Sáng ngời những tấm gương bình dị mà cao quý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cho dù những khó khăn, giông bão, cuộc đời vẫn luôn đẹp vì có những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
10 năm cõng bạn đến trường là hành trình yêu thương của Ngô Minh Hiếu.
10 năm cõng bạn đến trường là hành trình yêu thương của Ngô Minh Hiếu.

Những con người bình dị

Người nông dân có nhiều cải tiến áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - đó là cách mà mọi người gọi ông Thái Văn Miên, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Người đã vinh dự được tỉnh Đồng Tháp chọn tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X ngày 10/12/2020 tại Thủ đô Hà Nội.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của địa phương về chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, ông Thái Văn Miên luôn chịu khó học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm tăng thu nhập cho gia đình.

Vào đầu mùa vụ mới, ông nghiên cứu chọn giống lúa chất lượng cao, sử dụng phương pháp cấy hay xạ hàng tùy theo loại đất, kết hợp “3 giảm, 3 tăng” theo khuyến cáo của nhà khoa học. Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản với các công ty, doanh nghiệp, tham gia làm thành viên hội đồng quản trị các hợp tác xã trên địa bàn.

Trong các phong trào do địa phương phát động, ông Thái Văn Miên luôn tiên phong đi đầu như: Đóng góp tiền để rải đá tuyến đường nông thôn, công trình thắp sáng đường quê; tiền quà cây mùa xuân; hỗ trợ tập, học bổng cho học sinh nghèo, học giỏi; tiền, gạo cho hộ nghèo; đóng góp kinh phí cho công tác quốc phòng - an ninh tại địa phương... hàng năm trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông kinh doanh cửa hàng vật tư nông nghiệp nên tạo việc làm thường xuyên khoảng 20 lao động, trong đó có hộ nghèo và cận nghèo có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo.

10 năm cõng bạn đến trường là hành trình yêu thương của Ngô Minh Hiếu, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Triệu Sơn 5, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và hiện đang là sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Trong suốt 10 năm, hành trình cõng bạn Nguyễn Tất Minh – người bạn cùng xóm bị bại liệt hai chân và cả tay phải ngay từ khi mới lọt lòng đến trường đã làm rung động bao trái tim, thu hút sự chú ý của nhiều người về tình bạn trong sáng, cao đẹp.

10 năm cõng bạn đến trường, đôi chân của Hiếu đã trở thành đôi chân của Minh. Hiếu đã hy sinh bớt những hoạt động vui chơi của tuổi mới lớn, những niềm vui nho nhỏ của cuộc sống đời thường nhưng chưa bao giờ Hiếu phàn nàn hay bỏ cuộc.

Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020, Hiếu thi khối B với số điểm 28,15 (Toán: 9,40; Hóa: 9,75; Sinh: 9,0), còn Minh đậu khối A với điểm số 28,10 (Toán: 9,06; Lý: 9,25; Hóa: 9,25). Ước mơ của Hiếu là trở thành bác sĩ giỏi để có thể chữa bệnh cứu người; còn mơ ước của Minh là thi đậu vào Khoa công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hai bạn đều đạt được ước mơ, nguyện vọng của mình. Với hành trình yêu thương – 10 năm cõng bạn đến trường, cùng với những thành tích đã đạt được trong học tập, vượt khó vươn lên, Hiếu đã được Chủ tịch nước, UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp tuyên dương, tặng Bằng khen, Giấy khen. Hiếu là một trong 4 nhân vật được độc giả bình chọn là “Nhân vật VietnamNet truyền cảm hứng 2020”.

Cũng là một nhân vật được VietnamNet vinh danh là Nhân vật truyền cảm hứng đó là anh Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần Vũ trụ xanh (PHGLock), người đã sáng chế máy phát gạo tự động (ATM gạo) để tặng gạo cho người khó khăn, bị mất việc làm trong thời gian dịch bệnh.

Chiếc máy đầu tiên được đặt tại địa chỉ 204B đường Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP HCM. Máy gồm một bồn chứa gạo đặt trên mái nhà, và hệ thống ống dẫn gạo xuống. Thiết bị chính của máy là chuông thông minh và van tự động. Máy ATM gạo này đã giải quyết việc tập trung đông người, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người phát và người nhận. Bộ phận cảm biến nhận dạng sẽ thông báo cho người phụ trách quản lý máy biết người đến nhận có thật sự là người khó khăn không, đã nhận gạo bao nhiên lần trong ngày để đảm bảo công bằng và đối tượng nhận phù hợp tiêu chí. Những người đến nhận được yêu cầu phải đeo khẩu trang, xếp hàng chờ cách nhau 2m, rửa tay trước khi lấy bịch, nhấn nút và hứng gạo. Mô hình điểm phát gạo tự động chính thức hoạt động từ ngày 06/4/2020 và dự kiến hoạt động đến khi dịch bệnh kết thúc.

Năm 2020, Công ty Cổ phần Vũ trụ xanh và cá nhân anh Hoàng Tuấn Anh đã nhận Bằng khen của UBND TP HCM, Thư khen của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Thư cảm ơn của Đại sứ quán Đông Timor, Liên đoàn Gạo Myanmar, Tổng lãnh sự quán Vương quốc Campuchia…

Anh Hoàng Tuấn Anh người đã sáng chế máy phát gạo tự động.

Anh Hoàng Tuấn Anh người đã sáng chế máy phát gạo tự động.

Đọng lại bài học về tình yêu thương con người

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021); 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021) và Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Năm nay đã là năm thứ 9 triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được tổ chức liên tiếp tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nhưng năm nào cũng vậy, câu chuyện, hình ảnh về những tổ chức, cá nhân bình dị mà cao quý luôn làm người xem xúc động, tự hào.

Với hơn 200 tài liệu, bài viết và hiện vật, triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” giới thiệu đến công chúng 131 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến là 60 tập thể và 71 cá nhân đã được lựa chọn từ hơn 300 tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2020 - 2021. Mỗi hình ảnh, bài viết, hiện vật là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đơn cử như câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Mạnh, sinh năm 1990, cư trú ở xóm 4, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, hiện làm nghề lái xe tải. Anh chính là người cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 ở chung cư 60B, Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Trước đó, để chuẩn bị cho triển lãm, các cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đề nghị anh Nguyễn Ngọc Mạnh tặng hiện vật cho bảo tàng. Nhận được sự đề nghị của Bảo tàng Hồ Chí Minh, anh Mạnh đã đồng ý tặng một số kỷ vật liên quan đến các việc tốt anh đã làm gồm: 1 bộ quần áo, 1 đôi giày anh đã mặc và mang khi cứu cháu bé; bộ đồ nghề anh Mạnh từng sử dụng cắt tóc miễn phí cho đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. Bộ đồ nghề này do người vợ - chị Phùng Thị Thủy, hiện làm giáo viên mầm non tặng anh.

Về bộ quần áo và đôi giày, anh Nguyễn Ngọc Mạnh chia sẻ: “Đây là bộ quần áo mà tôi mặc đi làm hàng ngày và cũng là bộ quần áo tôi đã mặc khi cứu cháu bé”. Còn về bộ đồ nghề cắt tóc, anh Mạnh cho biết: “Bộ đồ nghề do vợ mua cho khi tôi bắt đầu học nghề cắt tóc. Lúc đầu, tôi dự định mở cửa hàng cắt tóc để mưu sinh, nhưng vì việc cắt tóc từ thiện chiếm nhiều thời gian, hơn nữa các con tôi đều nhỏ nên tôi đã chuyển sang nghề lái xe để tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn cắt tóc miễn phí cho anh em đồng nghiệp vì họ có cuộc sống vất vả, khó khăn, sáng đi làm sớm, tối mịt mới được về nhà, phần lớn thời gian phải ngồi trên xe, rất ít khi rảnh rỗi. Gắn bó với bộ đồ nghề này đã được một thời gian nhưng hôm nay, tôi quyết định tặng lại kỷ vật này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh làm hiện vật và lưu giữ lâu dài”.

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - ông Vũ Mạnh Hà cho biết, trong phong trào thi đua “Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” suốt 5 năm qua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng, góp phần vào việc xây dựng con người, xây dựng tổ chức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Cũng theo ông Hà, 131 câu chuyện về tổ chức, cá nhân bình dị - những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã đọng lại trong chúng ta bài học về tinh thần tương thân, tương ái, yêu thương con người, đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên, khuyến khích mỗi chúng ta nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, lập nghiệp, phấn đấu để trưởng thành và cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

“Đây là một hoạt động chính trị - văn hóa có ý nghĩa, bởi triển lãm không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương “Người tốt, việc tốt” trên khắp mọi miền đất nước, mà còn giúp công chúng nhận thức sâu sắc hơn về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần đưa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay” - ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.

Đọc thêm