Chợ truyền thống háo hức mở cửa dù chưa đông khách
Tin chợ truyền thống TPHCM được mở cửa lại làm nhiều người dân rất phấn chấn. Tuy lâu nay, nhiều hình thức như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng online đã ra đời ít nhiều trở thành thói quen mua sắm của không ít người dân, nhưng vị trí của chợ truyền thống trong đời sống vẫn không thế nào thay thế được.
Cho đến nay, đã có xấp xỉ 40% chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM mở cửa trở lại. Lộ trình mở cửa được TPHCM thực hiện chặt chẽ dựa vào tình hình dịch bệnh từng địa phương. Đến ngày 15/10, đã 1/3 số chợ dân sinh, tức 68/234 chợ được hoạt động. Chỉ riêng ngày 15/10 có đến 20 chợ được tổ chức hoạt động trở lại gồm: Chợ Tự Đức (TP Thủ Đức); chợ Dân Sinh, chợ Thái Bình (quận 1); chợ Bàn Cờ (quận 3); chợ Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh); chợ Bình Tây (quận 6); chợ Phạm Văn Hai, chợ Nghĩa Hòa, chợ Tân Hưng, chợ Tân Phước, chợ phường 11, chợ Nam Hòa, chợ Trần Văn Quang, chợ Tân Trụ (quận Tân Bình); chợ Hiệp Thành, chợ Bà Bầu, chợ An Sương (quận 12); chợ Rạch Ông, chợ Phạm Thế Hiển (quận 8); chợ Khu phố 2 (quận Bình Tân).
Đến ngày 20/10, đã có thêm hàng chục chợ được mở cửa. Theo quy định, các chợ mở lại chủ yếu với công suất nhỏ, kinh doanh các ngành hàng lương thực thực phẩm. Hiện ban quản lý nhiều chợ vẫn xem xét các phương án tăng dần quy mô hoạt động, trong đó ngoài mặt hàng lương thực thực phẩm, một số chợ dự kiến cho bán thêm các mặt hàng không thiết yếu như thời trang, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm... Giờ đây, những chợ thuộc loại 1, có quy mô lớn như Bến Thành (quận 1), Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5)... đều đã được cho mở trở lại, trong đó chợ An Đông cho mở lại với tất cả các ngành hàng.
Các công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đang cấp tập xây dựng phương án mở lại hoạt động chợ đầu mối an toàn để trình lãnh đạo TP phê duyệt.
Theo UBND các quận huyện, những chợ được mở lại sẽ tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch theo bộ quy tắc của UBND TP ban hành như áp dụng 5K, người vào chợ phải khai báo y tế, tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng chống Covid-19, giãn cách tối thiểu 2m trở lên... Trong trường hợp chưa đáp ứng quy định phòng dịch vẫn sẽ cho chợ tạm ngưng hoạt động.
Theo ghi nhận thời điểm hiện tại, dù được cho phép, không phải tiểu thương nào cũng đến chợ để kinh doanh. Một số tiểu thương vẫn chọn ở nhà, dời ngày mở sạp để nghe ngóng tình hình dịch bệnh. Nhiều chợ, gian hàng thực phẩm được mở nhưng tiểu thương chỉ tham gia 50-70% số sạp. Người dân cũng đã quay lại chợ truyền thống để mua bán nhưng giảm nhiều dần so với thời điểm trước dịch. Các quầy thịt, cá trong chợ vẫn còn thưa thớt người.
Có mặt tại chợ Bàn Cờ, quận 3 vào ngày 17/10, chị Lê Thị An, ngụ Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 cho biết, trước kia chị đi chợ Bàn Cờ thường xuyên vì chợ rất phong phú đa dạng món ăn, thức ăn rất tươi ngon. Gia đình chị có thói quen đi chợ từ hai mươi năm nay. Chỉ khi nào cần một số mặt hàng thiết yếu khác thì mới vào siêu thị mua sắm. Thời điểm dịch, chợ đóng cửa khiến gia đình chị gặp khó không ít vì buộc phải thay đổi thói quen để thích ứng. Thế nên, khi nghe chợ Bàn Cờ mở cửa, ngay lập tức chị đi chợ để “tìm cảm giác đi chợ quen ngày trước”. Chị An cho biết: “Ở đây họ cũng có các quy định rất kĩ, để các bình rửa tay nhiều nơi với chợ vắng, ai cũng đeo khẩu trang nên tôi thấy khá an toàn. Nhưng nhiều gian hàng quen vẫn chưa mở cửa trở lại, hàng hóa cũng chưa phong phú. Hy vọng thời gian tới tình hình ổn hơn, chợ lại trở lại đông vui như xưa”.
Cũng theo chị An, thì nhiều hàng xóm của chị vẫn chưa lựa chọn quay lại chợ truyền thống mà vẫn mua hàng tại các kênh bán lẻ online, cửa hàng tiện dụng vì e ngại dịch bệnh.
Vui trong nỗi lo
Các dịch vụ buôn bán, kinh doanh thực phẩm thời gian này đã bắt đầu sôi động trở lại. Thời điểm vừa qua, với quy định chỉ được bán mang đi, đã có không ít cửa hàng mở cửa, chuyển đổi sang kinh doanh online hoặc bán mang đi để phù hợp tình hình.
Dọc các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phạm Văn Đồng, Phan Xích Long..., nhưng khu buôn bán, ăn uống tấp nập của thành phố, đã có nhiều hàng quán mở bán, dù bán mang đi nhưng cũng khá tấp nập khách khứa đến mua. Chủ một quán rau má đậu trên đường Phạm Văn Đồng, anh Phạm Văn Hải, 29 tuổi cho biết, xe rau má đậu được anh mở bán sau thời điểm giãn cách. Trước kia, anh làm nhân viên một quán karaoke ở quận Tân Bình nhưng hiện nay, các quán karaoke đóng cửa dài hạn, chưa biết khi nào trở lại hoạt động nên anh quyết định mở quầy nước giải khát mang về. Anh Hải chia sẻ, do chỉ thuê một mặt bằng nhỏ 6m2 cộng với khoảng sân, và thời điểm hiện nay các mặt bằng “ế” cũng nhiều nên anh thuê được giá khá rẻ. Hiện hàng quán mở chưa nhiều nên ít cạnh tranh, anh bán đắt khách. Mỗi buổi tối, anh Hải bán hàng trăm ly rau má. Khách tới mua tuân thủ quy định 5k như mang khẩu trang, đứng cách xa nhau để mua hàng...
|
Thực khách đến mua hàng tại một quán bán mang về. |
Tương tự, các xe bán cà phê, nước giải khát di động, đồ ăn vặt hay bánh mì cũng xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn thành phố và khá đông thực khách đến mua mang về. Tại đường Hoàng Minh Giám bên hông công viên Gia Định, trước kia đây là “con đường ăn vặt” bởi vài chục xe đẩy bán đủ thứ từ cá viên chiên, trứng vịt lột, trứng gà nướng, nước mía.... có cả mang đi và cả ghế ngồi cho thực khách. Thời điểm hiện nay, con đường này chỉ còn khoảng 1/3 xe đẩy ăn vặt so với trước kia, bàn ghế ngồi tại chỗ đã được dẹp bỏ, nhưng lượng khách đến mua cũng khá đông đúc. Khách đến đây mua thức ăn vặt chủ yếu là người dạo mát trong công viên gần đó.
Tuy nhiên, với nhiều mặt hàng ăn uống khác, việc bán qua mạng, không được ngồi tại chỗ vẫn còn nhiều bất tiện, không phù hợp với thói quen của đại đa số người dân nên doanh thu vẫn chưa cao. Chính về thế, số cửa hàng mở cửa không quá nhiều, và những người mở cửa cũng đang bán trong trạng thái “cầm chừng” là chính.
Chị Nguyễn Ánh Hồng, chủ quán bún riêu Ánh ở Thủ Đức cho biết, trước đây, chị bán mỗi ngày được hơn 300 tô bún. Sau đợt dịch, trở lại bán online thì số lượng chỉ còn tầm 50 tô mỗi ngày. “Hiện tôi vẫn bán cầm chừng để khách làm quen lại là chính, chứ mình bán hàng bình dân, khách thường tới ăn 1, 2 tô rồi đi, bán mang về vừa bất tiện, lại cộng thêm phí ship nên khách cũng không mặn mà lắm. Cho nên hiện nay cũng chỉ gia đình tôi tự nấu tự bán chứ không thuê thêm người phụ giúp. Khi nào cho bán tại chỗ thì tính tiếp”.
Nhiều chủ quán tại TPHCM bày tỏ sự trông đợi được mở cửa bán tại chỗ và sẵn sàng tuân thủ các quy định về phòng chống dịch để được hoạt động tại chỗ trở lại. Anh Nguyễn Tuấn, chủ quán cơm tấm Ngon, Bình Thạnh cho biết, quán có sức chứa 20 người, anh sẵn sàng mở cửa bán tại chỗ dù theo quy định chỉ được bán 50% số chỗ ngồi, tức 10 người một thời điểm.
Đây đó, tại nhiều điểm ở TPHCM, đã xuất hiện một số quán “vượt rào” mở bán tại chỗ cho khách, như các quán cà phê cóc hè phố, một số quán ăn uống bình dân bên ngoài tuy không mở rộng cửa, nhưng thực khách vẫn có bàn ghế ngồi trong nhà ăn.
Theo lãnh đạo TPHCM, trước mắt, thành phố sẽ chưa cho mở cửa hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ. Nơi nào mở bán ăn uống tại chỗ là sai theo Chỉ thị 18 và các địa phương phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, TP sẽ quyết định các dịch vụ này có hoạt động hay không trong thời gian tới tùy vào tình hình dịch bệnh cụ thể.