Sài Gòn 1972 trong con mắt một nhà báo nước ngoài: Lời thầy bói đáng tin hơn lời 'đồng minh' Mỹ

(PLO) - Một điều khác đã không thay đổi qua bao năm dài chiến tranh là tầm quan trọng của nghề bói toán ở Sài Gòn. Gần như mọi người Việt, cho dù học hành cỡ nào, cũng tin tưởng vào các thầy bói toán kiểu này hoặc kiểu khác, và nhờ họ hướng dẫn cho mọi loại quyết định.
Một thầy bói tại Lăng Ông Bà Chiểu khoảng năm 1969
Một thầy bói tại Lăng Ông Bà Chiểu khoảng năm 1969

Tổng thống Thiệu, cựu Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, và tất cả những người tôi quen biết trong giới quyền lực đã chỉ có những quyết định sau khi đã tham khảo một thầy bói tin cẩn, và đây có lẽ là một lý do khiến ý kiến của cố vấn Mỹ không được thường xuyên tiếp nhận như nhiều người ở nước Mỹ vẫn tưởng.

***

Với sự xuất hiện của người Mỹ, ít có chỗ nào không bị ảnh hưởng về xã hội, dân số cũng như tâm lý. Những hình ảnh truyền thống đã thay đổi. Một nhà đòn giàu có (giới nhà đòn đã giàu lên trong cuộc chiến kinh khủng này) có thể xây một căn nhà năm tầng từ căn nhà trệt mà ông ta từng sống. Nhưng người giàu vẫn là giàu, người nghèo vẫn nghèo, tuy họ sống cạnh nhau, và những ngôi nhà cao sẽ phủ bóng lên những căn nhà lụp xụp. 

Tại tỉnh Gia Định vốn có nhiều phần chen vào Sài Gòn, có dân số khoảng 1,3 triệu, chủ yếu gồm những người đã rời Sài Gòn vì lý do kinh tế hay lý do khác, và những người tị nạn từ các tỉnh xa tới và đã định cư ở đây thay vì trong nội ô, tuy họ có thể làm việc trong Sài Gòn. Một người bạn nói với tôi: "Tại những khu vực giáp thành phố của tỉnh này, bạn có cả một xã hội không giai cấp. Nó gồm những người bán hàng và một bộ phận trôi nổi đông đảo dân chúng”.  

Phần lớn việc buôn bán ma túy và rất nhiều hoạt động phi pháp khác đã chuyển từ thành phố ra ngoại ô khi áp lực của cảnh sát gia tăng trong Sài Gòn. Một phần vì những lý do này, các viên chức cấp quốc gia cũng như cấp Sài Gòn muốn đưa nhiều địa phương của Gia Định vào tầm kiểm soát trực tiếp của các giới chức thủ đô.

Hình ảnh các thầy bói không khó gặp trên đường phố Sài Gòn những năm 1970
Hình ảnh các thầy bói không khó gặp trên đường phố Sài Gòn những năm 1970 

Nếu kế hoạch này được thực hiện, điều đó có nghĩa rằng khoảng 3.400 xã của Gia Định sẽ được nhập vào Sài Gòn, trong khi phần còn lại của tỉnh sẽ tồn tại riêng biệt hoặc sáp nhập vào những tỉnh lân cận.

Một khu vực của Sài Gòn vẫn còn giữ được bản sắc riêng là Chợ Lớn, vì ngay cả cuộc chiến dai dẳng, tồi tệ cũng không ảnh hưởng nhiều đến chỗ này. Cộng đồng ở đây lại một lần nữa chứng tỏ khả năng luôn vẫn là chính mình.  

Việc thả bộ qua Chợ Lớn, dù là ban ngày hay ban đêm, thì rất khác với một chuyến đi dạo qua Sài Gòn. Thứ nhất, ta gặp ít người Mỹ và những người da trắng hơn. Vết tích thời thuộc địa, dưới dạng những ngôi nhà gạch mà người Pháp xây khắp các nơi khác, cũng ít hơn.

Thay vào đó là hàng dãy hàng dãy những cửa hàng ngăn nắp, gọn ghẽ, chất đầy hàng hóa Trung Quốc và Tây phương, có cả nhiều món mà ta không thể tìm thấy ở chỗ nào khác của Sài Gòn. Những tiệm ăn trong nhà hay ngoài trời có khắp nơi, phục vụ vô vàn các món ăn Trung Quốc. Mùi chủ yếu ở đây là mùi nước tương, trong khi mùi thường gặp trong các tiệm ăn lộ thiên của người Việt là mùi nước mắm.

Ở đây có nhiều chùa hơn nội ô Sài Gòn, và luôn có một sân chơi cạnh chùa (Trong đô thị, hiếm còn có chỗ nào cho trẻ em chơi). Một thay đổi lớn ở đây qua nhiều năm là chuyện giới trẻ đã chấp nhận Âu phục, con gái mặc váy và áo cánh thay vì xường xám, còn con trai, quần bó và áo sơ mi. Một số những người lớn tuổi, nhất là người già, vẫn mặc áo thụng kiểu xưa.

***

Về chuyện phim ảnh, giới trẻ người Việt chia tay với truyền thống dứt khoát hơn. Cuối năm rồi (thời điểm 1972), một phim Việt Nam tên là “Chân trời tím” lần đầu tiên chiếu cảnh nhân vật nam và nữ chính hôn môi nhau. Tuy rất hiền lành so với nhiều xuất phẩm cùng thời của phương Tây, bộ phim vẫn hàm chứa cái mà người Việt gọi là dấu vết của chủ nghĩa tân hiện thực, kể cả một cảnh chiếu một bộ ngực trần.

Cũng có những cảnh các cô gái bán bar, lính đào ngũ, và những cảnh khác của chiến tranh, như phi công Mỹ lái máy bay dội bom hay thả bom napalm. Bộ phim được thế hệ trẻ khen ngợi nhưng người lớn tuổi hơn thì phê phán gay gắt. Nhưng nó thắng lớn về tiền bán vé. 

Người Việt rất thích thú với TV; một số gia đình nghèo cũng có TV trong nhà. Có hai kênh, một của Quân đội Mỹ và một của chính phủ Sài Gòn, và kênh của Mỹ cũng rất phổ biến với người Việt, dù họ không nghe được lời thoại họ vẫn thường thức được hành động trong những chương trình như “Impossible", "Wild, Wild West," và "Batman". 

Tiết mục TV Việt Nam được ưa chuộng nhất là cải lương, có thể là một chương trình nhiều kỳ được kể theo hình thức tuồng cổ nhưng câu chuyện có thể là hiện đại; một vở tuồng nọ kể chuyện một thiếu nữ bị buộc phải bỏ nhà và đi bán bar chẳng hạn. Người Mỹ cũng chiếu rất nhiều phim tuyên truyền nhưng, dù trong hay ngoài TV, chẳng làm được gì nhiều để cải thiện đời sống văn hóa ở Sài Gòn. 

Sự có mặt của người Mỹ cùng hàng hóa và lối sống Mỹ đã tạo ra nhiều thay đổi trong xã hội
Sự có mặt của người Mỹ cùng hàng hóa và lối sống Mỹ đã tạo ra nhiều thay đổi trong xã hội

Ngoài một số ngoại lệ, còn mối liên hệ thường xuyên giữa một số người Việt và người Mỹ, với động cơ chủ yếu là tình dục, hy vọng dẫn tới tình dục, hoặc tốt lắm thì chỉ ở bề mặt. Tuy nhiên, đã có vài ngàn cuộc hôn nhân giữa lính Mỹ và phụ nữ Việt tuy rằng những cuộc hôn nhân như vậy thì cũng khó dàn xếp, khi mà cả hai đều có ý đồ của mình. Nhiều cuộc hôn nhân đã tan vỡ ngay khi cặp đó về tới Mỹ, người vợ Việt ở đó thường thấy mình hóa ra là người phương Đông duy nhất trong một cộng đồng Mỹ nhỏ bé. 

Một số người Mỹ cũng nhận trẻ mồ côi chiến tranh làm con nuôi, với sự giúp đỡ của một số tổ chức công cũng như tư được người Mỹ và Âu tài trợ, nhưng số vụ nhận con nuôi này quá nhỏ so với hàng ngàn trẻ mồ côi vốn sẽ phải nương nhờ vào các cơ quan của chính phủ hoặc tiếp tục vô gia cư và bơ vơ.

***

Một điều khác đã không thay đổi qua bao năm dài chiến tranh là tầm quan trọng của nghề bói toán ở Sài Gòn. Gần như mọi người Việt, cho dù học hành cỡ nào, cũng tin tưởng vào các thày bói toán kiểu này hoặc kiểu khác, và nhờ họ hướng dẫn cho mọi loại quyết định.

Tổng thống Thiệu, cựu Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, và tất cả những người tôi quen biết trong giới quyền lực đã chỉ có những quyết định sau khi đã tham khảo một thày bói tin cẩn, và đây có lẽ là một lý do khiến ý kiến của cố vấn Mỹ không được thường xuyên tiếp nhận như nhiều người ở nước Mỹ vẫn tưởng. 

Ngay cả những người Việt có đầu óc Tây phương nhất, những người thường cười cợt khi thấy bạn bè trông cậy vào bói toán, vẫn bí mật đến gặp thầy bói và bám vào những niềm tin cổ xưa, chẳng hạn như vai trò của người xông đất năm mới. Tôi biết một số người Mỹ đã đến thăm nhà bạn vào ngày cuối năm và đã được lịch sự mời về vào phút cuối cùng của năm cũ bởi vì "một người bạn Việt rất tốt của tôi chốc nữa sẽ đến thăm và nếu anh ở đây thì thật xui xẻo". 

Những hình thức bói toán phổ biến nhất là tử vi, xem tướng, coi chỉ tay, bói bài, và xem quả cầu pha lê. Trong những năm qua khi một loạt biến cố chẳng lành cứ kế tiếp nhau, việc định thời điểm cho những vụ đảo chánh và âm mưu đảo chánh luôn được quyết định bởi những gì thày bói nói với các tướng lãnh có dính líu. Các bạn tôi - nhà báo, doanh nhân và nhiều nghề khác - vẫn thường nói với tôi vận hạn của họ trong thời điểm nào đó là hên hay xui, và kỳ lạ thay, họ lại thường đúng hơn là sai.

Thuật nghiên cứu số có vai trò quan trọng trong những dự đoán này, và họ đặc biệt chú ý những con số căn bản như ba và năm. Ba là hên, và năm là xui; mồng năm, mười bốn, hăm ba âm lịch luôn bị coi là xui (vì các ngày đó đều các số cộng lại thành năm).

Sau cùng, và quan trọng nhất, là chu kỳ 12 năm của âm lịch, và mỗi năm trong chu kỳ 12 năm đó được biểu trưng bằng một con vật, và mỗi con vật lại được coi là hên hay xui đối với mỗi người trong những năm nào đó. Năm 1971 là năm con heo và đến tháng 2.1972, một chu kỳ mới lại bắt đầu với năm con chuột. 

Sự có mặt của người Mỹ cùng hàng hóa và lối sống Mỹ đã tạo ra nhiều thay đổi trong xã hội
Sự có mặt của người Mỹ cùng hàng hóa và lối sống Mỹ đã tạo ra nhiều thay đổi trong xã hội

Vài năm trước, một người bạn Mỹ của tôi đã làm một nghiên cứu về ý nghĩa của bói toán và những hình thức đoán vận mệnh khác và thu được những kết quả thú vị. Địa điểm của mọi ngôi nhà, kể cả dinh Tổng thống (hiện được coi là ở một địa điểm xấu) được coi là hên hay xui tùy theo cách chúng tiếp cận ánh sáng, nước và không gian.

Vận mệnh của Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn có vẻ đã chuyển từ tốt sang xấu khi họ dọn từ trụ sở trên đường Hàm Nghi, quay lưng ra sông Sài Gòn và đường Võ Di Nguy, sang trụ sở mới hiện nay trên đường Thống Nhất. Một thày địa lý nổi tiếng đã chỉ ra rằng Tổng thống Thiệu sinh năm Tí, và điều đó có nghĩa là năm 1972 không tốt cho ông ta. 

***

Mặc cho những biến đổi thời chiến của Sài Gòn, người Việt vẫn là dân tộc gắn chặt với thông lệ, và một trong những thông lệ căn bản của họ là việc chuyển giao, sau khi đã đánh giá cẩn thận, các tin đồn. Từ 1960, khi vụ đảo chánh Diệm lần đầu xảy ra và thất bại, trung tâm tin đồn đã được gọi là Đài phát thanh Catinat, và chỗ này chết với cái tên đó luôn. Khoảng năm 1972, trụ sở của nó là ở nhà hàng La Pagode, nằm ở phía trên đường Catinat. 

Sau khi Diệm đổ, hành lang khách sạn Continental trở thành một phần của mạng lưới, nhưng trung tâm chính của nó từ khi Diệm đổ là một tiệm cà phê bánh ngọt nhỏ tên là Givral, nằm đối diện Continental. Hầu hết những gì người ta nghe được ở Givral đều có giá trị đáng ngờ, vì những người đến đây thường cài thông tin sang cho người khác với mục đích riêng của mình.

Trong số các khách hàng có nhưng vị dân biểu hay nghị sĩ (tòa nhà Quốc hội chỉ cách đó 50m), công chức, cảnh sát chìm, nhà báo, và doanh nhân. Cũng không hiếm khi gặp một dân biểu đối lập và một nhân viên mật vụ ngồi với nhau và đấu võ mồm.  

Các doanh nhân không chỉ lắng nghe các nhà báo và những người khác mà còn dùng nơi này để thử thách đại lý của mình để biết được sự thật hay khả năng tung tin đồn của họ. Có ba buổi "phát tin" hàng ngày ở Givral.

Một vào khoảng 10h sáng, một vào giữa giấc chiều, và một vào khoảng từ 17 – 19h, sau buổi họp báo thường nhật ở Trung tâm báo chí quốc gia, nằm ngay bên kia đường. Giờ phát buổi sáng chủ yếu liên quan đến tin đồn và tường thuật về kinh doanh; hai giờ phát buổi chiều thường là các vấn đề chính trị và quân sự.

Những phụ nữ bị bắt nhốt trong một bốt cảnh sát
Những phụ nữ bị bắt nhốt trong một bốt cảnh sát

Nếu Đài phát thanh Catinat là nơi công khai và tập trung nhất cho việc lan truyền thông tin, cả thực lẫn giả, thì còn có những chỗ khác, không xa đó lắm, cũng quan trọng theo kiểu riêng của chúng. Trong nhiều buổi sáng, tôi đã cùng người bạn Phạm Xuân Ẩn, vốn làm việc cho một tạp chí tin tức Mỹ, đi rảo quanh các điểm đó. Ẩn nuôi tám con chim, bốn con chó và một con cá, nên đầu tiên ông ta dẫn tôi tới chợ thú kiểng đường Hàm Nghi, gần tòa đại sứ Mỹ cũ. 

Chợ này trải dài khoảng nửa dãy phố, bán khỉ, cầy hương, thỏ, chuột bạch, mèo rừng, và đủ loại chó, mèo, chim và cá, trong đó có cả chim tu hú Phi châu, bồ câu Pháp và Mozambique, cú mèo, sáo sậu, két, sơn ca, công, và kim tước. Với những người cần vị thuốc cổ truyền thì họ có bán dơi, được coi là có thể chữa bệnh lao bằng cách cắt cổ dơi lấy máu pha rượu uống.

Giáp đường Hàm Nghi là đường Nguyễn Công Trứ, nơi mà mỗi sáng, khoảng 10h, các thương gia người Hoa và các đại lý người Việt gặp nhau ở hai hay ba quán cà phê để cùng quyết định hối suất đồng bạc trên thị trường chợ đen sẽ là bao nhiêu và cũng có thể định giá của gạo, thịt heo và các nhu yếu phẩm khác. Trong vòng nửa giờ sau khi họ quyết định, lệnh sẽ được truyền đến hai chợ hàng hóa chính ở Sài Gòn và Chợ Lớn, và thị trường đô la chợ đen.  

Cũng ở dãy phố này, dài theo đường Hàm Nghi, là trung tâm chợ trời chuyên bán đồ Mỹ. Ở đây, tuy thỉnh thoảng lại bị cảnh sát bố ráp, người ta có thể mua bất cứ thứ gì có trong quân tiếp vụ Mỹ và đủ thứ hàng ngoại quốc khác, trong đó có cả máy chụp hình và dàn nghe nhạc của Nhật.

Vì cảnh sát năm ngoái bố ráp thường xuyên hơn, nên người ta không bày những món đắt tiền nữa, nhưng bạn có thể mua chúng theo cách nhận hàng mới trả tiền; nghĩa là một phụ nữ Việt ở quầy hàng sẽ hỏi khách muốn mua cái máy ảnh như thế phải không, nếu thực tình muốn mua thì cho địa chỉ và bà ta sẽ tới đó vào sáng hôm sau, mang theo máy ảnh, và ngã giá. 

Hầu hết hàng hóa là đồ thật, ngoại trừ rượu whisky, vì nó thường bị pha với rượu đế. Mức lãi cho hàng chợ đen thay đổi từ 40% đến 50%, nhưng một số thứ vẫn rẻ hơn giá bán trong quân tiếp vụ Mỹ nếu tính theo hối suất đô la chợ đen (lúc này khoảng 450 đồng ăn một đô la). Tất cả tùy thuộc vào quy trình cung và cầu và khả năng mặc cả của mỗi người. 

Một số hàng bán ở đây đã được lấy trộm trên đường chuyển từ cảng về kho quân tiếp vụ, và giá bán thường khá thấp, nhưng cũng có thứ như một thùng bia chẳng hạn, bán giá ba đô la ở quân tiếp vụ nhưng ở chợ đen thì sáu đến tám đô la. Một thùng thuốc lá Mỹ, giá 1,75 đô ở quân tiếp vụ, được bán với giá bốn đô ở chợ trời.

Quanh khu đó có mấy nhà hàng, mỗi nhà có loại khách riêng, và trên đường thu thập thông tin Phạm Xuân Ẩn đã dẫn tôi vào những chỗ đó. Nhà hàng Victory, một nơi rộng rãi trên đường Hàm Nghi, chuyên bán thức ăn Tàu, buổi sáng có không khí rất giống Givral buổi chiều, nhưng không đông khách bằng. Các chính khách, nhà báo và doanh nhân trao đổi thông tin ở đây mỗi sáng. Nhà hàng Đô Thành gần đó có vẻ trung lưu hơn, dành cho các viên chức dưới cấp bộ trưởng, các sĩ quan cấp tá và dân ngoại giao dưới cấp đại sứ.  

***

Nếu những tin đồn là một phần quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày của Sài Gòn, thì cảnh sát chỉ giải quyết những sự kiện cụ thể. Trang Sĩ Tấn, người được bổ làm giám đốc cảnh sát vào tháng 11/1971, Tấn, vốn là công tố viên, và chánh án Tòa Sài Gòn, được giao phụ trách khoảng 20.000 nhân viên, trong đó có cảnh sát mặc sắc phục, lo điều khiển giao thông, làm việc hành chánh và các chức năng khác; cảnh sát đường thủy; cảnh sát dã chiến chủ yếu do giữ gìn trật tự và ngăn hỗn loạn; và sau cùng là cảnh sát đặc biệt lo về an ninh. Có một sự ganh đua và kình chống nhau giữa cảnh sát, Cục an ninh quân đội, Phủ đặc ủy trung ương tình báo, và Cục quân báo, giống tình trạng xảy ra giữa các cơ quan tương tự của Mỹ.

Nhóm trẻ hát rong trên đường phố
Nhóm trẻ hát rong trên đường phố 

Cảnh sát đặc biệt của Tấn phụ trách công việc được gọi là "kiểm soát và phân loại dân chúng". Dân chúng được chia làm bốn loại A, B, C, và D; và mỗi căn nhà được cho một mức đánh giá được coi là phản ảnh sự trung thành với chính phủ.

Tấn và tôi đến một trong năm đồn cảnh sát, ví dụ, trong Quận 6, vốn bao trùm khu Chợ Lớn và được coi như một trong những quận kém an ninh nhất Sài Gòn, và tôi biết được rằng gần 25.000 căn nhà trong khu vực của đồn được phân loại như sau: 16.007 nhà loại A tức thân chính phủ; 7.944 loại B tức không có quan điểm; không có nhà loại C tức công khai chống chính phủ nhưng không theo Cộng sản; và 277 nhà loại D tức thân Cộng (hoặc tình nghi). 

Mỗi thành viên của từng nhà lại có một hồ sơ và mỗi người phải có thẻ căn cước. Những nhà loại A ở Quận 6 chủ yếu là nhà công chức, quân nhân, hoặc nhân dân tự vệ. Những nhà không có quan điểm, vốn là đa số ở nhiều nơi, là khó cho cảnh sát nhận diện nhất.

Những nhà này gồm những con người mà quan tâm duy nhất của họ là kiếm sống, không theo cũng không chống chính phủ, đơn giản vì họ không quan tâm tới chính trị. Tuy Cảnh sát đặc biệt và các nhân viên xâm nhập (tức là những nhân viên thường phục chuyên xâm nhập vào những nhóm hay xóm), thường xuyên theo dõi những nhà loại này, nhưng không ai khẳng định được điều gì. 

Lý do không có nhà loại C trong khu vực chúng tôi ghé vào, và ở đâu cũng rất hiếm loại này, dĩ nhiên là do chẳng ai muốn bị xếp vào loại chống chính phủ.

Tuy đã có mười kế hoạch đô thị đã được vạch ra cho Sài Gòn trong mười năm qua, nhưng hầu như chẳng có nỗ lực nào nhằm tiến hành chúng. Một cuộc khảo sát đã được tiến hành tại từng dãy phố Sài Gòn để tìm hiểu xem đất đai được sử dụng thế nào - để ở, buôn bán, hay cho mục đích khác -nhưng chẳng ai làm gì để điều tra những khu ổ chuột tồi tệ nhất, để tiến hành những chương trình trợ giúp kinh tế, hoặc xây dựng nhà cao tầng như một giải pháp tạm thời.

Những gì đã xảy ra là một khối lượng lớn những khu gia cư mới được xây dựng bừa bãi, ngẫu hứng tại nhiều nơi. Tuy nhiên, hiếm có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền cấp thành phố cũng như trung ương có được một tầm nhìn dài hạn. 

Tuy quá trình tái thiết là quan trọng, nhưng xây dựng lại xã hội và chấn hưng đạo đức còn quan trọng hơn. "Chúng ta đã sản sinh ra cả một thế hệ trốn lính, những thanh niên mất hết các giá trị Khổng giáo. Chúng chỉ nghĩ tới trốn quân dịch, vui chơi, phóng xe Honda", một người nói. 

Hiển nhiên là người Mỹ đã biến đổi toàn bộ lối sống Sài Gòn, và người ta cảm thấy rằng một sự suy sụp nữa là không tránh khỏi. Trừ khi có được thay đổi triệt để điều chúng ta đã làm là tạo ra một cấu trúc xã hội với những người giàu mới nổi ở một bên và lớp người nghèo mới, chủ yếu là dân tị nạn, ở một bên, còn ở giữa là một đa số phi giai cấp sống dựa vào sự có mặt của người Mỹ.

Một người bạn Việt khác nói với tôi: "Người Mỹ các ông nghĩ mình đã cho người Việt một đời sống vật chất tốt hơn, nhưng điều đó không đúng. Hầu hết thiết bị các ông đổ vào đây rút cục chỉ là rác. Có lẽ sẽ phải phá tan tình thế này hơn nữa trước khi xây dựng một cái gì mới mẻ”. 

Đọc thêm