Sai chỗ và sai ứng xử

(PLO) - Một “biệt phủ” rộng lớn gồm nhiều ngôi nhà tọa lạc trên đê sông Kinh Thầy (Hải Dương) khiến nhiều người ngỡ ngàng. Một túp lều dựng trên đê cũng bị coi là “công trình vi phạm” phải dỡ bỏ mà hẳn một dinh thự nguy nga lại không sao cả. Thật đáng kinh ngạc!
Sai chỗ và sai ứng xử

Một trường đại học xây dựng hoành tráng có chỗ cho hàng nghìn sinh viên học tập, ăn nghỉ, đầu tư vào đó rất nhiều tiền mà vắng như chùa bà đanh. Đó là Trường Đại học Thủy lợi ở Phố Hiến (Hưng Yên). Nguyên do là  người hoạch định xây dựng đã đặt địa điểm “sai chỗ”, sinh viên không có một không gian và môi trường phù hợp để học tập, sinh hoạt nên cứ phải ở lại tại cơ sở Hà Nội.

Có đến 17 trạm BOT giao thông trên đất nước này đặt sai chỗ, tức là thu phí cả ở những đường không phải họ đầu tư. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột giữa các tài xế và trạm BOT gia tăng, dù có thu phí hay thu giá thì không thay đổi được bản chất của vấn đề.

Có rất nhiều trường hợp sai chỗ như vậy, nhà cửa xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc lâm phần, chợ xây ở nơi ít người lai vãng, trường học, bệnh viện quá xa khu dân cư, ký túc xá sinh viên không gần giảng đường,... Người ta đặt sai chỗ từ việc nhỏ như đường sá đâu phải nơi phơi thóc lúa và rơm rạ đến cả một đô thị ở chỗ hẻo lánh không một cư dân và lâu ngày hoang vắng được gọi là “thành phố ma”.

Các công trình thủy lợi hay nước sạch cũng đặt sai chỗ khiến cả vùng khát nước, đồng khô cỏ cháy và tất nhiên, công trình đó trở nên vô dụng và thành biểu tượng của “nhãn quan tinh tường” của các nhà chức trách, thiết kế và thi công. Nghiêm trọng hơn, ngay cả trong công tác tổ chức cán bộ cũng đặt sai chỗ nhiều trường hợp và cả trong phát ngôn của những người tầm cỡ cũng “không đúng chỗ”.

Quan trọng hơn cả là cái cách người ta ứng xử với sự “sai chỗ” này như thế nào? Chủ yếu là biện bạch, đổ cho những nguyên nhân khách quan “bất khả kháng” hoặc tệ hại hơn, cho rằng đó là “sản phẩm của nhiệm kỳ trước. Chính quyền sở tại thì làm ngơ, “không biết” trước những sai phạm trong chính lĩnh vực quản lý của mình, còn cơ quan chức năng chỉ biết “báo cáo và phản ánh lên trên” coi như mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thái độ ứng xử đó đã “kích thích” việc vi phạm ngang nhiên và đặt mọi chuyện vào “việc đã rồi”, đến dự án qua nhiều cấp phê duyệt mà còn nở to đến gấp nhiều lần, huống chi những việc khác. Dứt khoát, sự ứng xử đó không xứng với vị trí, vai trò của những người phụ trách lĩnh vực hay chính quyền của một địa phương!