Sai phạm trong quản lý đất đai, hàng loạt cán bộ TP Phan Thiết hầu tòa

(PLVN) - Các bị cáo nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và cán bộ ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã cố tình cho chuyển mục đích trái luật 132 thửa đất, với tổng diện tích hơn 170.000m2, làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương này.
Sai phạm trong quản lý đất đai, hàng loạt cán bộ TP Phan Thiết hầu tòa

Quan chức đối diện án tù 

Ngày 10/8, TAND tỉnh Bình Thuận đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại TP Phan Thiết. Các bị cáo bị đưa ra xét xử nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Phan Thiết cùng các cán bộ, chuyên viên của phòng này. Tất cả 6 bị cáo đều bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. 

Cụ thể, các bị cáo gồm: Đỗ Ngọc Điệp (SN 1962, nguyên Chủ tịch UBND), Trần Hoàng Khôi (SN 1969, nguyên Phó Chủ tịch UBND), Phạm Thanh Thái (SN 1974, nguyên Trưởng phòng TN&MT) và các bị cáo nguyên là chuyên viên Phòng TN&MT là Lê Hồ Khải (SN 1985), Lê Hoàng Anh Tân (SN 1974), Nguyễn Trí (SN 1956). 

Đây là vụ án được dư luận tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm, khi những người bị truy tố từng nắm giữ những chức vụ quan trọng tại TP Phan Thiết, có vai trò điều hành Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, nhưng đã cố ý làm trái pháp luật, gây ra hậu quả nghiêm trọng, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất tại địa phương. 

Trước đó, vào ngày 9/7, phiên tòa đã được mở nhưng HĐXX TAND tỉnh Bình Thuận đã quyết định hoãn do nhiều luật sư, nhiều tổ chức và cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan được tòa triệu tập nhưng vắng mặt. 

 

Tại phiên tòa lần này, nhiều người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong số 88 người được toà triệu tập vẫn tiếp tục vắng mặt. Trong đó, có 19 người có đơn xin xét xử vắng mặt, một số trường hợp khác vắng mặt không lý do.

Tuy nhiên đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận, 6 bị cáo và những người tham gia tố tụng đề nghị tiếp tục xét xử. Riêng luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Thanh Thái đề nghị HĐXX triệu tập các đại diện, gồm: Hội đồng định giá trong vụ án, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, Cục thuế tỉnh Bình Thuận, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Phan Thiết để làm rõ một số tình tiết trong vụ án. 

Sau khi thảo luận, HĐXX quyết định cho tiếp tục phiên tòa và sẽ triệu tập những tổ chức, cá nhân có liên quan khi cần thiết. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 18/8. 

Chuyển mục đích trái luật 132 thửa đất 

Theo cáo trạng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Nhà nước giao trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn TP Phan Thiết, từ tháng 2/2016 đến 12/2018, nhóm 4 bị cáo của Phòng TN&MT TP Phan Thiết, gồm: Phạm Thanh Thái, Lê Hoàng Anh Tân, Nguyễn Trí, Lê Hồ Khải đã lập hồ sơ, tham mưu cho phép chuyển mục đích đất trái pháp luật. 

Các bị cáo Đỗ Ngọc Điệp và Trần Hoàng Khôi là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích trái với kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt. 

Những bị cáo nói trên đã cố tình cho chuyển mục đích trái pháp luật 132 thửa đất, với tổng diện tích hơn 170.000m2, làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Phan Thiết. 

Cụ thể, bị cáo Điệp là người trực tiếp ký 32 quyết định cho phép chuyển mục đích hơn 46.000m2 đất, nhưng lại không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất theo quy định. Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản thì 32 thửa đất trên trị giá 4,7 tỷ đồng. 

Bị cáo Khôi là người ký 100 quyết định cho chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở trái pháp luật, với tổng diện tích hơn 124.000m2. Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản, 100 thửa đất nông nghiệp mà bị cáo này ký trị giá hơn 8,6 tỷ đồng. 

Trong 100 hồ sơ mà bị cáo Khôi ký, có 2 hồ sơ không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, có 76 hồ sơ có văn bản của Phòng Quản lý đô thị TP Phan Thiết xác định các thửa đất này không thuộc quy hoạch đất ở nông thôn, nhưng bị cáo Khôi không yêu cầu Phòng TN&MT TP Phan Thiết kiểm tra, đối chiếu, rà soát làm rõ căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, mà vẫn ký quyết định cho phép chuyển mục đích sang đất ở nông thôn trái pháp luật. Bị cáo Khôi ký các quyết định trên là cố ý bởi biết rất rõ các căn cứ, trình tự, thủ tục. 

Trong khi đó, bị cáo Thái đã không thực hiện đúng các quy định về pháp luật đất đai như: 32 hồ sơ chuyển cho bị cáo Điệp ký đều không có văn bản thẩm định, 97/100 hồ sơ chuyển cho bị cáo Khôi ký có 76 hồ sơ được Phòng Quản lý đô thị TP Phan Thiết thông báo vị trí thửa đất đối chiếu với quy hoạch chưa đúng. 129 hồ sơ mà bị cáo Thái ký tờ trình đề nghị bị cáo Điệp và bị cáo Khôi cho phép chuyển mục đích trái pháp luật có diện tích 169.000m2, theo định giá là hơn 13 tỷ đồng. 

Cáo trạng cũng cho biết, bị cáo Tân là người trực tiếp thẩm định và tham mưu cho Trưởng phòng TN&MT TP Phan Thiết ký 60 tờ trình, với 60 thửa đất có tổng diện tích hơn 45.000m2 được chuyển đổi mục đích trái pháp luật trị giá hơn 3,5 tỷ đồng. 

Bị cáo Khải là người chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ và tham mưu cho Trưởng phòng TN&MT TP Phan Thiết ký 59 tờ trình, với 59 thửa đất có tổng diện tích hơn 100.000m2, có giá trị quyền sử dụng đất gần 8 tỷ đồng. 

Riêng bị cáo Trí được giao thẩm định 13 hồ sơ xin chuyển mục đích hơn 18.000m2 đất. Bị cáo này đã tham mưu trái pháp luật dẫn đến cấp trên ra các quyết định chuyển mục đích không đúng quy định, theo định giá gần 2 tỷ đồng. 

“Đối với hành vi của các cá nhân khác liên quan trong quá trình xác nhận hiện trạng, vị trí thửa đất; tính tiền sử dụng đất, tách thửa sai quy định pháp luật; hành vi nhận tiền và tài sản của Lê Hoàng Anh Tân (10 triệu đồng và 1 máy lạnh) trong quá trình thực hiện công vụ, Cơ quan Cảnh sát Điều tra tiếp tục điều tra, làm rõ xử lý sau”, cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Thuận nêu. 

Theo VKSND tỉnh Bình Thuận, hành vi của 6 bị cáo nói trên đã vi phạm vào Điều 52 Luật Đất đai năm 2013; khoản 2 Điều 69 Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; khoản 2 Điều 6, Điều 7 Thông tư số 30/2014/TT-BT¬NMT ngày 2/6/2014 của Bộ TN&MT. 

Hành vi của những bị cáo này xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý đất đai, đô thị trên địa bàn TP Phan Thiết, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Bình Thuận... Do đó, cần phải truy tố để xét xử nghiêm minh nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung. 

Do phiên tòa diễn ra vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp nên công tác phòng, chống dịch được triển khai nghiêm ngặt. Tất cả những người tham dự phiên tòa đều bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng thuốc sát khuẩn.

Đọc thêm