TTCP giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Quyết định của TTCP bãi bỏ Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 5/12/2012 quy định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của HĐQL QBTĐB Trung ương, trình TTCP trước ngày 30/9/2018. Giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về QBTĐB; đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án tổng thể về QBTĐB, bảo đảm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Theo Bộ GTVT, từ khi thành lập đến nay, điều hành quản lý QBTĐB gồm có HĐQL Quỹ và tham mưu cho HĐQL Quỹ là Văn phòng Quỹ. Từ năm 2017, thực hiện theo quy định của pháp luật về Luật Phí, lệ phí và Luật Ngân sách nhà nước, nguồn thu của QBTĐB từ phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu phương tiện) nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Toàn bộ nhu cầu chi cho QBTĐB đều do ngân sách nhà nước cấp. Việc phân chia phần 35% phí thu được do Bộ Tài chính tham mưu trình TTCP quyết định cấp cho các địa phương.
Như vậy HĐQL QBTĐB Trung ương sau 5 năm hoạt động đã “cáo chung”.
Sai thì phải sửa, kể cả làm lại. Có điều nhiều cái sai đau đớn. Số tiền thu được cho Quỹ hơn 10.000 tỷ đồng/năm đã được sử dụng như thế nào, có tham gia được gì vào việc giảm chi phí khác cho xã hội và cuối cũng là tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh không? Chắc chắn là không! Bởi có QBTĐB nhưng các tuyến độc đạo vẫn “giăng” BOT, thậm chí tổng mức đầu tư BOT lập “trên trời”, nhà đầu tư chỉ cần thu vài năm đã có lãi, thời hạn được phép thu thực sự là lãi ròng. Doanh nghiệp vận tải sợ nhất là mãi lộ và BOT, giá xăng dầu có tăng cũng không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa.
Chúng ta “tận thu” mà không hề nghĩ, tận thu là “vắt kiệt” sức sáng tạo của xã hội. Chúng ta “tận thu” nhưng khi cần đầu tư lại không có tiền là sao? Câu chuyện đang nóng trên báo chí là khả năng 2 đường hạ/cất cánh của 2 cảng hàng không lớn nhất đất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất có khả năng “đóng cửa” cho thấy “nỗi nhục” về quản lý như thế nào? Chỉ cần khoảng gần 4.500 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp sửa chữa các hạng mục kể trên nhưng tìm chưa ra?
Không phải không có tiền đâu, nhưng đây là sự “bó tay”, lúng túng của quản trị. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam vẫn thu tiền sử dụng cơ sở hạ tầng đấy chứ (đơn giản như vé vào sân bay trở lên); vậy nhưng bao giờ hạ tầng nuôi được hạ tầng?