Sao phải nhập thuốc cùng loại sản xuất được trong nước?

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trao đổi thông tin liên quan đến việc nhập thuốc ngoại khi thuốc trong nước đã bảo đảm cung ứng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trao đổi thông tin liên quan đến việc nhập thuốc ngoại khi thuốc trong nước đã bảo đảm cung ứng:

Năng lực sản xuất thuốc trong nước hiện nay đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu chữa bệnh. Ảnh minh họa.

- Dù Bộ Y tế khuyến khích bệnh nhân ưu tiên dùng thuốc Việt Nam nhưng nhiều ý kiến cho rằng, để đưa được thuốc nội vào bệnh viện, nhất là các bệnh viện lớn thì không hề đơn giản, thậm chí không loại trừ chuyện tiêu cực nếu doanh nghiệp dược trong nước muốn thuốc của mình có chỗ đứng trong các toa thuốc của bác sỹ. Ông nhận xét về vấn đề này như thế nào?

- Vấn đề này liên quan đến việc kê đơn thuốc của các bác sỹ trong bệnh viện, thuộc lĩnh vực quản lý của Cục Quản lý khám chữa bệnh. Về phía Cục quản lý dược đã được giao việc bổ sung, sửa đổi các quy định cũ để Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC về đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế, trong đó có đưa ra các quy định để ưu tiên thuốc sản xuất trong nước như: mỗi thuốc trong gói thầu thuốc theo tên genneric phải có nhóm thuốc sản xuất trong nước trúng thầu... Các cơ sở sản xuất trong nước đầu tư nghiên cứu đánh giá hiệu quả điều trị của thuốc, có thử tương đương sinh học được tham gia đấu thầu thành gói riêng.

   - Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, Bộ Y tế đã triển khai cuộc vận động và xây dựng Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” với mục đích nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, qua đó góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc có chất lượng sản xuất tại Việt Nam tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng.

Đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam tăng cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước.

Bên cạnh đó, Thông tư  số 11/2012/TT-BYT ngày 28/6/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế đã cho điểm tối đa đối với nhà thầu là cơ sở sản xuất thuốc trong nước và ngoài ra còn cho điểm ưu tiên đối với mặt hàng thuốc được sản xuất từ nguyên liệu kháng sinh sản xuất trong nước.

- iệt Nam đã sản xuất được nhiều loại thuốc kháng sinh, lẽ ra các bệnh viện nên tích cực sử dụng loại thuốc này trong điều trị và hạn chế sử dụng thuốc ngoại, tránh tốn kém kinh phí cho người bệnh. Tại sao hàng năm chúng ta vẫn nhập một khối lượng lớn thuốc kháng sinh cùng loại với thuốc mà doanh nghiệp dược trong nước sản xuất được?

- Trong những năm qua, ngành dược Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng, bình quân tổng giá trị tiền sử dụng thuốc mỗi năm tăng khoảng 20%. Việt Nam đã sản xuất được thuốc thuộc đa số các nhóm dược lý, hầu hết các thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu. Tuy nhiên, việc sản xuất các thuốc chuyên khoa đặc trị hoặc các thuốc có dạng bào chế đặc biệt còn hạn chế.

Để đẩy mạnh việc sử dụng thuốc trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Đồng thời, Cục Quản lý dược đang làm đầu mối xây dựng  và trình các văn bản để đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng thuốc  sản xuất trong nước như: Đề án “Phát triển công nghiệp dược Việt Nam”, “Kế hoạch sản xuất và sử dụng vắc xin từ 2012 đến 2020” và Đề án “Sản phẩm quốc gia về vắc xin phòng bệnh cho người”.

- Theo đánh giá của Bộ Y tế, năng lực sản xuất thuốc trong nước hiện nay đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phục vụ công tác chữa bệnh. Tuy nhiên, tổng trị giá tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam của 34 bệnh viện trung ương năm 2010 chỉ chiếm 11,9% tổng số tiền thuốc điều trị. Ông có ý kiến gì trước những con số này? Liệu đây có phải là một nghịch lý của việc sử dụng thuốc tại các bệnh viện hiện nay?

- Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, tỷ lệ trị giá tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam tại các bệnh viện huyện cao nhất (61,5%); tại các bệnh viện trung ương thì tỷ lệ này rất khiêm tốn với con số 11,9%. Các con số này cho chúng ta cái nhìn thực tế về tình hình sử dụng thuốc trong các bệnh viện. Do các bệnh viện trung ương là tuyến điều trị cuối cùng, bệnh nhân tập trung tại đây thường là các bệnh nhân nặng, bệnh chuyên khoa, các bệnh nhân đã điều trị không thành công tại các tuyến dưới chuyển lên. Việc sử dụng thuốc tại các bệnh viện tuyến trung ương là thuốc chuyên khoa, thuốc có những hoạt chất, dạng bào chế mà có thể trong nước chưa sản xuất được. 

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại các bệnh viện trung ương thấp. Vì vậy Bộ Y tế đã ban hành Đề án trên nhằm khuyến khích các cơ sở điều trị tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước có chất lượng với các giải pháp như: ban hành Thông tư về chế độ kê đơn thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có quy định về tỷ lệ kê đơn thuốc sản xuất tại Việt Nam; ban hành tiêu chí cụ thể để chấm điểm phân hạng bệnh viện trong việc phấn đấu tăng tỷ lệ % sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng giá trị tiền sử dụng thuốc hàng năm của bệnh viện; xây dựng cơ chế thanh toán thuốc bảo hiểm y tế theo hướng ưu tiên thanh toán thuốc sản xuất tại Việt Nam....

- Trân trọng cám ơn ông.

Vân Anh (thực hiện)

Đọc thêm