Cụ thể, hiện nay cả nước có gần 300 khu công nghiệp và khu chế xuất, thu hút hơn 2.800.000 lao động. Tuy nhiên, bình quân độ tuổi của công nhân trong các doanh nghiệp chỉ là 31,2 tuổi, thời gian trung bình của công nhân làm cho doanh nghiệp chỉ 6 - 7 năm.
Một số nơi có tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc với lý do chính là do cơ cấu lại sản xuất, hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Sau khi bị sa thải, đa phần người lao động làm công việc tự do, buôn bán, công việc nội trợ gia đình, làm ruộng và bán hàng rong.
Đặc biệt, đối với lao động nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do... Từ những số liệu trên các chuyên gia trong lĩnh vực lao động nhận định rằng, đây là vấn đề nghiêm trọng, nếu không giải quyết tốt, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động cũng như các vấn đề an sinh xã hội.
Sa thải vì suy giảm năng suất lao động?
Phân tích về nguyên nhân, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định chủ yếu những lao động bị thải loại là những lao động làm trong các doanh nghiệp có điều kiện làm việc không tốt, cường độ lao động rất cao nên khi lao động sau tuổi 35 sức khỏe sẽ kém dần, độ nhanh nhạy cũng không được tốt. Khó có thể tiếp thu được những công nghệ, khoa học kỹ thuật mới.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, Bộ LĐTB&XH, thực tế doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải dựa vào năng suất lao động, khi làm ra nhiều sản phẩm thì giá thành sản phẩm sẽ hạ, tạo ra sức cạnh tranh trên thương trường. Do đó, người sử dụng lao động bắt buộc phải tiến hành đầu tư trang bị máy móc hiện đại, tự động hóa nhiều khâu để giảm sức lao động; người lao động nhiều tuổi năng suất lao động sẽ không bằng những lao động trẻ… Vì vậy họ nằm trong nhóm có “nguy cơ” bị chấm dứt hợp đồng lao động khi vào tuổi trên 35, trong đó chủ yếu là lao động nữ.
Theo bà Hương, người lao động trong những ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử là có “nguy cơ” cao nhất bởi thời gian đào tạo nghề nhanh (3-6 tháng), nhiều công đoạn có thể thay thế sức người bằng thiết bị công nghiệp…
“Bài toán” chống sa thải
Làm cách nào để giúp người lao động không bị thải loại quá sớm, đó là bài toán không hề đơn giản. Đề xuất về biện pháp, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng về mặt pháp luật cần có sự sửa đổi để có sự ràng buộc hướng đến có việc làm bền vững. Các cơ quan hữu quan cần sớm có những điều chỉnh ràng buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động sau 35 tuổi. Bên cạnh đó, cũng cần thông tin đến người lao động biết được quyền lợi của mình, bởi hiện nay rất nhiều lao động khi được doanh nghiệp đưa ra mức trợ cấp cao đã đồng ý nghỉ việc sớm.
Đặc biệt theo ông Quảng, cần tăng cường vai trò giám sát và thực thi pháp luật của công đoàn, bởi nếu doanh nghiệp có phương án thay đổi lao động từ hai người trở lên là phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước trước 30 ngày, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đều bỏ qua bước này. Bên cạnh đó, công đoàn cần đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lạm dụng quan hệ lao động của cả chủ doanh nghiệp và người lao động, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động; giám sát chặt các thỏa thuận, cam kết của chủ sử dụng lao động với người lao động.
Nói về “bài toán” chống sa thải, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp phân tích, tại Việt Nam, nền kinh tế gia công vẫn còn khá phổ biến như các ngành da giày, dệt may... nên yêu cầu về sức khỏe, độ tinh nhạy cao khiến cho người lao động dễ bị sa thải sau tuổi 35. “Để khắc phục tình trạng này cần thay đổi cơ cấu kinh tế, cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội chú trọng thỏa đáng các biện pháp phòng ngừa giảm thiểu thay vì đi sau giải quyết hậu quả của sa thải, thất nghiệp” – ông Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.