Sách lậu, sách vi phạm bản quyền lộng hành - Do thị trường thiếu ý thức?

(PLVN) - Sự phát triển của văn hóa đọc và tương lai của ngành xuất bản sách nước ta đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng khi tình trạng sách lậu và sách vi phạm bản quyền ngày càng phổ biến. Các nhà xuất bản, tác giả và độc giả đều chịu ảnh hưởng khi những nỗ lực phát triển thị trường sách chính thống bị sách lậu làm suy yếu, kéo theo hệ lụy về kinh tế lẫn văn hóa.
Sách lậu có kích cỡ thô hơn, màu nhòe hơn, phần ruột không có màu và căn lề lệch hơn so với sách chính thống.

In ấn và bán sách lậu dễ dàng, đe dọa đến sách chính thống

Từ năm 2005 đến nay, sách lậu vẫn là một vấn đề nhức nhối của thị trường sách Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho các đơn vị xuất bản và các tác giả, dịch giả. Những cuốn sách lậu được sao chép gần giống bản chính, từ hình thức đến nội dung, ngang nhiên xuất hiện trên thị trường với mức giá rẻ hơn, gây sức ép cạnh tranh không lành mạnh với các ấn phẩm chính thống. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc sản xuất sách lậu hiện nay còn đơn giản và thuận tiện hơn bao giờ hết.

Anh Lê Duy Nam, CEO của thương hiệu Book Hunter cho biết: “Trước đây, tôi nghe các đàn anh trong làng sách than phiền về hiện trạng sách giả, nhưng bản thân mình chưa mục sở thị. Mới đây, sách của Book Hunter bắt đầu bị các nhóm làm sách lậu để ý tới, đáng kể nhất là cuốn “Khoa học của nghệ thuật trà” của tác giả Tony Gebely. Nhóm in lậu lập một fanpage có tên là Công ty Phát hành sách Minh Quang, ghi rõ địa chỉ và số điện thoại, đăng ảnh cơ sở hoạt động, chúng tôi cũng tìm được một công ty phát hành sách có tên tương tự khi tra cứu hệ thống mã số thuế. Tuy nhiên, địa chỉ hoạt động không có thật. Những bức ảnh đăng trên fanpage này cũng đều cắt gọt từ nhiều đơn vị xuất bản và phát hành chính thống khác, ví dụ như FAHASA, Bình Bán Book… hay đến từ chính fanpage của chúng tôi. Họ mua sách của chúng tôi, scan, photocopy và đóng thành sách. So với sách gốc vốn in màu, có tay gập, bản sách lậu chỉ in đen trắng, không có tay gập và khổ to hơn. Rất nhiều độc giả săn tìm cuốn sách này đã “sập bẫy” họ bởi giá bán của họ rẻ hơn sách thật rất nhiều”…

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc sản xuất sách lậu hiện nay trở nên đơn giản và thuận tiện hơn bao giờ hết. Chỉ cần một máy scan và một máy photocopy, người sao chép đã có thể tạo ra những bản sao gần như giống hệt bản chính mà không cần xâm nhập vào cơ sở in ấn hay lấy trộm bản thảo từ đơn vị xuất bản. Điều này làm dấy lên mối lo ngại lớn cho ngành xuất bản khi quy trình bảo vệ bản quyền trở nên khó khăn hơn trước.

Anh Nguyễn Tuấn Bình, chủ thương hiệu phân phối sách có uy tín Bình Bán Book chia sẻ: “Tình trạng sách lậu tràn lan rộ lên từ đầu năm 2024. Họ có tổ chức và có “chiến thuật” - luôn dùng ảnh sách thật (và phần lớn lấy chính ảnh của Bình Bán Book) khi đăng bài, chạy quảng cáo mạnh, giảm giá tối đa với sách bán chạy còn lưu hành và thậm chí… bán trên giá bìa với các sách không còn lưu hành. Bản chất là khách hàng mua trên không gian mạng - không cầm sách trực tiếp thì không có cách gì biết được. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới những người phát hành, trước hết là yếu tố kinh tế. Không thể cạnh tranh về giá và sức bán với đối thủ ẩn danh luôn bán “giá rẻ bất ngờ” với cùng một sản phẩm sách được. Thứ hai là uy tín, các trang bán sách lậu sẵn sàng lấy cả ảnh, đặt cả những tên page na ná giống trang page uy tín để lừa độc giả. Khách hàng mua phải sách giả quá nhiều dẫn đến tâm lý xói mòn niềm tin. Họ ngại mua sách, kể cả là mua trên sàn thương mại điện tử hay trên fanpage. Chứng minh nguồn gốc sách thật như hoá đơn, chứng từ, v.v… nếu chỉ qua không gian mạng, họ cũng làm giả được hết. Yêu cầu quay phim, chụp ảnh sản phẩm: họ dùng luôn ảnh thật sản phẩm, v.v… Do đó, dần dần độc giả không muốn mua trên mạng xã hội - do thiếu rào cản pháp lý - chính xác là buông lỏng cho hàng giả hoành hành”.

Bên cạnh sách giấy lậu, sự bùng nổ của ebook lậu và sách nói lậu trên các nền tảng trực tuyến cũng đang gây tổn thất nghiêm trọng cho ngành xuất bản. Các bản ebook và audiobook không bản quyền này được phát tán rộng rãi qua nhiều website, mạng xã hội và ứng dụng di động, ảnh hưởng đến cả những đơn vị xuất bản và các doanh nghiệp muốn đầu tư vào phát triển ấn bản điện tử. Tình trạng này không chỉ đe dọa tới doanh thu của các nhà làm sách giấy, mà còn làm suy yếu thị trường ebook và audiobook, vốn là những sản phẩm đang nhận được sự quan tâm lớn từ độc giả hiện đại. Các đơn vị xuất bản và cung cấp nội dung số đã đầu tư không nhỏ vào việc phát triển các ấn phẩm điện tử chất lượng, nhưng ebook lậu và sách nói lậu đang làm mất giá trị của sản phẩm chính thống, làm cho chính những đơn vị xuất bản ngần ngại đầu tư vào các sản phẩm điện tử hợp pháp.

Khi thị trường vẫn thiếu ý thức về vi phạm bản quyền

Tình trạng sách lậu chỉ là biểu hiện bề nổi của tảng băng chìm thực trạng thiếu nhận thức về bản quyền sách trong thị trường sách hiện nay. Bên dưới đó là hàng loạt hành vi vi phạm bản quyền phức tạp hơn, thậm chí tinh vi đến mức qua mặt cả các cơ quan kiểm duyệt. Các hành vi như xuất bản sách mà không hề có giấy phép bản quyền hay liên hệ với tác giả, hoặc tự ý xuất bản mà không xin phép cấp phép từ cơ quan quản lý, hiện đang diễn ra ngày càng phổ biến. Những cuốn sách này thường được phát hành dưới danh nghĩa “lưu hành nội bộ” để lách luật và bán công khai, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành xuất bản chính thống.

Anh Tuấn Bình trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với khách hàng của Bình Bán Book cho biết: “Đa phần các đơn vị phân phối và khách hàng chưa quan tâm tới vấn đề bản quyền sách. Thực chất với người bán, họ quan tâm là tính pháp lý của sản phẩm: sản phẩm có hoá đơn, chứng từ và quyết định phát hành đầy đủ thì được phép bán. Với độc giả, họ quan tâm trước hết là nhu cầu đọc được thoả mãn. Đôi khi cũng có những độc giả và nhà phân phối quan tâm tới bản quyền, họ có trình độ và tính phản biện xã hội cao, nhưng hầu như ít thu hút được sự chú ý của đại bộ phận người đọc sách”.

Cảnh báo về vi phạm bản quyền trên sách chính thống.

Book Hunter là đơn vị làm sách trẻ nhưng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bản quyền sách của quốc tế và Việt Nam, anh Lê Duy Nam cho biết, việc tuân thủ này khiến Book Hunter gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh trên thị trường. Khi một đơn vị xuất bản không phải trả phí bản quyền có thể tiết kiệm được 7 - 10% giá bìa trên mỗi ấn bản, cùng với phí giao dịch quốc tế (nếu mua bản quyền sách nước ngoài) và phí trả lương cho nhân viên bản quyền. Những lợi thế về giá khiến nhiều đơn vị làm sách và ngay cả độc giả chối bỏ tuân thủ quy định về bản quyền, trừ phi đơn vị cấp phép xuất bản quản lý giấy tờ pháp lý gắt gao.

Anh Nam cũng chia sẻ thêm: “Sự khác biệt về quy định bản quyền ở các nước cũng gây ra những hiểu lầm trong quyết định thỏa thuận bản quyền của các đơn vị làm sách. Ở nước ta, thời hạn bảo hộ bản quyền là 50 năm sau khi tác giả qua đời, nhưng tại các nước Âu Mỹ là 70 năm, thậm chí còn hơn. Trên thực tế, khi chúng ta đàm phán bản quyền với đơn vị sở hữu bản quyền ở quốc gia nào thì buộc phải tuân thủ quy định tại quốc gia đó. Mới đây, tôi cũng gặp trường hợp tương tự khi đàm phán mua bản quyền tác phẩm của C.S Lewis. Nhiều người ở Việt Nam cho rằng C.S Lewis đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền, nhưng đó là dựa trên quy định ở Việt Nam, còn tại Anh, nước sở hữu bản quyền của C.S Lewis thì tác phẩm của ông vẫn trong thời hạn bảo hộ. Việc các đơn vị xuất bản trong nước xuất bản sách của C.S Lewis mà không đàm phán bản quyền đã gây trở ngại cho chúng tôi trong quyết định đầu tư”.

Mỗi năm, một đơn vị nhỏ, tập trung vào sách học thuật chuyên sâu như Book Hunter phải chi trả bản quyền khoảng 300 triệu. Đối với các đơn vị xuất bản lớn hơn, đặc biệt là các đơn vị đầu tư vào các bản thảo best-seller sẽ phải chi trả phí bản quyền cao hơn gấp nhiều lần. Khi các vấn đề tranh chấp bản quyền không được xử lý nghiêm ngặt, các đơn vị xuất bản nghiêm túc sẽ chịu nhiều thiệt hại. Anh Tuấn Bình, từ vai trò của nhà phân phối sách, cũng bày tỏ sự quan ngại: “Đôi khi vấn đề tranh chấp bản quyền giữa các bên hay ai đó phát hiện vi phạm trắng trợn về bản quyền, nhưng tôi chưa thấy tiếng nói phản biện nào từ cơ quan chức năng một cách quyết liệt cả”…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tôn trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ là nền tảng không thể thiếu để thúc đẩy giao thương quốc tế. Đối với ngành sách Việt Nam, những hành vi vi phạm bản quyền không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong nước mà còn có thể làm tổn hại đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, gây cản trở trong việc hợp tác với các nhà xuất bản, tác giả và đối tác nước ngoài. Để thực sự chuyển mình, ngành sách Việt Nam cần triển khai những biện pháp pháp lý cụ thể và nghiêm ngặt, bảo vệ quyền lợi của tác giả và các đơn vị xuất bản chính thống.

Đọc thêm