Sáng tạo trong phòng chống dịch của TP HCM

(PLVN) - Chỉ ít ngày sau khi lệnh cách ly xã hội được đưa ra, các phương tiện chen chúc nhau di chuyển tại những trục đường dẫn vào trung tâm TP HCM nằm tại quận 1, quận 3. Phía ngoại ô thành phố, khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn hoạt động trong mùa dịch. Dù ban quản lý đã bố trí tan ca theo từng khung giờ khác nhau, nhưng dù trong khung giờ nào, cảnh tượng đông đúc, ùn tắc vẫn diễn ra.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đi thị sát tại một doanh nghiệp

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định việc hàng triệu công nhân đi làm hàng ngày hiện nay đang là nguy cơ lớn lây lan Covid-19 và có thể gây bùng phát dịch. TP cần kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức sản xuất, nghiên cứu để các nhà máy hoặc tạm dừng hoạt động, hoặc giảm tới mức thấp nhất khả năng lây nhiễm thì mới được tiếp tục sản xuất. 

“Nhà nước không ngăn cản doanh nghiệp sản xuất, nhưng phát triển kinh tế phải đảm bảo yêu cầu, không gây rủi ro cho an toàn người dân”, ông Nhân nhấn mạnh.

Việc đảm bảo an toàn phòng dịch cho người lao động được nhắc đến gần như hàng ngày trong các buổi họp của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP. Giữa khoảng thời gian được đánh giá là “giai đoạn vàng” chống dịch, vấn đề mới được đặt ra cho chính quyền TP là làm sao để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo duy trì sản xuất, không để nền kinh tế lâm vào trạng thái đình trệ.

Ngay khi có dấu hiệu mất an toàn trong lao động sản xuất, ngày 4/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn lãnh đạo, trực tiếp đi thị sát tại một số cơ sở. 

Tại một nhà máy bên trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), ông Phong yêu cầu việc thực hiện phòng dịch cần được quán triệt tới từng người lao động, chỉ cần một người nhiễm Covid-19, cả phân xưởng, ký túc xá phải cách ly và mất thu nhập là điều khó tránh khỏi.

“Bảo vệ sức khỏe của người lao động là bảo vệ sản xuất, chỉ cần một công nhân nhiễm bệnh, toàn bộ dây chuyền sẽ chịu ảnh hưởng lớn”, ông Phong nhận định.

Sau khi kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng những vướng mắc trong việc thực hiện Chỉ thị 16 đối với trường hợp này.

Cụ thể, UBND TP cho rằng đa số doanh nghiệp hoạt động theo dây chuyền sản xuất cố định, khó đáp ứng yêu cầu “không quá 20 người trong một phòng, yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người...”.

Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp sau đó được TP ban hành.

Bộ chỉ số gồm tổng cộng 10 tiêu chí, trong đó 6 tiêu chí đánh giá dựa trên việc tuân thủ quy định phòng chống dịch của công nhân trong khu công nghiệp, 2 tiêu chí liên quan xe đưa rước công nhân. Hai chỉ số còn lại dựa trên việc công ty phát khẩu trang cho nhân viên và có làm ca đêm. 

Các cơ sở có chỉ số rủi ro lây nhiễm rất cao, từ 80% đến 100% sẽ không được hoạt động. Với chỉ số từ 80% trở xuống, doanh nghiệp theo mức độ được hoạt động bình thường hoặc phải có giải pháp giảm rủi ro.

Để đẩy nhanh tốc độ đánh giá phòng dịch, đoàn liên ngành của thành phố gồm Sở Y tế; Sở GTVT; Sở LĐTB&XH kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trên 3.000 lao động. 

UBND quận, huyện kiểm tra doanh nghiệp từ 1.000 đến 3.000 lao động còn UBND phường, xã, thị trấn được giao giám sát các doanh nghiệp dưới 1.000 lao động.

Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân xưởng, nhà máy tự thực hiện dựa trên hướng dẫn về các biện pháp an toàn dịch bệnh. Để đảm bảo khách quan và tính nghiêm túc, các tổ kiểm tra tiếp tục tới cơ sở để giám sát việc tự đánh giá của doanh nghiệp.

Trả lời báo chí, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) Chu Tiến Dũng cho rằng chỉ đạo này của UBND TP mang ý nghĩa khuyến cáo, giúp doanh nghiệp tự nhận diện và đánh giá rủi ro tại cơ sở, từ đó có kế hoạch khắc phục. 

“Đây là cơ hội để doanh nghiệp tự cải thiện. Mỗi đơn vị chỉ cần dành chút thời gian là có thể hoàn thành bảng chấm điểm, doanh nghiệp có thể tự nghiên cứu giải pháp khắc phục”, ông Dũng nói.

Tương tự, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam, nhận xét cách làm này của thành phố là phù hợp trong thời điểm các doanh nghiệp loay hoay tìm cách thích nghi với dịch. 

Ông Du cho rằng Bộ chỉ số có thể chưa hoàn thiện và cần phải chỉnh sửa phù hợp với tình hình nhưng quan trọng là có tiêu chí rõ ràng để doanh nghiệp có cơ sở dựa vào. Nếu sai cũng biết sai ở đâu để sửa và rút ra bài học kinh nghiệm. 

“Điều quan trọng là phải có phương án để các hoạt động trong xã hội vẫn duy trì nhưng giảm thiểu tối đa rủi ro. Mỗi ngành, mỗi địa phương phải có cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình mỗi nơi để thích ứng với dịch bệnh chưa biết bao giờ kết thúc này”, ông nói.

Đọc thêm