Sao kê và cái giá của niềm tin từ thiện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày gần đây, "sao kê" của các tài khoản nghệ sĩ quyên góp từ thiện đã trở thành từ khóa "hot" được đông đảo dư luận quan tâm theo dõi... Liệu sao kê có chứng minh được sự minh bạch trong việc nhận quyên góp và sử dụng tiền từ thiện đúng mục đích? 
Sao kê và cái giá của niềm tin từ thiện

* Sao kê tài khoản có phải là kênh hữu hiệu để minh bạch hoạt động từ thiện?

Cuối năm 2020, Thủy Tiên, Công Vinh kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Từ ngày 13/10 đến ngày đóng tài khoản là 2/11, tài khoản của Thủy Tiên đạt hơn 177 tỷ đồng. Mới đây, Thủy Tiên, Công Vinh đã livestream trực tiếp việc sao kê tại ngân hàng với sự tham gia chứng kiến của luật sư, báo chí càng khiến sự việc được nhiều người quan tâm, tranh luận.

Sao kê chỉ “chốt” tiền vào, tiền ra, số dư tài khoản

Trả lời báo chí, Luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, theo khoản 2 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về bảo mật thông tin và Nghị định số 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì ngân hàng và các cá nhân, tổ chức khác “phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng”. Như vậy, sao kê tài khoản của khách hàng là thông tin mật, không được phép công khai trái quy định của pháp luật.

“Còn bản thân người có tài khoản, công khai hay không là quyền của họ, chứ không có nghĩa vụ phải công khai. Như vậy, xét dưới góc độ pháp lý, các nghệ sĩ không có nghĩa vụ phải công khai sao kê tài khoản nhận tiền từ thiện”, ông Đức cho biết.

LS Đức lý giải và lưu ý rằng, việc sao kê chủ yếu là chốt được số tiền đã nhận vào và số tiền đã rút ra khỏi tài khoản, chứ hầu như không có ý nghĩa trong việc chứng minh việc sử dụng tiền từ thiện đúng hay sai và có bị thất thoát hay không.

Đồng tình, LS Nguyễn Đức Hùng – Phó phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn LS TP Hà Nội) cũng cho rằng, việc sao kê chỉ có thể chứng minh đến thời điểm tiền về tài khoản là bao nhiêu, thời điểm rút bao nhiêu tiền và tài khoản đó có số dư như thế nào. Nó không có tác dụng chứng minh, xác thực số tiền đã rút được sử dụng để làm gì.

LS Hùng cũng phân tích, sao kê chỉ được thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản. Việc sao kê tài khoản được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng có sự thỏa thuận giữa 2 bên (cá nhân hoặc tổ chức và ngân hàng) và sử dụng đúng mục đích yêu cầu. Việc công khai số dư tài khoản, lịch sử hoạt động tiền ra, vào tài khoản thuộc quyền quyết định của cá nhân đó, hoặc người được cá nhân đó ủy quyền. Pháp luật chỉ quy định trong một số trường hợp đặc biệt, các cơ quan nhà nước có quyền can thiệp, yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cá nhân.

Tuy nhiên, theo LS Hùng, nếu các nghệ sĩ đã chấp nhận làm thiện nguyện, dùng ảnh hưởng của mình để huy động tiền thì cũng phải chấp nhận cơ chế quản lý công khai hoạt động tài khoản sao cho minh bạch. Thực tế, các nghệ sĩ chỉ được xem là người trung gian, đứng ra tiếp nhận và là người chuyển số tiền từ thiện cho những người đang gặp khó khăn. Có điều, khi trong dư luận có nhiều ý kiến tiêu cực về việc tố cáo các nghệ sĩ “ăn chặn” tiền từ thiện thì để chứng minh được sự minh bạch, việc sao kê tài khoản ngân hàng là một điều cần thiết.

Ăn chặn tiền từ thiện là vi phạm pháp luật

Theo LS Đức, hiện chưa có quy định về trách nhiệm của người trung gian làm từ thiện nên cũng chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính và hình sự về hành vi cụ thể này. Nhưng vì đây là quan hệ dân sự, gắn liền với tài sản nên nếu có hành vi chiếm đoạt thì sẽ được xử lý theo các quy định liên quan về việc sử dụng không đúng mục đích hoặc làm thất thoát tiền từ thiện.

“Về dân sự thì có thể bị khởi kiện yêu cầu thực hiện trách nhiệm dân sự nếu vi phạm cam kết với người khác. Nếu có hành vi ăn chặn, tức là chiếm đoạt tài sản từ thiện thì có thể bị xử lý hình sự tùy theo hành vi và tính chất, mức độ vi phạm tương ứng với các tội lừa đảo hay tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản của của người khác. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý theo các chế tài khác liên quan đến các hội đoàn, danh hiệu nghệ sỹ theo quy định của các tổ chức và pháp luật”, LS Đức chỉ rõ.

Còn LS Hùng thì cho rằng, hành vi ăn chặn tiền từ thiện của các nhà hảo tâm dành cho những số phận, những mảnh đời kém may mắn là một trong những hành vi đáng lên án, vô liêm sỉ, là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

LS Hùng khuyến nghị, vấn đề minh bạch tài chính phải do cơ quan kiểm toán thực hiện, khi kiểm toán vào cuộc tất cả các khoản thu, chi, kể cả phát tiền mặt cũng sẽ được làm rõ. Như vậy mới khách quan và chính xác về thời gian đóng/mở tài khoản, tức là thời điểm bắt đầu và ngừng nhận hỗ trợ; công khai sao kê chi tiết biến động số dư để mạnh thường quân có thể tự kiểm tra được giao dịch của mình và đảm bảo minh bạch dòng tiền; công khai chi tiết báo cáo đầu ra, tức là tiền giải ngân như thế nào, phát cho ai, phát bao nhiêu, phát vào thời gian nào, thậm chí là mời cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh và sau đó công bố chi tiết cho dư luận.

Đọc thêm