Trong thời buổi giá cả leo thang, dường như những chiếc áo hàng hiệu vài trăm nghìn đồng cho đến hàng triệu đồng luôn khiến người mua phải “chùn tay” suy tính. Với tiêu chí “rẻ - đẹp - độc”, hàng “si-đa” (hàng thùng) đang hút một lượng khách đáng kể. Tuy nhiên, khi mua và sử dụng mặt hàng này, khách hàng phải rất lưu ý để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Săn hàng “si-đa” thời "giá leo thang"
Từ lâu, ở Hà Nội đã hình thành một số chợ chuyên bán các mặt hàng đồ cũ như khu vực chợ Hàng Da, Kim Liên, Đông Tác, các điểm mua bán trên phố như Phùng Hưng, Phạm Ngọc Thạch, Đào Duy Anh, Hoàng Tích Trí, Tôn Đức Thắng, Nghĩa Tân..
Chợ Đông Tác được giới “ghiền” đồ cũ gọi với cái tên mỹ miều “Thiên đường mua sắm”. |
Tại đây, khách hàng có thể mua từ chiếc túi xách, thắt lưng, quần áo... với kiểu dáng, màu sắc đa dạng và đầy đủ chủng loại. Hàng được bán theo mùa. Những tháng hè nóng nực thì các mặt hàng chủ yếu có áo khoác nắng, quần short, áo thun, quần jean, áo sơ mi...
Mùa đông thì người ta chọn những hàng áo ấm, áo dạ, áo len, áo da các loại để bày bán. Giá cả các mặt hàng thùng tùy thuộc chất lượng, kích cỡ, kiểu dáng, chất liệu... Những chiếc áo thun, áo len thường có giá 20.000-70.000 đồng; quần jeans giá 30.000-100.000 đồng; tương tự như thế, túi xách giá từ 20.000-200.000 đồng/cái; thắt lưng có giá 15.000-50.000 đồng/cái.
Chị em chen chúc nhau chọn mua cho được một món đồ ưng ý (ảnh chụp tại chợ Hàng Da). |
So với khoản tiền phải bỏ ra chi phí hàng ngày thì số tiền mua những chiếc quần áo hàng thùng đúng là không đáng bao nhiêu. Cũng chính vì thế, nhiều người thay vì bỏ ra hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng để mua hàng hiệu, giờ đây lại được thỏa sức mua sắm hàng thùng mà không phải đắn đo gì.
“Trước kia, tháng nào tôi cũng mất hàng triệu tiền quần áo, nhưng giờ giá cả sinh hoạt cao quá, phải để dành tiền chi cho con cái nữa, nên mỗi tháng tôi chỉ dám bỏ ra khoảng 1 triệu đồng là cùng. Tiền ít, nên mua hàng hiệu thì “thòm thèm”, nên tôi chuyển sang mua hàng thùng. Nhịn ăn 2 bát phở là có được 1 chiếc áo hàng thùng đẹp. Giá cả tăng vòn vọt mới đáng lo, chứ quần áo hàng này rẻ lắm, mua thoải mái cũng chưa hết 1 triệu” - chị Mai, một khách mua hàng tại phố hàng thùng Đông Tác nói.
“Thời buổi kinh tế khó khăn, hình như người ta đang tìm mọi cách cắt giảm chi tiêu hơn” - chị Hồng Thúy, chủ một quầy hàng lâu năm ở chợ Đông Tác chia sẻ. Theo ghi nhận của chị Thúy thì lượng khách mua hàng tại đây hiện tăng tới 20% so với cuối năm ngoái và tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm cách đây 2 năm. Khách quen của chị thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm hàng mới về. 3 tháng trở lại đây, khách mới cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Họ đến thường xuyên và kỳ kèo trả giá sản phẩm kỹ hơn.
Không chỉ hút dân sinh viên, giới văn phòng... dân nhà giàu, sành điệu cũng tìm đến đây mua hàng vừa như một sự “đổi gió” với gu thời trang lại vừa tiết kiệm được một khoản để làm việc lớn. Ngoài việc mua sắm cho bản thân mình, nhiều chị em còn coi việc mua đồ hàng thùng về cho cả gia đình dùng là một trong những kế sách tiết kiệm.
"Dân sành" mách nước
Luôn tay bới quần áo đổ đống tại một gian hàng chợ Hàng Da, chị Hà Thị Thu (chủ shop mỹ phẩm trên phố Huế) hào hứng kể: “Nhiều người hay trầm trồ mỗi khi em diện những bộ váy có gắn mác “made in Hongkong”, “made in Korea”, “made in Japan”... Ai cũng tưởng em phải bỏ một đống tiền ra để mua chừng ấy đồ hàng hiệu, nhưng thật tình em chỉ mua với giá 70.000-120.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, để tìm được món đồ ưng ý, mất rất nhiều thời gian để “đãi cát tìm vàng”.
Theo chị Thu thì: “Mua hàng thùng không chỉ cần đủ độ kiên nhẫn lục lọi, tìm kiếm, chọn lựa nhiều lần, mà phải tinh mắt xem chất vải, kiểu dáng, nhãn mác để rồi đánh giá chất hàng. Khi chọn hàng dạ, sờ lên áo, sợi vải phải đanh, khi đưa ngón tay vê vê, chất liệu không bị xù mà cảm giác vẫn mịn.
Đối với hàng kaki phải kiên trì chọn mẫu mã, chất liệu phải dày dặn nhưng không thô ráp. Đối với các loại áo khác, người mua phải cẩn thận xem từ bề mặt không sờn cho tới chất không giãn, không cứng theo kiểu nilon, cổ áo không bị bạc phếch. Quần thì chú ý phần cạp không sờn, rách, gião chun...”.
Chị Hiền Anh một “tín đồ” của hàng thùng, người đã từng lang thang “săn” hàng hiệu ở những chốn này từ hồi còn là học sinh, tới tận bây giờ khi đã có 2 con lớn, niềm đam mê ấy vẫn chưa một chút nguôi ngoai - nói: “Riêng đối với giày dép, đừng chăm chăm vào màu sắc của giày thế nào vì phần lớn hàng thùng đều đã được “mông má”, tân trang lại bằng cách đánh bóng sơn, mà quan trọng hơn hết là kiểm tra xem giày còn nguyên bản, có bị sửa lại, đóng lại gót không, đặc biệt là lớp lót giày bên trong đã bị tung ra hay chưa, có sờn quá hay không”.
Cầm một chiếc túi xách trong tay, chị Hiền Anh lật đi lật lại, giảng giải cho chúng tôi để tránh gặp phải trường hợp hàng giả: “Sau khi đã kiểm tra phần trong của túi thì chuyển sang bề ngoài. Lúc đó mới nên để ý xem màu gì, có sờn da, sờn vải, sứt chỉ, hỏng khóa hay không”.
Giữa một đống quần áo cao ngút với những chất vải nhàu nhĩ, chị Mai Hoa (khu tập thể Khí tượng thủy văn, Hà Nội) vui mừng khi chọn được chiếc áo khoác còn nguyên tem mác. Giơ chiếc áo ra trước mặt, chị Hoa hớn hở khoe: “Cái này là hàng hiệu chính gốc đấy vì nó có nhãn mác, logo đính kèm khắp nơi như cổ áo, thân áo, tay áo, hoặc gấu áo...”.
Trò chuyện với chúng tôi, chị cho biết kinh nghiệm của chị là thường đi vào buổi chiều, lúc ấy trả giá thoải mái và người bán hàng cũng xởi lởi hơn. Tuy nhiên, theo chị thì đừng nên ham rẻ mà mất tiền oan uổng. Hơn nữa, do số lượng hàng hóa quá nhiều nên người mua, nếu không có kinh nghiệm, sẽ bị rối mắt và không chọn được món đồ như ý muốn.
Một bí quyết mà nhiều tay “săn hàng thùng” truyền tai nhau đó là “muốn mua đồ đẹp phải chọn đúng thời điểm. Bởi lẽ các cửa hàng bán hàng thùng thường có quy ước ngầm về thời gian xổ kiện hàng mới. Có nghĩa là mỗi tuần thường có 2, 3 ngày người ta lấy hàng mới về. Đó là thời gian mà người ta xổ hàng. Tại chợ Đông Tác, người ta thường xổ hàng vào thứ bảy và chủ nhật. Lúc hàng mới xổ, người mua thoải mái lựa chọn những món đồ yêu thích mà không phải lo mua đồ thừa”.
(Còn nữa)
Thu Hồng