Sân chơi Nỏ thần giúp trẻ em nhận thức về lịch sử dân tộc

(PLVN) - Ngày 6/3. Sân chơi Nỏ thần chính thức khánh thành tại Tổ 3 Thị trấn Đông Anh ( huyện Đông Anh, Hà Nội).
Phối cảnh sân chơi Nỏ thần khánh thành sáng 6/3/2021 tại tổ 3 – thị trấn Đông Anh, Hà Nội

 Sân chơi được sự hỗ trợ từ Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam do Liên minh Châu Âu và Hội đồng Anh đồng tài trợ và do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) thực hiện.

Khác với rất nhiều dự án sân chơi thông thường đã được thực hiện trước đây bởi Doanh nghiệp xã hội Nghĩ về Sân chơi trong phố (TPG), Sân chơi Nỏ thần đặc biệt hơn khi có sự kết hợp giữa TPG, nghệ sỹ Ưu Đàm và cộng đồng với ý tưởng thiết kế lấy từ truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, lấy chính chất liệu của cộng đồng để làm nguồn cảm hứng xây dựng sân chơi cho trẻ em tại chính cộng đồng này.

Cách sân chơi này chỉ 5km là thành Cổ Loa ba lớp tường đồng tâm, bao quanh núi, sông và hồ tạo nên một thành trì bảo vệ vững vàng cho thể chế chính trị non trẻ đầu tiên của Việt Nam, vương quốc Âu Lạc cách đây 2500 năm. Câu chuyện về sự sụp đổ của Âu Lạc sau khi bị mất bí mật móng thần của Thần Kim Quy là một câu chuyện nằm lòng của mọi người Việt Nam.

Khi thiết kế, Doanh nghiệp xã hội Nghĩ về Sân chơi trong phố (TPG) và nghệ sĩ Ưu Đàm muốn đem lịch sử đó vào sân chơi này. Hình ảnh của một chiếc nỏ thần khổng lồ ẩn hiện trong sân chơi cũng giống hình ảnh từng đoạn của thành Cổ Loa theo năm tháng. “Khi leo trèo và chơi đùa trong Sân chơi Nỏ thần, chúng tôi hy vọng lịch sử của kinh đô Âu Lạc và bài học của nó sẽ luôn sống giữa các em. Mong sự chơi và nhận thức về lịch sử bi hùng của này sẽ tạo ra những công dân tài năng, những người có thể bảo vệ đất nước họ và hệ sinh thái của của trái đất khi cần”, nghệ sỹ Ưu Đàm cho biết. 

Trong quá trình thiết kế và thi công công trình, cộng đồng đã tham gia cùng đóng góp ý tưởng thiết kế và cùng sơn vẽ sân chơi. Công trình cũng có đóng góp kinh phí từ phía cộng đồng và sẽ bàn giao về cho cộng đồng quản lý.

Đọc thêm