Sa Pa (Lào Cai): Vì sao một thẩm phán bị tố cáo?

(PLO) - Thời gian qua, SaPa trải qua nhiều “cơn bão” khi hàng loạt cán bộ bị bắt vì liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, dư âm “cơn địa chấn” này có thể vẫn chưa dừng lại nếu những sai phạm ở đây không được giải quyết dứt điểm…
Hình minh họa (internet)
Hình minh họa (internet)
Rắc rối do chính quyền
Trường hợp ông Trịnh Hoài Nam, thường trú tại P1, B1, tập thể Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội (chỗ ở hiện nay, 96A đường Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mà PLVN đã phản ánh là một ví dụ. Sau khi báo đăng, ngày 23/5 và ngày 5/6/2014, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và TANDTC đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TAND tỉnh Lào Cai giải quyết đơn của ông Nam tố cáo bà Trịnh Lan Phương và con gái là Phạm Mai Anh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông. Nhưng đến nay vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.
Mới đây, PLVN tiếp tục nhận được đơn của ông Nam tố cáo ông Vũ Minh Quán - Thẩm phán TAND tỉnh Lào Cai đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn che giấu tội phạm trong việc giải quyết vụ án tranh chấp dân sự của ông, không chuyển hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Lào Cai khi đủ tài liệu chứng minh dấu hiệu hình sự.
Theo ông Nam, trong quá trình nhận chuyển nhượng 1/2 khối tài sản nhà và đất của ông Phạm Công Minh cùng đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) với bà Trịnh Lan Phương (trú tại 132 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) tại tổ 10, đường Thác Bạc, thị trấn Sa Pa với diện tích 518m2, ông và bà Phương thành lập Cty TNHH Phát Đạt do ông làm Giám đốc và điều hành để cùng đầu tư xây dụng Khách sạn Đỉnh Cao Sa Pa để kinh doanh. 
Tháng 9/2005, ông phát hiện bà Phương tự ý làm thủ tục đứng tên một mình trong GCN. Ngày 26/11/2010, bà Phương tiếp tục làm hợp đồng tặng cho tài sản gắn liền với đất cho con gái là Phạm Mai Anh không đúng pháp luật. 
Mặc dù ngày 20/2/2013, UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu UBND huyện Sa Pa thu hồi và hủy bỏ GCN (số AB 494065) cấp cho bà Trịnh Lan Phương ngày 26/9/2005 và GCN (số BA 867658) cấp cho bà Phạm Mai Anh ngày 8/12/2010 đồng thời khôi phục GCN số AB 494152 mang tên ông Phạm Công Minh và bà Trịnh Lan Phương để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên nhưng không hiểu vì sao UBND huyện Sa Pa sau khi thu hồi GCN mang tên Trịnh Lan Phương và Phạm Mai Anh lại đề nghị và được UBND tỉnh Lào Cai đồng ý cho tạm dừng việc thu hồi theo ý kiến của TAND huyện Sa Pa khiến vụ việc trở nên phức tạp. 
Thẩm phán bị tố cáo
Theo ông Nam, có dấu hiệu giả mạo chữ ký trong hợp đồng tặng cho giữa bà Phương cho con gái là Mai Anh khi tại thời điểm ký Hợp đồng, Phạm Mai Anh không có mặt ở Việt Nam nhưng không hiểu sao ngày 8/12/2010, UBND huyện Sa Pa vẫn cấp GCN cho Mai Anh? Nhận thấy có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Trịnh Lan Phương, ông Nam đã làm đơn xin rút đơn khởi kiện tại TAND huyện Sa Pa về việc yêu cầu chia tài sản chung giữa ông với bà Phương để làm đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Lào Cai đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Phương và con gái.  
Chữ ký bà Phạm Mai Anh thường ký trên giấy tờ.
 Chữ ký bà Phạm Mai Anh thường ký trên giấy tờ.
Ông Nam cho đây là chữ ký giả trong hợp đồng tặng cho, thời điểm bà Mai Anh không có mặt ở Việt Nam.
Ông Nam cho đây là chữ ký giả trong hợp đồng tặng cho,
thời điểm bà Mai Anh không có mặt ở Việt Nam.
Nhận được đơn của ông Nam, TAND huyện Sa Pa đã đình chỉ giải quyết vụ án và TAND tỉnh Lào Cai cũng bác đơn của bà Phương đối với việc kháng cáo quyết định đình chỉ vụ án của TAND huyện Sa Pa. 
Vụ việc tưởng như sớm kết thúc nếu như TAND tỉnh Lào Cai không thụ lý đơn “Tuyên hủy hợp đồng vô hiệu” của Phạm Mai Anh theo đơn yêu cầu độc lập tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ký giữa ông Nam và ông Minh, đồng thời giao cho Thẩm phán Vũ Minh Quán giải quyết. 
Cho rằng việc thụ lý của TAND tỉnh Lào Cai là vô lý, ông Nam đã gửi ý kiến phản bác về yêu cầu độc lập của Phạm Mai Anh là không có căn cứ, do có các hành vi vi phạm pháp luật hình sự của bà Trịnh Lan Phương, nên Mai Anh không có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng giữa ông và ông Minh vô hiệu. Hồ sơ tại tòa án có đầy đủ các văn bản của UBND tỉnh Lào Cai về việc yêu cầu hủy GCN cấp cho bà Phương và Phạm Mai Anh. 
Tài liệu của Cục Xuất nhập cảnh Việt Nam cũng thể hiện thời điểm bà Phương lập hợp đồng, Mai Anh không ở Việt Nam, do đó, chữ ký trong hợp đồng của Mai Anh là chữ ký giả…Ông Trịnh Hoài Nam đã có đơn tố cáo Thẩm phán Vũ Minh Quán cố tình không xem xét, đánh giá dấu hiệu hình sự mà vẫn giải quyết vụ án dân sự là thể hiện sự yếu kém về nghiệp vụ, che giấu và bỏ lọt tội phạm. 
Thiết nghĩ, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Lào Cai sớm vào cuộc điều tra làm rõ trình tự, thủ tục cấp GCN đứng tên ông Phạm Công Minh và bà Trịnh Lan Phương sang đứng tên một mình bà Trịnh Lan Phương và từ bà Trịnh Lan Phương cấp cho bà Phạm Mai Anh. Có như vậy vụ án mới có thể sớm khép lại, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật./.
Luật sư Nguyễn Đông Khánh – Văn phòng Luật sư Việt Quốc (Đoàn Luật sư Hà Nội): Nếu có việc bà Phương giả mạo chữ ký để lập hợp đồng, giao dịch nhằm chiếm đoạt phần tài sản chung của đồng sở hữu chính là hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Hành vi của bà Phương đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, TAND tỉnh Lào Cai trong quá trình giải quyết vụ án dân sự xác định được tài liệu, chứng cứ là giả mạo phải có trách nhiệm chuyển cho CQĐT có thẩm quyền theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự. Đồng thời, khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì CQĐT phải khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật tránh bỏ lọt tội phạm.

Đọc thêm