Sách “Lời ru của mẹ” xuyên tạc lịch sử dân tộc

(PLO) - Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều sách sử của Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa đã bị báo chí, dư luận bức xúc lên án về việc xuyên tạc lịch sử dân tộc, bị cơ quan hữu trách có công văn thu hồi, phạt tiền. Tình cờ, chúng tôi lại phát hiện thêm một đầu sách “rác” lịch sử cũng liên quan đến doanh nghiệp sách này, đó là cuốn Lời ru của mẹ.

Sách “Lời ru của mẹ” xuyên tạc lịch sử dân tộc
Một ý định tốt đẹp, cao siêu với lịch sử dân tộc
Cuốn sách Lời ru của mẹ thực ra là một cuốn sử thơ, thông qua thơ lục bát để viết về lịch sử dân tộc từ thời Văn Lang đến thời Lý. Sách xuất bản năm 2009, do Nhà xuất bản Lao Động ấn hành, người chịu trách nhiệm xuất bản là Giám đốc Nhà xuất bản thời điểm ấy: ông Lê Huy Hòa. Đơn vị liên kết xuất bản là Doanh nghiệp (DN) sách Thành Nghĩa, sách in 1.000 cuốn. 
Ngay ở tên tác giả, độc giả đã biết ngay là có vấn đề, gồm: Võ Thành Tân, Lê Văn Tiễn, Bùi Văn Vóc, Lê Thị Rụ, Lê Nam. Đây cũng chính là những tác giả của các sách Huyền thoại với lời ru, Tiếng ru của mẹ - Lược sử diễn ca (tập 2), Bóng mẹ trong sử ca đã bị lên án vì có nội dung xuyên tạc lịch sử. Riêng ông Võ Thành Tân chính là Tổng Giám đốc DN sách Thành Nghĩa, còn bác sĩ Lê Nam thì đã có tiếng xuyên tạc lịch sử qua những sách Danh nhân và thời đại, Đại Quang Việt sử…, đứng tên tác giả trên ba chục đầu sách như lời giới thiệu trong cuốn Lời ru của mẹ. 
Riêng cuốn sử thơ Lời ru của mẹ, được chính hai ông Võ Thành Tân và Lê Nam “bổ sung thêm, đính chính, hiệu đính khá công phu về bố cục, niên biểu và nội dung” như lời tâm sự của chính ông Võ Thành Tân trong Lời giới thiệu của sách. Mục đích của tập thể tác giả sách rất tốt đẹp và to tát đối với văn hóa, lịch sử dân tộc khi kêu gọi bạn đọc hãy “vì nền văn học và sử học truyền thống của nước nhà, vì sự nghiệp phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa vốn có của thể thơ lục bát xa xưa. Và vì câu ngạn ngữ: “kính lão đắc thọ” để tìm mua, tìm đọc, cổ vũ và góp ý cho cuốn sách này” (Trích đoạn kết Lời giới thiệu sách). Vâng, vậy thì sau đây, chúng tôi xin góp ý cho sách! 
Mặc sức viết sai lịch sử dân tộc
Điểm qua 150 trang, biết bao lỗi về kiến thức lịch sử hiện diện. Bên cạnh đó là hằng ha sa số những lỗi về địa danh, nhân vật, chú thích, kiến giải sai lạc cùng những “sáng tác” lịch sử đáng lo ngại. 
Rất nhiều tên người, tên địa danh rất lạ, tỉ như: Ngũ Lĩnh thành Ngũ Linh (tr.8); Sùng Lãm - Sùng Lâm (tr.11, 13); Mỵ Nương - Mỹ Nương (tr. 31-33); Phiên Ngung - Kiên Ngung (tr.47, 50); Nhâm Diên - Nhâm Ruyên (tr.54); Dương Sàn - Trương Sàn (tr.74); Phạm Lệnh Công - Phạm Công Lệnh (tr.105)…
Những chú thích, kiến giải sai nghiêm trọng. Chú thích về chữ “Lạc”, các tác giả viết “Lạc gọi tắt từ hai chữ Lạc Việt và Di Lạc” (tr.17); bậc chức tước được viết là “Công, Hầu, Khanh, Tướng, Sĩ, Tốt” (tr.34) mà không hiểu rằng bậc phẩm tước gồm “công, hầu, bá, tử, nam”. Theo dân gian tương truyền thời Hùng Vương trải qua 18 đời, còn trong sách thì “là đã đi qua 18 triều vương, mỗi triều vương lại có một hai ba hay nhiều đời vua nối tiếp nhau” (tr.37); Thành Cổ Loa được giải thích là “thành có hình dáng giống như một cái loa” (tr.40); “thiếu đế” tức là vua còn nhỏ tuổi thì được viết là “Thiếu đế: khiếm khuyết hoàng đế” (tr.126)… 
Lỗi chính tả là lỗi không đáng có cũng bắt gặp nhiều: si mê viết là xi mê (tr.36); xả thân - sả thân (tr.65); một dải - một giải (tr.82); sử dụng - xử dụng (tr.119)… 
Nghiêm trọng hơn cả vẫn là kiến thức lịch sử khi Bà Triệu được biến thành “ả Hoa Đào” (tr.63); nước ta thời Hậu Lý Nam Đế (Lý Phật Tử) được cho rằng có tới hai kinh đô là Ô Riên (đúng ra là Ô Diên) và Long Đỗ (thực ra là tên vị thần) (tr.80-81); thời Phùng Hưng nước ta được cho có tới ba kinh đô, gọi là “tam đô” (tr.85); kinh đô thời Ngô Quyền là Cổ Loa, các tác giả vẫn giữ ở thành Đại La (tr.102); Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập được viết thành Ngô Xương Xí (tr.103). Loạn tam vương thời Lý gồm Vũ Đức Vương, Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương nhằm cướp ngôi vua của Lý Phật Mã (Lý Thái Tông). Ba vị vương này được các tác giả chú thích là con của Lý Thái Tông trong khi thực tế họ là anh em (tr.130)… 
Còn rất nhiều những sự sai lạc nghiêm trọng mà trong phạm vi của bài báo, chúng tôi chưa thể dẫn ra hết được. Mong rằng, cuốn sách này được Cục Xuất bản, In và Phát hành biết tới và ra quyết định thu hồi để bạn đọc được yên tâm.

Đọc thêm