Sắp có công cụ hỗ trợ hiệu quả trong đánh giá việc thi hành pháp luật

(PLO) - Hôm qua (16/6), trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập quốc gia Canada tại Việt Nam (Dự án NLD), Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo góp ý đối với dự thảo Khung theo dõi thi hành pháp luật (THPL) và hệ thống thu thập dữ liệu. 
Sắp có công cụ hỗ trợ hiệu quả trong đánh giá việc thi hành pháp luật

Khung theo dõi và hệ thống này được kỳ vọng sẽ là bộ công cụ hỗ trợ hiệu quả để Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có thể nhận định, đánh giá một cách khoa học, chính xác về tình hình THPL.

Cần công cụ, phương tiện hỗ trợ hoạt động theo dõi thi hành pháp luật

Thực tiễn cho thấy, theo dõi tình hình THPL có phạm vi rất rộng, bao trùm mọi lĩnh vực pháp luật từ Trung ương tới địa phương. Đây là nhiệm vụ nặng nề và không phải của riêng Bộ Tư pháp, mà là nhiệm vụ chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Những năm qua và nhất là trong hai năm (2015 – 2016), công tác theo dõi THPL đã được triển khai bài bản hơn với nhiều đổi mới, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Thể chế về công tác theo dõi THPL tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện; phương pháp theo dõi THPL tiếp tục được nghiên cứu đổi mới; hoạt động hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra công tác theo dõi THPL được chú trọng tăng cường…

Bên cạnh đó, công tác theo dõi THPL vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Đặc biệt là thực tiễn triển khai thực hiện công tác theo dõi THPL trong hơn 3 năm qua cho thấy sự cần thiết phải có các công cụ, phương tiện hỗ trợ hoạt động theo dõi THPL. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương hiện thiếu các công cụ, phương tiện hữu hiệu để thực hiện công tác theo dõi, đánh giá việc THPL một cách chính xác, hiệu quả và khoa học.

Việc theo dõi, đánh giá chủ yếu dựa trên hành lang pháp lý của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình THPL với quy định về các tiêu chí theo dõi, đánh giá còn chưa rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá tình hình THPL. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã hợp tác với Dự án NLD xây dựng dự thảo Khung theo dõi THPL và hệ thống thu thập dữ liệu nhằm giải quyết vướng mắc trên.

Áp dụng lý thuyết về quản lý dựa trên kết quả

Trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo và qua trải nghiệm thực tế, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Dương Thị Thanh Mai dẫn chứng: Sau đợt “vào cuộc” ráo riết, Chỉ số hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các bộ (Chỉ số MEI) năm 2014 của một số bộ, ngành, nổi bật là Bộ Giao thông Vận tải đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, Chỉ số MEI năm 2016 sắp công bố tới đây dự kiến cho thấy những tiến bộ trong THPL dường như chững lại sau lần khởi sắc của năm 2014. 

Do đó, bà Mai kỳ vọng Khung theo dõi THPL và hệ thống thu thập dữ liệu sẽ là công cụ theo dõi, đánh giá một cách thường xuyên, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ trưởng, cơ quan địa phương trong tổ chức THPL. Bộ công cụ cần hướng tới việc đạt mục tiêu đặt ra của các đạo luật khi được Quốc hội thông qua, tránh tình trạng như Luật DN, Luật Đầu tư quy định phải hạn chế giấy phép, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền tự do kinh doanh nhưng các văn bản dưới luật thì tạo ra nhiều giấy phép “con” làm khó người dân, DN.

Một trong những điểm mới, mang tính thay đổi đột phá nhất trong phương pháp tiếp cận khi xây dựng Khung theo dõi là việc áp dụng lý thuyết về quản lý dựa trên kết quả, thay vì quản lý dựa trên công việc như trước đây. Cách tiếp cận này giúp Khung theo dõi cụ thể, chi tiết, đầy đủ hơn với các cấp độ theo dõi (đầu vào, đầu ra, kết quả, tác động), tiêu chí, chỉ số, nguồn dữ liệu, cơ quan thực hiện, tần suất đo lường so với các nội dung theo dõi tình hình THPL quy định tại Nghị định 59. Đi kèm các Khung theo dõi là hệ thống thu thập dữ liệu theo dõi THPL với bộ công cụ tương ứng với các cấp độ theo dõi. 

Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn nhận định, Khung theo dõi THPL và hệ thống thu thập dữ liệu sẽ là một công cụ hữu hiệu giúp theo dõi tình hình THPL, giúp cơ quan, người có thẩm quyền đánh giá, đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời liên quan đến việc đề xuất chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL.

Sau khi Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL (Bộ Tư pháp soạn thảo, đã được ban hành), ông Sơn tin tưởng những nội dung trong Khung theo dõi không chỉ là những khuyến nghị mà sẽ là những nghĩa vụ mang tính pháp lý bắt buộc thực hiện.

Đọc thêm