Sao cứ quan trọng hóa Trung thu ngày xưa thế này, ngày nay thế kia...?

(PLO) - Nhiều người trong chúng ta cứ quan trọng hóa việc Trung thu ngày xưa là thế này, Trung thu ngày nay thế kia. Nhắc đến Trung thu nay là nhắc đến thói tiêu cực sính ngoại, là hoài cổ làng nghề thủ công bị quên lãng, là mất đi giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng, cũng đừng quên, văn hóa phát triển cùng dòng chảy thời đại, có lẽ đã đến lúc cần có những góc nhìn mới: Trung thu của trẻ em hiện đại, Trung thu của người trẻ trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Giá trị cốt lõi của cái Tết trẻ em là niềm vui của con trẻ, nhà nhà sum vầy.
Giá trị cốt lõi của cái Tết trẻ em là niềm vui của con trẻ, nhà nhà sum vầy.

Vượt qua suy nghĩ cũ kỹ, hoài cổ…

Ai cũng hiểu rằng, thế hệ trẻ em ngày nay đã khác nhiều so với những thế hệ trước. Đối với những đứa trẻ thời hiện đại còn thân thuộc với điện thoại smartphone và internet, cập nhật tin tức còn nhanh hơn cả các bố mẹ, việc chúng không quá háo hức mong chờ để có một chiếc đèn ông sao hay đèn kéo quân; cũng không phải mong mỏi chờ đợi những chiếc kẹo, chiếc bánh nướng bánh dẻo như xưa có lẽ không phải là một điều đáng chê trách, mà là hệ quả tất yếu của xã hội hàng hóa phát triển và đất nước hội nhập.

Song nhiều người vẫn muốn áp dụng suy nghĩ “Trung thu của tôi ngày xưa là…”, phê phán cuộc sống hiện đại hối hả, trẻ em thành thị chóng chán, Tết Trung thu của trẻ em thành phố không còn mang nhiều hương vị đặc trưng so với trước đây.

Người ta nói, ít thấy các bố mẹ tự tay làm đồ chơi Trung thu cho con, bởi nay có sẵn hàng loạt đồ chơi nhập ngoại trên thị trường, đa dạng, màu sắc, giá cả phong phú. Điều này làm mất đi giá trị của đồ chơi truyền thống, chứa đựng sự quan tâm của bố mẹ. Đồ chơi thủ công dân gian ngày càng thui chột, ế ẩm; nghệ nhân ngày càng ít dần. 

Người ta cũng phàn nàn, trẻ em thành thị thích đón Trung thu ở các trung tâm thương mại hoặc tới những địa điểm tổ chức nhất định; không còn biết về những hoạt động truyền thống như trình diễn múa lân, phá cỗ trông trăng, chơi các trò chơi dân gian. 

Người ta cũng chê trách, các bà nội trợ ngày nay “bận rộn quá”, không còn cầu kỳ trong việc chăm chút mâm cỗ Trung thu như xưa, mà theo kiểu nhanh, tiện, mua hàng chục loại bánh kẹo, hoa quả nội, ngoại để trưng bày, mà không hiểu ý nghĩa của mâm cỗ ngày rằm ra sao. 

Người ta cũng chỉ trích bánh Trung thu ngày nay được sản xuất phổ biến, đại trà, bởi công nghệ dây chuyền, máy móc hiện đại, ngày càng lấn át bánh Trung thu cổ truyền mộc mạc được làm thủ công từ bàn tay khéo léo của con người. 

Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Có thể thời nay có nhiều thay đổi, nhưng cũng có nhiều thứ mãi không đổi thay; như cái niềm vui nhỏ bé thơ ngây khi các bạn nhỏ được tíu tít, sum vầy cùng gia đình, được chơi đùa cùng bạn bè; như cái sự tò mò, háo hức khi được cắt dán giấy màu, làm đồ chơi cho riêng mình, hoặc khi được nhận một món đồ chơi mới; hay sự thích thú, vui vẻ khi được thưởng thức những chiếc bánh nướng bánh dẻo đủ sắc, đủ vị. 

Tết thiếu nhi, Tết đoàn viên là một dịp để gia đình đoàn tụ. Con cái đi làm xa xôi trở về thăm ông bà, cha mẹ. Trung thu đối với người ở nông thôn còn là dịp mà vụ mùa vừa trôi qua, người ta được ngơi nghỉ, được ăn mừng mùa màng bội thu và chuẩn bị cho vụ Đông sắp tới.

Trong những ngày nông nhàn ấy, giữa tiết trời thu trong trẻo, các bậc làm cha, làm mẹ cũng muốn gom góp những điều tốt lành nhất cho những đứa con nhỏ. Ấy thế, là đã có cái không khí Trung thu của mỗi trẻ em, của mỗi gia đình. Đó cũng là giá trị cốt lõi của cái Tết trẻ em – niềm vui của con trẻ, nhà nhà sum vầy.

Tiếp biến văn hóa là tất yếu

Hình ảnh nhiều bạn nhỏ háo hức đeo mặt nạ, cầm chiếc đèn ông sao, cùng những món đồ chơi đơn giản, được làm từ giấy màu, keo dán, nhiều màu sắc đã trở thành biểu tượng không thể nào thay thế trong những dịp Trung thu xưa. 

Nhưng ngày nay, chúng ta cũng sẽ thấy những hình ảnh xưa cũ ấy theo góc nhìn đương đại, mới lạ, độc đáo, không chỉ thu hút già trẻ, trai gái mà còn cả những du khách nước ngoài. Tiêu biểu câu chuyện hòa mình cùng dòng chảy thời đại phải nói đến “Dạ hội Trung thu” tại Tuyên Quang; nơi có những chiếc đèn lồng “siêu khủng”, “siêu đẹp”, mang màu sắc sáng tạo riêng của người dân Tuyên Quang, đậm chất dân gian nhưng vẫn giàu tính nghệ thuật. Đó không phải là hình ảnh Trung thu xưa theo kiểu truyền thống, cũng không hề giống với ngày lễ đèn lồng của Trung Quốc. 

Trung thu của người trẻ nơi đây không hề “cũ kỹ”, cũng như chính trong âm nhạc của họ. Không còn phải là những bài ca thiếu nhi kinh điển như Thằng Cuội, Hội trăng rằm, Rước đèn tháng tám, Chiếc đèn ông sao..., giới trẻ tự sáng tác những tác phẩm âm nhạc mới cho Trung thu của riêng mình. Như trong bài rap “Trung thu Tuyên Quang” của Bùi Xuân Trường: “Đủ các sắc màu, các con đường đưa ta trở về tuổi thơ, đủ các mô hình, các đèn lồng ôi mãn nhãn quá cơ... và cùng nắm tay nhau đi, muộn phiền ta vứt bỏ đi, Trung thu Tuyên Quang thật tuyệt vời”. 

Du khách cũng ấn tượng với những hình ảnh văn hóa, du lịch như chiếc đèn lồng Thỏ vọng nguyệt tại quảng trường nhạc nước Times City (Hà Nội) kết bởi 6.800 đèn lồng nhỏ đỏ thắm, hay con đường đèn lồng dài nhất Việt Nam với hơn 1.000m tại công viên châu Á (TP Đà Nẵng), hoặc chiếc bánh dẻo trung thu nặng 2,1 tấn đặt tại khu đô thị Vinhomes Royal City (Hà Nội), lễ hội rước đèn ở Phan Thiết (Bình Thuận)…  

Nhìn lại những điều trên, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần vượt trên những tư tưởng cũ kỹ, hoài cổ, để hiểu rằng những thay đổi của thời đại, những tiếp biến văn hóa là điều tất yếu. Đã đến lúc người lớn cần tin vào thế hệ trẻ sẽ áp dụng những cách suy nghĩ mới để mang đến những ngày lễ, Tết vui vẻ đúng theo thế hệ của mình mà không lãng quên giá trị văn hóa gốc.

Đến lúc nào đó, Trung thu sẽ không còn là nỗi buồn của những nghệ nhân dân gian nữa, mà chính họ cũng hiểu họ là gốc rễ của dòng chảy văn hóa đương đại, là những người ông, bà, cha, mẹ sẽ “truyền lửa” con trẻ niềm yêu thích những ngày lễ truyền thống.

Đến lúc nào đó, người lớn cũng sẽ hiểu được, trẻ em vẫn sẽ yêu thích đồ chơi thủ công, đồ chơi dân gian, nhưng cũng có những đứa trẻ muốn tận hưởng dịp tết của mình theo lối hiện đại, được vui theo cách riêng của mình; từ đó, không còn áp đặt suy nghĩ “Trung thu của tôi ngày xưa” nữa. 

Đến lúc nào đó, Tết Trung thu cũng sẽ hiện hữu trong các góc độ văn hóa khác như thời trang, âm nhạc, phim ảnh, văn chương… để bạn bè quốc tế nhớ tới một ngày lễ truyền thống mang thương hiệu Việt Nam, Không nhầm lẫn với những Lễ Trung thu khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore…