Sách báo góp phần giúp cán bộ, chiến sĩ nâng tầm tri thức

(PLVN) - Trong môi trường quân đội, sách, báo giúp cán bộ, chiến sĩ tiếp cận với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích với cuộc sống và phục vụ cho thực hiện nhiệm của Quân đội và từng đơn vị. Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang mang lại nhiều phương tiện tiếp cận thông tin hiện đại, sinh động nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn cho sự phát triển văn hóa đọc.
Trong quân đội, sách báo là một trong những chế độ, tiêu chuẩn góp phần nâng tầm tri thức cho bộ đội

Duy trì có nền nếp chế độ đọc báo 

Sức mạnh quân đội là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của yếu tố văn hóa, tinh thần. Do vậy, bảo đảm tốt đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội là góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Trong quân đội, sách báo là một trong những chế độ, tiêu chuẩn để góp phần làm phong phú tâm hồn, nâng tầm tri thức cho bộ đội được quy định tại Thông tư số 104/2014/TT-BQP (Thông tư 104) quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo Thông tư 104, về chế độ, tiêu chuẩn sách, bảo đảm bình quân 300 trang sách/người/năm, riêng Quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK bảo đảm 350 trang sách/người/năm... So với tiêu chuẩn cũ của Thông tư 24/2009/TT-BQP, cấp đại đội đã được tăng 1 số báo, ti vi được cấp mới loại 40 inch, số lượng trang sách cũng đã tăng thêm 50 trang/người/năm…

Theo Thông tư 104, cấp đại đội và tương đương được cấp 11 loại báo, tạp chí. Cơ quan tiểu đoàn và tương đương được cấp 7 loại báo, tạp chí. Phòng Hồ Chí Minh ở đơn vị được cấp 16 loại báo, tạp chí. Báo Pháp luật Việt Nam là một trong các đầu báo tiêu chuẩn các đơn vị từ cấp đại đội phải mua nhằm phục vụ văn hóa đọc của cán bộ, chiến sĩ.

Trong quân đội, thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TT, PBGDPL) được tổ chức sôi nổi, rộng khắp với các hình thức như diễn đàn thanh niên; tọa đàm sĩ quan trẻ; hoạt động tủ sách pháp luật kết hợp với việc duy trì có nền nếp chế độ đọc báo (các chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”; “Giải đáp chính sách - pháp luật... đã góp phần làm “mềm hóa” và đa dạng các hình thức, giúp cán bộ, chiến sĩ tiếp thu một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật cho bộ đội. 

Không chỉ duy trì chế độ đọc báo, nhiều đơn vị làm tốt còn bố trí giá sách, báo ở khu sinh hoạt tập thể có ghế đá mà bộ đội thường hay nghỉ ngơi, trò chuyện. Lúc bộ đội ra thao trường, nhiều đơn vị duy trì tủ sách báo lưu động phục vụ bộ đội đọc trong giờ nghỉ giải lao.

Ngoài các tin tức thời sự đa dạng, hấp dẫn, với tôn chỉ là tờ báo đi đầu trong TT, PBGDPL, nhiều năm qua, với các chuyên mục giải đáp chính sách pháp luật trên báo giấy, báo điện tử và các ấn phẩm phụ, Báo Pháp luật Việt Nam đã đồng hành với các đơn vị quân đội trong TT, PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng (BĐBP).

Nâng cao văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Đề cập đến văn hóa đọc, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết: “Những cuốn sách tốt, lành mạnh - tri thức tiến bộ của nhân loại là một phương tiện truyền bá thông tin, kiến thức, tri thức, góp phần nâng cao văn hóa đọc, giúp hình thành nên những công dân hiểu biết, trí tuệ và là nền tảng xây dựng nguồn thông tin phù hợp cho từng đơn vị quân đội”.

“Bằng sách báo cách mạng, nguồn thông tin chính luận, chúng ta phải trang bị cho cán bộ, chiến sĩ có quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, thế giới quan khoa học, nhân sinh quan đúng đắn, đủ sức đề kháng trước mọi tác động xấu từ bên ngoài để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong QĐND Việt Nam” -  Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, xây dựng phong trào đọc sách báo sâu rộng trong quân đội là nhiệm vụ thường xuyên của các thư viện. Trách nhiệm của Thư viện Quân đội và hệ thống thư viện, phòng đọc trong toàn quân là phải nghiên cứu, đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.

Các thư viện cần tiếp tục tổ chức các hình thức hoạt động sách báo sinh động, thiết thực, phù hợp với đặc điểm thực tế của các cơ quan, đơn vị đáp ứng được yêu cầu đọc của bộ đội, nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần.

Những năm trước đây, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21/4), Thư viện Quân đội thường tổ chức Ngày hội văn hóa đọc sách trong một ngày. Nét mới của Ngày hội đọc sách năm nay là tổ chức thành Tuần lễ. Đại tá Trần Thị Bích Huệ, Giám đốc Thư viện Quân đội cho biết, Thư viện là đơn vị đầu tiên tổ chức các hoạt động hưởng ứng

Ngày Sách Việt Nam để các đơn vị trong toàn quân làm theo. Các đơn vị tổ chức luân phiên nhau tới tham dự ngày hội của thư viện để cán bộ, chiến sĩ tham quan, đọc sách. Sau triển lãm, các đơn vị còn tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ viết bài thu hoạch, kể lại cuốn sách yêu thích. Do đó, Ngày hội đọc sách có hiệu ứng rất lớn, khơi gợi tinh thần yêu thích sách của mỗi cán bộ, chiến sĩ. 

Đọc thêm