Song cũng từ lâu, dựa vào lời dạy của ông cha “nam vô tửu như kỳ vô phong” (tạm dịch là “đàn ông không uống rượu như cờ không gặp gió”), rượu, bia đã bị lạm dụng, biến tướng thành tệ nạn xã hội. Cùng với quan niệm rượu thì “ép bất khả từ” đã đẩy nhiều người thành nạn nhân của thứ thức uống gây tê liệt thần kinh, hạn chế khả năng phản ứng này. Nhiều gia đình cũng vì rượu, bia mà tan nát, nhiều người trở nên tật nguyền, thậm chí đánh đổi cả mạng sống của bản thân và người khác do sự tàn phá âm ỉ được tích tụ sau các cuộc vui có “chất cồn”.
“Nạn dịch” lạm dụng rượu, bia – một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của những bệnh không lây nhiễm chủ yếu và những hệ lụy to lớn về sức khỏe, gánh nặng kinh tế và xã hội. Do đó, chính những người điều hành các cơ sở sản xuất rượu, bia cũng nêu quan điểm chê trách những biểu hiện của uống rượu bia thiếu trách nhiệm và phi văn hóa như đo sự “tôn trọng” lẫn nhau bằng “tửu lượng’’, nhiều hay ít, thản nhiên uống “tràn cung mây” mà không ý thức được ngưỡng an toàn cho bản thân và những người xung quanh, không điều chỉnh được hành vi… khi sử dụng rượu, bia.
Với nhiều chuyên gia xã hội học, biện pháp tuyên truyền, giáo dục là quan trọng nhất để thay đổi thói quen không tốt của những người lạm dụng đồ uống có cồn bởi nếu bản thân mỗi người không tự ý thức được tác hại của việc lạm dụng rượu, bia, không có trách nhiệm khi sử dụng rượu, bia và sử dụng rượu, bia có văn hóa thì bất kỳ quy định nào về phòng, chống tác hại rượu, bia cũng sẽ bị “chìm nghỉm” trong hơi men của người sử dụng rượu, bia.