Theo Bộ Công an, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được xử lý hình sự theo Điều 193 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm.
Mức hình phạt sẽ tăng nặng nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc danh nghĩa cơ quan, tổ chức; thực hiện hành vi buôn bán qua biên giới; hoặc nếu hàng giả tương đương với số lượng hàng thật, hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 150 triệu đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại về tài sản trong khoảng từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng; hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Với những hành vi phạm tội trên có thể bị phạt tù từ 5 đến 10 năm.
Nếu hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hơn, như hàng giả trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng, làm chết người hoặc gây tổn hại cho một hoặc nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 61% đến 121%, thì hình phạt sẽ là từ 10 đến 15 năm tù.
Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng trở lên, làm chết từ hai người trở lên, hoặc gây thương tích với tổng tỷ lệ thương tật từ 122% trở lên cho nhiều người, cá nhân phạm tội có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, và có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với pháp nhân thương mại vi phạm, mức xử phạt cũng được quy định rất rõ: nếu thuộc trường hợp nhẹ (tương đương khoản 1), có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng.
Trường hợp vi phạm có tình tiết tăng nặng như tổ chức, tái phạm nguy hiểm, gây hậu quả về người hoặc tài sản như đã nêu tại khoản 2, mức phạt sẽ từ 3 tỷ đồng đến 6 tỷ đồng.
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng hơn như quy định tại khoản 3, pháp nhân có thể bị phạt từ 6 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng. Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như tại khoản 4, pháp nhân thương mại có thể bị phạt tới 18 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, các hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại gồm: phạt tiền từ 100 triệu đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm. Trong trường hợp đặc biệt, pháp nhân có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.