Vụ cháy này xảy ra cách vụ cháy ở khu vực đường Đê La Thành, gần BV Nhi TƯ (Hà Nội) có mấy ngày với hậu quả “khủng khiếp”: 02 người tử nạn, 19 ngôi nhà bị thiêu rụi làm ảnh hưởng đến 31 hộ và 99 nhân khẩu.
Sao cháy nhiều thế? Gần như là “thi đua” cháy?
Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 2.024 vụ cháy (trong đó có 1.942 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và 82 vụ cháy rừng); làm 65 người tử vong, 133 người bị thương, thiệt hại 1.302,7 tỷ đồng và 194 ha rừng (trong đó, có 19 vụ cháy lớn, gây thiệt hại tài sản 819,2 tỷ đồng). Xảy ra 16 vụ nổ, làm 3 người tử vong, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản 336 triệu đồng.
Quý III không thể thấp hơn 2 quý trước đó, thậm chí theo dõi các vụ được báo chí đưa tin thì thấy các vụ cháy gần đây không hề nhỏ. Chỉ riêng trong tháng 8, trên địa bàn cả nước xảy ra 278 vụ cháy, nổ, làm 7 người chết và 15 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 28 tỷ đồng.
Ngoài nguyên nhân bất khả kháng, cháy nổ do con người là chủ yếu. Đó là nhận thức về trách nhiệm của một số đơn vị, cơ sở về PCCC không quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Ý thức của một bộ phận người dân về công tác PCCC còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, hạ tầng xã hội, giao thông, nguồn nước... còn không ít tồn tại, vướng mắc, bất cập. Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trở lại với vụ cháy ở khu vực đường Đê La Thành (Hà Nội) để thấy, không cháy mới là chuyện lạ. Chính các chủ nhà trọ cho biết: nếu đầu tư đến PCCC thì chi phí phòng trọ sẽ cao; và những người thuê trọ cũng trả lời rất đơn giản: vẫn biết nguy hiểm nhưng giá thuê càng rẻ càng tốt.
Giữa nghịch lý đó, cháy nổ xảy ra là đương nhiên. Xin nhắc lại, ngày 10/7, tại Hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/ 2018, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá: Dù có chuyển biến trong công tác PCCC nhưng nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn TP vẫn rất lớn. Nguyên nhân có nhiều nhưng quan trọng nhất là trách nhiệm của cấp quản lý, của người đứng đầu các đơn vị. Tất cả các vụ cháy đều có trách nhiệm quản lý nhà nước.
Vâng, chính quyền cơ sở, từ tổ dân phố trở lên và cán bộ công an theo theo dõi từng khu vực dân cư không thể “đứng ngoài” trách nhiệm. Điều này cho thấy pháp luật về PCCC chưa đi vào cuộc sống, pháp luật về PCCC chưa có giá trị cưỡng chế. Đó là điều đáng phải suy nghĩ.