ra khỏi rừng mỗi ngày.
Tiếp xúc với một số dân kéo chuyên nghiệp, đang kéo gỗ trên đoạn đường này, chúng tôi được biết một cỗ trâu kéo nặng nhất lên đến 4 tạ. Với 20 trâu kéo thì mỗi ngày, một đoàn có thể đưa ra khỏi rừng gần 8 tấn gỗ. 15 đoàn như vậy thì mỗi ngày rừng Thù Lù bị xẻ biết bao nhiêu? Vậy là những kẻ phá rừng nơi đây rất lộng hành, “lâm tặc” vẫn ngày đêm rục rịch “làm thịt” rừng, chẳng lẽ chính quyền sở tại không biết?
Theo con đường “lâm tặc”, cứ đi được 50 - 100m thì chúng tôi lại gặp những súc gỗ có đường kính rất lớn, nằm ngổn ngang giữa đường đi chờ trâu kéo ra khỏi rừng |
Nếu như theo đúng lời K, phải chăng vì lý do “lâm tặc” manh động nên chính quyền sở tại đã làm ngơ? Chưa biết lời suy đoán đó đúng bao nhiêu phần trăm nhưng có một sự thật là những cánh rừng phòng hộ trên địa bàn xã Kim Thủy đang dần bị “xóa sổ” từ ngoài vào trong. Những “con đường gỗ” vẫn ngang nhiên tỏa ra mọi hướng mà không có một trở ngại nào...
(Còn tiếp)