“Bảo bối” của làng
Sắc phong (gọi đầy đủ là đạo sắc phong) xuất hiện từ khoảng thế kỷ 15, dưới triều nhà Lê, được xác nhận bằng ấn triện của nhà vua mang nội dung công nhận có tính nhà nước, đồng thời thể hiện quyền lực của triều đình đối với các làng xã.
Sắc phong truyền tải lại cho hậu thế các tư liệu quý giá và trung thực về tên tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử, biểu thị sự tôn vinh của vương triều và cộng đồng cư dân với vị thần đó...
Việc thần Thành hoàng được vua phong sắc có ý nghĩa rất quan trọng, vì đó là sự công nhận chính thức của người đứng đầu nhà nước phong kiến về sự hợp pháp của làng. Thông thường thì việc lập đình và thờ cúng được thực hiện trước rồi sắc mới đến sau một thời gian khá lâu, do đề nghị của dân lên các quan địa phương để những vị này đạo đạt lên triều đình. Trong thời gian chưa được ban sắc, dân chúng vẫn cúng tế gọi là “thờ vọng” theo nghĩa sớm, muộn gì sắc phong cũng sẽ đến.
Sắc thần của vua ban được coi là một bảo vật nên thường phải có chỗ cất riêng để bảo quản cho chắc chắn, tránh nạn mất cắp hoặc phá phách. Sắc thường để ở nhà, nơi được canh gác cẩn thận, hoặc giao cho một người có uy tín giữ (như vị Hương cả trong làng), cũng có khi cử riêng một vị Thủ sắc để giữ.
Có nơi sắc được để trong miếu, còn gọi là nghè. Đến ngày tế lễ, thường vào dịp Kỳ yên (trong tháng giêng âm lịch), dân chúng trong làng tổ chức long trọng lễ rước sắc thần để đưa sắc thần từ nơi cất giữ về đình cử hành tế lễ - gọi là lễ thỉnh sắc.
Sắc thần được để tại đình trong suốt ba ngày tế lễ, đến chiều ngày cuối cùng mới đưa sắc về nơi cất giữ, gọi là lễ hồi sắc. Tất cả các sắc thần đều được viết bằng chữ Nho theo thể chữ chân phương rõ và đẹp trên tấm lụa hình chữ nhật (khổ khoảng 6 tấc x 12 tấc) có thếp vàng và trang trí hoa văn hình rồng, mây biểu tượng cho thiên tử.
Theo các nhà nghiên cứu, về cơ bản, sắc phong gồm có hai loại. Loại thứ nhất dùng để phong cấp, tưởng thưởng chức tước cho các công thần. Đây được xem là vật gia bảo và thường được cất giữ cẩn thận tại các gia đình hoặc nhà thờ họ.
Hiện, những sắc phong này còn khá nhiều ở các dòng họ ở Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Phúc, Thái Bình. Loại thứ hai là sắc phong thần cho các thần linh hoặc những bậc hiển thánh (thành hoàng làng), là tài sản chung của cả cộng đồng làng xã cho nên thường được cất giữ tại các đình, đền, miếu mạo.
Mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử nên bảo vệ các đạo sắc phong trở thành điều cấp thiết khi thời gian qua, vấn đề bảo tồn các đạo sắc phong còn nhiều hạn chế. Phương pháp bảo quản phổ biến hiện nay là đựng trong ống tre, hoặc hộp gỗ, bên ngoài bọc giấy kết hợp với khí hậu nóng ẩm nên sắc phong rất dễ bị mục nát, bị mối mọt, rách và mất chữ.
Sắc phong - báu vật của làng cần được lưu giữ cẩn thận. |
Trong giới “chơi” cổ vật, đạo sắc phong được quy ước như một giá trị quý báu về cả tinh thần lẫn vật chất. Đó là văn bản cổ do vua ban tặng cho những người có công với đất nước và mỗi địa phương đều coi đó như xác nhận tối cao về mặt văn hóa, lịch sử, hành chính lẫn tâm linh.
Có đạo sắc phong trong tay, người chơi cổ vật có thể mua bán, đổi chác, coi đó như một xác tín cho những món đồ cổ cùng thời, cùng xuất xứ. Từ hấp lực ấy, rất nhiều sắc phong của làng Việt đã lọt vào tay “đạo chích”, bị bán ra cả nước ngoài.
Báo động mất cắp cổ vật
Cuối tháng 2/2020, chỉ sau một đêm, 16 đạo sắc phong được thờ phụng trong đình làng Hạ Xá, xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản, Nam Định bị kẻ gian đột nhập lấy cắp. Thứ quý giá nhất đã bị lấy đi nên những hộp đựng và những sắc phong bản photo được bỏ lại tại hiện trường. Đến khi sự việc được người trông giữ phát hiện thì cũng đã quá muộn.
Cùng trong một đêm, cũng tại địa bàn xã Tân Khánh, đình làng Nhị Thôn cũng bị mất trộm 10 đạo sắc phong. Dù đã cất giữ cẩn thận sau 3 lớp khóa bảo vệ nhưng kẻ gian đã lần lượt bẻ tất cả các khóa để lấy đi toàn bộ sắc phong trong đình, để lại một ban thờ đã bị xáo trộn.
Sau khi sự việc xảy ra, Công an xã Tân Khánh và Công an huyện Vụ Bản đã lập biên bản hiện trường, thu thập thông tin từ những người liên quan. Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng trôi qua, đến nay sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Hiện vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về số sắc phong bị đánh cắp và nhóm đối tượng gây ra vụ trộm cắp cổ vật kể trên.
Trước đó, rạng sáng 9/8/2018, kẻ gian đã đột nhập vào trong cung Cấm của đình Hoàng Châu xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải lấy đi một kiệu thờ Mẫu có niên đại trên 100 năm, một bức tượng cổ thờ mẫu Liễu Hạnh và sắc phong từ thời nhà Nguyễn. Di tích văn hóa cấp quốc gia đền Hậu xã Đông Kết, Khoái Châu, Hưng Yên, cuối tháng 7/2018 cũng bị trộm đột nhập lấy đi 5 đạo sắc phong từ thời Nguyễn và 2 bát hương cổ bằng gỗ.
Năm 2017, tại đình Thượng Trung, xã Liên Am (Vĩnh Bảo, Thái Bình) mất một sắc phong, trong đó có 4 đạo sắc. Đình Trần Xá làng Trần Xá, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) có 38 đạo sắc phong nhưng bị kẻ gian lấy đi một lúc 16 sắc phong khiến cả làng bàng hoàng. Tháng 3/2013, tại đền Bồng Châu (Kim Động, Hưng Yên) bị kẻ gian phá két lấy đi 69 đạo sắc phong cổ đã biến mất…
Vĩnh Phúc đang nằm trong “danh sách nóng” của những địa phương bị mất trộm cổ vật. Chỉ trong thời gian ngắn, Vĩnh Phúc đã bị mất hơn 100 pho tượng cổ, 37 đạo sắc phong và hàng trăm hiện vật như đỉnh đồng, khảm thờ, bát hương, kiệu... cũng “không cánh mà bay”. Không chỉ dừng ở các hình thức đào tường, khoét ngạch, hay lợi dụng lúc đêm hôm tối trời, có lần kẻ gian còn ngang nhiên dùng cả ô tô để khuân trộm kiệu cổ, thanh chấp kích loại lớn.
Đối với các làng quê Việt, những tế bào sống trong xã hội truyền thống thì những bản sắc phong chính là thể hiện những giá trị về văn hóa tinh thần. Vì vậy, nhiều nơi, khi bị mất đi sắc phong thì họ cảm thấy như mất đi phần hồn của làng và đời sống tâm linh bị ảnh hưởng.
Những người “giải cứu” sắc phong
Xót xa những giá trị của tư liệu cổ bị mất cắp, thời gian gần đây, nhiều nhóm quy tụ các nhà nghiên cứu, những người sưu tầm cổ vật đã thực hiện việc tìm, sưu tập và dịch lại các bản sắc phong trao trả về cho các làng.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một trong 8 thành viên của nhóm “nhân sĩ Hà Đông” đã thực hiện ý tưởng tìm sắc phong trả về cho các làng quê Việt. Nhóm Nhân sĩ Hà Đông hiện có 8 người, gồm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, tác giả Trịnh Hữu Sỹ, đạo diễn - nhà thơ Lương Tử Đức, nhà thơ Nguyễn Quyến, doanh nhân Lê Phương Trung và doanh nhân Đỗ Văn Hiểu.
Từ năm 2015 đến nay, nhóm nhân sĩ Hà Đông đã thu thập được hơn 200 đạo sắc phong. Các nhân sĩ vẫn đang tiếp tục kêu gọi những người đang giữ đạo sắc phong trả lại, thậm chí các nhân sĩ góp tiền từ chục triệu tới hàng trăm triệu mua lại những đạo sắc phong từ những nhà sưu tầm cổ vật để dâng tặng lại cho các địa phương.
Để tìm lại những sắc phong là cả một quá trình gian nan. Nhóm “nhân sĩ Hà Đông” phải dò tìm trên internet các diễn đàn rao bán cổ vật, sắc phong, hoặc nhờ các tình nguyện tìm hỏi giúp thông qua những người lớn tuổi ở địa phương, qua những người làm ở lĩnh vực dư địa chí và nhiều nguồn thông tin khác.
Để việc dâng tặng sắc phong về đúng nơi bị thất lạc, nhóm Nhân sĩ đã nhờ TS Trương Đức Quả, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, dịch nghĩa và lập bảng tổng hợp các bản sắc phong theo địa danh. Theo nội dung địa danh, di tích ghi trong sắc phong, mọi người phải tra cứu vì nhiều tên đất, tên làng, xã đã thay đổi.
Trước việc làm tốt đẹp của nhóm Nhân sĩ Hà Đông, có những người tự nguyện cung tiến đạo sắc phong mà họ sưu tầm được hoặc đã bỏ tiền mua từ lâu và đang lưu giữ. Một số họa sĩ, nhà sưu tầm cổ vật, nhà nghiên cứu đã tin tưởng trao cho nhóm Nhân sĩ Hà Đông dịch và trao trả lại cho các địa phương mà không đòi hỏi công sức, tiền bạc.
Nhóm Tâm Phát trao sắc phong tặng lại di tích trên địa bàn xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). |
Một nhóm nữa là Nhóm Tâm Phát gồm 6 bạn trẻ yêu di sản Trần Hiển Anh, Trần Tuấn Anh, Võ Kim Long, Phạm Xuân Thắng, Huỳnh Nhựt, Hồ Hải Hà chuyên đi tìm những sắc phong cổ bị lưu lạc để đưa về lại các di tích đình, đền. Nhóm Tâm Phát đã giúp “hồi hương” gần 100 bản sắc phong.
Cùng sự vất vả khi tìm lại sắc phong, nhóm Tâm Phát còn bị người dân nghi kỵ: “Nhóm này làm nhóm trộm sắc phong? Định giở trò gì? Đòi tiền chuộc chăng? Hay lại muốn “cướp” nốt những đạo sắc còn lại? Có thể là bọn trộm sắc phong nay bị thánh phạt, buộc phải tìm cách trả?”. Vượt qua nghi kỵ, quyết thực hiện tâm nguyện của mình, nhóm Tâm Phát đã trao lại sắc phong và được các cụ ở nhiều địa phương yêu quý coi như con cháu của làng.
Chị Hồ Hải Hà - một “hiệp sĩ” tích cực “giải cứu” sắc phong vui vẻ kể lại: “Vừa qua, chúng tôi trao hai đạo sắc phong bị thất lạc tặng lại người dân làng Trần Xá, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Từ sáng sớm tinh mơ, các cụ ông, cụ bà làng Trần Xá đã thức dậy là lượt áo the khăn xếp, tổ chức nghi lễ long trọng về văn hóa, tinh thần hơn cả khi làng vào hội. Có gia đình còn triệu tập cả con cháu công tác nơi xa về chung vui. Cả làng ai nấy đều hân hoan vì báu vật của cha ông đã trở về.
Điều đáng nói, những sắc phong quý giá giá niên đại hàng trăm năm của cha ông để lại bị biến mất nhưng không một ai đứng ra chịu trách nhiệm và bị xử lý trước pháp luật. Trong khi từ năm 2002, Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ cổ vật trong di tích đã yêu cầu chính quyền cấp xã, phường không khoán trắng trách nhiệm bảo vệ di tích cho nhân dân địa phương hoặc người được giao trông coi di tích. Khi sự cố xảy ra thì người đứng đầu cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm.
Trên thực tế, khi mất cổ vật, người trông coi các di tích ấy chỉ giải trình, bị nhắc nhở, còn chính quyền xã, phường thì “coi như không phải việc của mình”. Sau đó là… hòa cả làng!
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Nhức nhối nạn “chảy máu” cổ vật
Có thể thấy, cổ vật đang ngày càng có giá và điều này khiến cho “cơn sốt” săn lùng, đánh cắp cổ vật trở nên dữ dội hơn bao giờ hết, đẩy nhiều kẻ vào vòng xoáy phạm pháp để kiếm lời. Cùng với sự mở cửa của nền kinh tế đất nước, cổ vật Việt Nam nói chung, sắc phong nói riêng đang bị “chảy máu” theo bước chân của những trùm buôn bán cổ vật ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Nạn “chảy máu” cổ vật vẫn luôn hết sức nhức nhối từ nhiều năm nay, dù có lúc lắng dịu, lúc bùng phát. Hải quan và công an đã từng bắt giữ không ít vụ mang lậu cổ vật, đặc biệt là sắc phong. Thực tế là ở nhiều nơi, chính quyền địa phương vẫn quá mải mê với việc phát triển kinh tế - xã hội, với việc xây dựng các khu công nghiệp, triển khai các dự án, mà chưa thấy được rằng, những di tích bị xuống cấp, mai một, tình trạng “chảy máu” cổ vật là sự mất mát không thể lấy lại được.
Quá trình sưu tầm, dịch và trao trả sắc phong niềm vui nhiều hơn, song nhóm Nhân sĩ Hà Đông vẫn có nỗi buồn, day dứt. Đó là, việc sắc phong bị đánh cắp, ngay cả ban quản lý di tích, lãnh đạo địa phương cũng thờ ơ, không bảo vệ đúng mức di sản quý giá này.
Nhóm Tâm Phát: Cần “bàn tay thép” trong bảo vệ di tích
Việc giữ gìn cổ vật cũng chỉ có làm tốt khi công tác giáo dục ý thức cho người dân được nâng cao. Trong một đêm, kẻ gian dễ dàng lấy đi sắc phong cho thấy sự lộng hành tại một số địa phương.
Nhiều người dân nơi này chưa thật sự có ý thức phải gắn bó, bảo vệ di tích, vẫn có tâm lý “mặc kệ của chùa”. Thế nên mới xuất hiện cảnh kẻ gian có thể ngang nhiên lấy cổ vật giữa ban ngày, hay thuê cả ô tô khuân vác cổ vật...
Chỉ khi người dân, chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ thì mới phát huy hết vai trò của các ban quản lý di tích, các lực lượng an ninh, văn hoá trong việc bảo vệ cổ vật. Phải có “bàn tay thép” một cách hiệu quả hơn của Nhà nước trong công tác bảo vệ các di tích. Nhóm Tâm Phát chúng tôi cũng muốn nhắn nhủ những người sưu tầm cổ vật và những ai có ý định trộm cắp sắc phong: “Sắc phong không chỉ là bảo vật của một cộng đồng dân cư, mà còn thuộc về những thần linh của đất Việt. Chơi gì thì chơi, không nên chơi sắc phong”.
Ông Hồ Thanh Sơn, Chánh bái đình Tân Lộc, huyện Thới Bình, Cà Mau: Nhiều thế hệ thay nhau giữ sắc phong
Trông nom đình, đền chẳng may mất cái gì cũng lo, nhưng lo nhất là mất sắc phong. Cả làng sẽ coi như sắp có tai vạ. Nhiều thế hệ ở Tân Lộc thay nhau giữ sắc phong, phát huy giá trị truyền thống đình làng suốt 167 năm qua là một minh chứng cho niềm tin và sự tín ngưỡng cao cả.
Cứ đến dịp lễ hội là vùng quê này lại huyên náo bởi những hoạt động lễ hội dân gian và tục rước sắc, khán sắc theo nghi lễ cung đình. Tục ấy còn thể hiện tính cộng đồng cao, bà con trong vùng có dịp gần gũi nhau hơn, là cầu nối tâm linh và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời cũng là hình thức trao truyền văn hóa truyền thống của dân tộc từ thế hệ trước sang thế hệ sau.
T.Dương (t/h)