Tâm sự của người lính làm nên “Đêm buồn tỉnh lẻ”
Danh ca Chế Linh (SN 1942) tên thật là Chà Len, được sinh ra trong một gia đình người Chăm nghèo ở tỉnh Ninh Thuận. Từ thuở nhỏ, ông được một tu sĩ người Pháp hướng dẫn học nhạc. Năm 1959, khi mới 17 tuổi, ông rời quê để vào Sài Gòn lập nghiệp.
Vào đến Sài Gòn, không người thân thích, ban đầu ông phải đi đánh giày và bán báo để mưu sinh. Sau đó, ông may mắn làm việc cho một gia đình người Hoa tốt bụng. Người này đã giúp đỡ Chế Linh đi học và trả lương mức lượng 75 đồng một tháng. Ngược lại, ông phải giúp việc nhà như nấu ăn, trông coi con nhỏ cho gia đình này.
Năm 1962, Chế Linh tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đoàn văn nghệ Biệt Chính và giành được danh hiệu “Nam ca sĩ xuất sắc nhất”. Sau đó, ông đi theo đoàn hát Biệt Chính cùng với các nhạc sĩ như Trúc Phương, Châu Kỳ… biểu diễn trong các miệt làng xa tại Biên Hòa.
Tuy nhiên, 2 năm sau, đoàn văn nghệ Biệt Chính tan rã, các nhạc sĩ đều trở lại Sài Gòn, riêng Chế Linh ở lại Biên Hòa. Ông chuyển sang làm tài xế chở đá tại núi Bửu Long (Biên Hòa) chung với nhạc sĩ Bằng Giang. Tại đây, khi thời gian rảnh rỗi, ông lại luyện giọng. Nhạc sĩ Bằng Giang là người hiểu rõ ý định của ông nên khuyên ông theo nghề ca hát.
Danh ca Chế Linh |
Cuộc gặp gỡ này trở thành một điểm mốc quan trọng, khi họ cùng nhau sáng tác những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng với bút danh chung là Tú Nhi - Bằng Giang. Danh ca Chế Linh từng chia sẻ rằng, những ca khúc mà ông viết chung với nhạc sĩ Bằng Giang vào thời điểm ông mới chập chững vào nghề sáng tác, nên phần nhạc được Bằng Giang viết, còn phần lời là của Tú Nhi.
Danh ca Chế Linh tiết lộ, trong sự nghiệp sáng tác của mình, ca khúc đầu tiên mà ông viết là “Đêm buồn tỉnh lẻ”, đây cũng là ca khúc nổi tiếng trong làng nhạc bolero. Bài hát viết cho tâm sự của người lính, là một người bạn của ông.
“Bài hát đầu tay của tôi là “Đêm buồn tỉnh lẻ”. Bài này tôi viết cùng với nhạc sĩ Bằng Giang, viết về cuộc đời lính. Lúc đó, tôi còn trẻ lắm, không biết lính là gì cả. Thời điểm đó, tôi đi thăm người bạn ở Long Khánh, là người lính, anh có người yêu, nhưng đời lính sao về phép hoài được. Anh nhắn tôi: “Về mày đi tới thăm người yêu tao, nói tao gửi lời thăm”. Lúc đó, trong quán khuya rồi, trời mưa lâm râm, tôi nảy ý viết ra bài này”, danh ca Chế Linh từng kể.
Thấu hiểu hoàn cảnh của bạn, Chế Linh đã viết những lời nhạc đầu tiên trong sự nghiệp của mình: “Đã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất/ Mái trường ơi em tôi còn học nữa hay ra đi từ độ nào/ Ngày xưa đó ta hay đón dìu nhau đi trên con đường lẻ loi/ Mấy năm qua rồi em anh không gặp nữa/ Bao yêu thương và nhớ anh xin chép nên thơ vào những đêm buồn…”.
Vào thời điểm ca khúc này ra đời, dòng nhạc vàng của các giai điệu nhẹ nhàng, thổn thức như bolero, rhumba… chưa có quá nhiều tác phẩm, mặc dù khán giả của dòng nhạc này phần đông là công chúng thuộc tầng lớp bình dân, đại chúng. “Đêm buồn tỉnh lẻ” là ca khúc đầu tiên và mang đặc trưng của xu hướng âm nhạc đó - dễ nghe, dễ hiểu, dễ đi vào lòng của đại chúng nghe nhạc. Đây cũng là ca khúc đầu tiên đã đưa tên tuổi Chế Linh đến với công chúng nghe nhạc trong suốt nhiều thập niên qua.
Bí mật không ngờ về bút danh Tú Nhi
Ngay từ sáng tác đầu tay - “Đêm buồn tỉnh lẻ”, Chế Linh đã lấy bút danh Tú Nhi. Tiết lộ về bút danh này, ông bảo Tú Nhi có ý nghĩa là một đứa bé tuấn tú. Tú có nghĩa là tuấn tú, nhi có nghĩa là nhi đồng. Khi chọn bút danh này và cho đến tận bây giờ, ông vẫn luôn mong muốn mình hồn nhiên như một đứa bé thơ.
Ông cũng thừa nhận nhận rằng, việc để người khác tò mò về tác giả Tú Nhi cũng là mong muốn của mình. Ông đoán được sự băn khoăn của mọi người về việc tại sao tác giả có cái tên rất bé thơ này lại viết những ca khúc tự sự đầy tâm trạng, những mối tình lãng mạn và “gãy đổ”.
Có dạo, danh ca Chế Linh hát nhạc của người có tên gọi Tú Nhi nhiều hơn hẳn so với sáng tác của các nhạc sĩ khác. Ai hỏi về Tú Nhi, ông chỉ cười. Lý do đơn giản như chia sẻ của Chế Linh là bởi ông e ngại nếu biết ông và Tú Nhi là một, các nhạc sĩ khác sẽ ngại giao bài của mình cho ông vì e ông không hết mình với sáng tác của người khác.
Cũng bởi thế mà nhiều người chỉ biết rằng, Chế Linh chuyên hát nhạc của Tú Nhi và Tú Nhi là người chuyên viết nhạc cho ông hát. Điều này không làm Chế Linh cảm thấy thiệt thòi mà trái lại, ông cảm thấy như thế thì lạ và hay hơn.
“Từ khi vào làng âm nhạc với chủ ý của tôi, Tú Nhi và Chế Linh là hai người hoàn toàn xa lạ để rộng đường và dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ lẫn nhau. Hơn nữa, tôi muốn dành cho khán thính giả sự tò mò về tung tích của Tú Nhi và đặt nhiều câu hỏi. Ví dụ như tại sao Chế Linh lại thích hát những sáng tác của Tú Nhi và ngược lại Tú Nhi lại thích cung cấp bài hát cho Chế Linh trình bày. Rất mong mọi người thứ lỗi về sự giấu giếm này”, nam danh ca thổ lộ.
Lời bài hát “Đêm buồn tỉnh lẻ” |
Với những người yêu mến giọng hát của danh ca Chế Linh đều dễ dàng nhận ra thấp thoáng đằng sau các sáng tác mà ông viết dưới bút danh Tú Nhi đều có bóng dáng của một người nào đó. Mỗi ca khúc đều chứa đựng những điều rất thật ở trong đó. Và đó chính là dáng dấp của những “bóng hồng” đã đi qua cuộc đời Chế Linh và để lại trong ông nguồn cảm hứng viết nhạc.
“Đa phần những bài viết của tôi đều mang ít nhiều những câu chuyện có thật, của tôi hoặc của người khác. Như cô gái lên Mai trong bài “Mai lỡ mình xa nhau”, đó là một cô gái dễ thương tóc dài, đến với tôi rất tự nhiên bởi trận trú mưa ở một góc phố tại Sài Gòn ngày nào” danh ca Chế Linh chia sẻ.
Nam danh ca cũng từng tiết lộ rằng, thường khi ông viết bài hát là trong quán rượu hoặc cà phê, hay trên máy bay hoặc khi lái xe, nói chung là ngoài đường. Vì vậy, vợ ông không có dịp để xen vào trong vấn đề này, nhưng người vợ rất vui và thích thú mỗi lần ông ngân nga một bài hát nào mới.
Danh ca Chế Linh cũng tìm con đường riêng trong âm nhạc. Đó là hát cho tình yêu đôi lứa, tình yêu của lính và hát dòng nhạc gần gũi với đời sống của người nghe nhạc phổ thông. Giọng hát của ông có sự mùi mẫn đặc trưng trong những ca khúc thời trang, đại chúng, dễ đi vào lòng người.
Chế Linh là một trong 4 giọng nam nổi tiếng nhất nền bolero thời kỳ đầu. Ông từng được xếp vào hàng “tứ trụ nhạc vàng” cùng với Duy Khánh, Nhật Trường, Hùng Cường. Tuy nhiên, trong “tứ trụ” đó, chỉ có duy nhất Chế Linh còn đi hát bền bỉ tới tận bây giờ và vẫn được đông đảo công chúng ngưỡng mộ.
Với cách hát đặc trưng của mình, danh ca Chế Linh chính là “tượng đài” để nhiều ca sĩ đi sau ảnh hưởng cách hát. Điển hình là một giọng ca mới nổi tại hải ngoại những năm gần đây - ca sĩ Đan Nguyên, hay nhiều ca sĩ khác cũng ảnh hưởng cách hát của ông khi thể hiện các ca khúc của nhạc vàng.