Man rợ: “Rượu bất khả ép, ép bất khả từ”
Jacqui Saburido, cô gái người Mỹ với gương mặt biến dạng hoàn toàn sau vụ tai nạn do một gã tài xế say rượu gây ra, nhiều năm nay đã đưa hình ảnh không tai của mình lên, để cảnh báo về nạn say xỉn khi lái xe. Năm 1999, Saburido (20 tuổi) về nhà sau bữa tiệc với 4 người bạn. Xe của họ bị một tài xế say rượu đi lấn làn đâm trực diện. Hai người chết ngay lập tức. Còn Saburido, đám cháy sau cú va chạm khiến cô chịu vết bỏng cấp độ 3 trên gần 60% cơ thể. Các bác sĩ phải tiến hành hơn 100 ca phẫu thuật để điều trị vết bỏng trên mặt và tay Saburido với tổng chi phí lên đến 5 triệu USD. Tên tài xế say xỉn gây tai nạn chết người khi ấy mới 18 tuổi. Hắn chỉ phải nhận mức án 7 năm tù và được trả tự do vào năm 2008.
“Dù phải ngồi trước ống kính với gương mặt không tai, không mũi, không chân mày và không có tóc, tôi vẫn sẵn sàng làm lại điều này cả nghìn lần nữa nếu có thể giúp người khác đưa ra quyết định sáng suốt hơn”, Saburido quả quyết như vậy trong một buổi thuyết trình. Trong gần 20 năm, người phụ nữ với khuôn mặt biến dạng đã đi khắp nước Mỹ để thực hiện những buổi diễn thuyết, giao lưu, đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về những hiểm nguy khi điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Bi kịch cuộc đời của Saburido đã trở thành biểu tượng cho chiến dịch chống lái xe khi say xỉn tại Mỹ.
Còn ở ngay Hà Nội, chúng ta chưa kịp nguôi ngoai với cái chết tức tưởi của chị Hà, chưa nguôi xót lòng với những đứa trẻ bơ vơ mất mẹ… Thì chúng ta lại tiếp tục chứng kiến sự ra đi bất ngờ cũng trong đêm của chị Quỳnh, chị Yến. Các chị còn bao nhiêu năm cuộc đời phía trước, còn cả gia đình phải chăm sóc, yêu thương. Sống chết mong manh trong gang tấc. Chết vì bệnh tật dù thể xác đớn đau nhưng ít ra còn được báo trước, còn được trăng trối, từ biệt người thân…
Chúng ta không nguôi ám ảnh khi đám tang chị Yến (nhân viên phục trang nhà hát kịch Việt Nam) để lại bao đau thương cho người thân, bạn hữu… Tiếp nối đám tang hàng nghìn người đã đưa tiễn cô giáo Quỳnh, giáo viên Trường TH Thái Thịnh, nạn nhân vụ xe tông ở hầm chui Kim Liên rạng sáng 1/5 về nơi an nghỉ trong niềm thương tiếc không nguôi. 23 năm làm giáo viên, cô giáo Trần Thị Quỳnh, chỉ dạy lớp 1, và nhiều năm cô chủ nhiệm Lớp 1B. Các thế hệ 1B nối tiếp nhau, nhưng năm học tới 1B sẽ không còn được học cô Quỳnh. Cô đã dừng chân và chào các học trò 1B, từ 3 ngày trước…
Có lẽ chưa bao giờ mà tai nạn giao thông vì cồn lại thảm khốc hiện hữu liên tiếp như thế. Thứ đồ uống từ trước đến nay vốn mặc định là dùng cho sự thăng hoa cảm xúc của các cuộc vui giờ bỗng dưng trở thành thủ phạm gây ra những tiếng kêu khóc đầy tang thương, ai oán. Không riêng tại các công sở, có lẽ thứ văn hoá “trăm phần trăm” đã ngấm vào máu của nhiều người sơ mi đóng thùng, chân gầm bàn cả ngày, ngồi máy lạnh với cả ngàn cơn cớ: “Hôm nay đội có bằng khen tặng thành tích - liên hoan; Lương về - liên hoan; Không phải viết báo cáo - liên hoan; Cô C trong phòng có bạn trai ra mắt - liên hoan…
Có thể nói, ở Việt Nam, chiếc xe kèm hơi cồn chính là con quái vật khủng khiếp giết nhiều người nhất! Bao nhiêu người đã ra đi, bao nhiêu gia đình đã tan nát? Tới mức, có người vừa lên làm sếp là phải tuyển ngay một trợ lý, chỉ cần có tửu lượng cao. Thế nên, dù bị gút, bị sỏi mật, xơ gan, chảy máu dạ dày, nhưng vẫn phải nhậu. Họ lý luận, rằng không nhậu thì không ra tiền, không nhậu thì không ký được hợp đồng, không đòi được nợ, không moi được thông tin...
Đám tang đẫm nước mắt của chị Quỳnh, chị Yến |
Nhậu “ bầy đàn” - Tri kỷ hay yếu đuối?
Công ty nghiên cứu thị trường Fitch cho biết, năm qua, người Việt chi 9 tỉ USD cho rượu bia. Khoản tiền này gấp 3 lần chi cho y tế và 72 lần chi cho phát triển thể thao. Ai đó đã thống kê, mỗi ngày có khoảng 26 người rời nhà đi làm và không bao giờ trở lại bởi tai nạn giao thông…
Có phải các đệ tử lưu linh quá yếu đuối? Quá cô đơn? Quá tự ti? Quá thiếu lòng tin vào bản thân? Nhà thơ Phan Huyền Thư bày tỏ: Nếu coi rượu là tri kỷ, bạn giàu có hơn và yên ổn hơn. Sống tử tế lương thiện hơn, ít phiền toái ồn ào và không bao giờ nuôi nấng sân hận tổn hại đến người khác. Không phải ai cũng tin vào rượu như tin vào một tri kỉ. Cũng như không phải ai cũng biết đối xử với người chung gối chăn, thân xác của mình hàng ngày như một tri kỷ.
Người chết thì chết rồi. Người say thì say rồi. Nhưng người chết thì chết vĩnh viễn, người say chỉ say lúc say. Khi tỉnh rượu họ sẽ hoảng loạn, dằn vặt suốt đời. “Thứ mình miệt thị là thói quen ăn uống bầy đàn mang tên “ nhậu”. Nhậu là thứ văn hoá biểu hiện của ranh giới mong manh giữa: Tự ti và bầy đàn; Ồn ào và tự kỷ; Nông cạn và trọc phú; Học đòi và cơ hội. Nhậu luôn dấp dính với“ giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Ngày này qua tháng khác. Cuộc này sang cuộc khác. Bàn này sang bàn khác. Quán này sang quán khác. Nhân danh công việc, nhân danh quan hệ, nhân danh mưu sinh mà đặt cược sĩ diện, thể diện và danh diện của mình trên bàn nhậu. Bất tận!!! Bởi vì coi rượu là tri kỷ, bạn sẽ biết tìm đến tri kỷ để nhâm nhi với nhau. Trọng mình và kính bạn. Quý bạn và thương mình. Rượu không phải ai cũng hiểu, biết và kết bạn được. Mà đã không làm bạn được với rượu thì cả đời bị ràng buộc vào kẻ phản trắc, đểu giả, phá hoại và tàn nhẫn với chính người thích “nhậu” bầy đàn!
Sau những giọt men cay đó biết đâu sẽ có những người sẽ vĩnh viễn không thể trở về nhà? Có những người mất cha, chồng mất vợ, vợ mất chồng hay cha mẹ mất đi con cái? Và những bằng hữu có ai cho họ hay người khác được thêm 1 mạng sống không? Có ai sẽ đứng cùng họ trong những chặng đường khó khăn hay không? Chỉ còn những người phụ nữ đã từng tuyệt vọng gọi cho họ hàng chục cuộc với tin nhắn “anh uống ít thôi” ở bên họ khi xảy ra biến cố? Sẽ chỉ còn những người mà họ từng quát “cô nói ít thôi” khi xảy ra những chuyện tang thương…
Ai cũng có thể là Saburido tội nghiệp. Ai cũng có thể là chị Hà, chị Yến, chị Quỳnh, ra đường rồi vĩnh viễn không thể về nhà được nữa... Vì chúng ta vẫn phải mưu sinh mỗi ngày và không thể biết rằng lúc nào, ở đâu, những gã say cầm lái, phóng như điên lao tới…
Rượu là nét đẹp và nó chỉ bình thường khi người ta uống với nhau bằng một sự lịch thiệp của người có văn hóa.Tôi nghĩ rằng, chỉ khi nào thay đổi hẳn được thói quen xấu đó thì những sự việc đau lòng tương tự mới giảm được. Còn uống nhiều bia rượu còn gây ra nhiều bất hạnh, tang thương…
Bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, nếu như trước đây thỉnh thoảng mới có ca loạn thần do rượu nhập viện thì thời gian gần đây con số này ngày một tăng. Tính trung bình mỗi năm, Bệnhviện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận khoảng 500 ca bệnh loạn thần do rượu. Nghiện rượu gây ra ảo giác, với các biểu hiện rất phong phú như chửi rủa, cảm giác lo âu, ảo giác chi phối hoạt động của bệnh nhân; bệnh nhân có cảm giác như màng nhện bám mặt, cố lấy tay phủi, xoa mặt... Ngoài ra, nghiện rượu còn gây ra hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại...
Theo các chuyên gia, lượng tiêu thụ rượu, bia của Việt Nam đứng thứ ba châu Á và đứng thứ 64 thế giới năm 2016. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn ở trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia bình quân hàng năm cao nhất thế giới. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Cho đến nay, mới có Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.