Sắp thu phí bảo trì đường bộ, địa phương vẫn "mù mờ" thông tin

Đúng 5 ngày nữa (1/1/2013), các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy sẽ bắt đầu phải đóng phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này chính quyền nhiều phường, xã trên địa bàn Hà Nội vẫn án binh bất động với nhiều khó khăn khi thực hiện việc thu phí.

Đúng 5 ngày nữa (1/1/2013), các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy sẽ bắt đầu phải đóng phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này chính quyền nhiều phường, xã trên địa bàn Hà Nội vẫn án binh bất động với nhiều khó khăn khi thực hiện việc thu phí.

Địa phương "mù mờ"

Theo phương án thu phí bảo trì Đường bộ của Bộ GTVT vừa được Bộ Tài chính ra Thông tư hướng dẫn thì xe máy sẽ thu qua UBND xã, phường, thị trấn. Mức phí sẽ là từ 50.000 đến 150.000 đồng/năm tùy chủng loại xe. UBND cấp tỉnh, thành sẽ quyết định mức thu phù hợp với tình hình địa phương.

Ảnh minh họa

Theo ghi nhận của PV PLVN Online, hầu hết các xã, phường trên địa bàn TP Hà Nội chưa có phương án cho việc thu phí bảo trì đường bộ. Nhiều lãnh đạo các xã chia sẻ là dù chỉ chưa đầy 1 tuần nữa việc thu phí có hiệu lực nhưng địa phương vẫn chưa nhận được bất kỳ chỉ thị hay văn bản yêu cầu thực hiện nào mà chỉ “nghe tin” qua truyền thông, báo chí.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên( Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm thu phí bảo trì đường bộ nhưng đến nay Phường vẫn chưa nhận được một văn bản hướng dẫn”.

Cũng theo ông Hùng, bên cạnh đó, nếu giao việc thu phí trên cho phường thì sẽ đẩy phường vào khó khăn. Nhân sự của phường hiện mới có 23 cán bộ nhân viên, giải quyết những công việc hàng ngày còn vất vả nói gì đến chuyện đi thu phí bảo trì đường bộ. Nếu không có thêm người, không có cơ chế cụ thể thì e rằng việc thu phí tại phường khó lòng mà thực hiện được.

Nhiều ý kiến trái chiều

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT  cho biết: UBND các phường, xã, thị trấn triển khai việc thu phí xuống các tổ dân phố, khu dân cư. Lực lượng này sẽ gõ cửa từng nhà để phát phiếu, yêu cầu người dân kê khai và tổ chức thu phí.

 Khi hoàn thành việc thu phí UBND phường, xã nơi tổ chức thu phí được trích giữ đến 10% và các xã được giữ lại đến 20% số phí thu được.

Theo chuyên gia hành chí Diệp Văn Sơn, việc giao cho tổ dân phố, thôn thu phí sẽ vi phạm các quy định về quản lý tài chính. Nếu giao cho cấp này thu, quản lý phí đường bộ thì chuyện thất thoát, nảy sinh tiêu cực rất dễ xảy ra.

Tổ trưởng tổ dân phố là nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của viêc thu phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi nhiều tổ trưởng dân phố tỏ ra không mặn mà với quy định trên.

Ông Vũ Bá Sậu, tổ trưởng tổ dân phố khu I (phường Thanh Xuân Bắc) cho biết: " Theo quy định tổ dân phố chỉ có thể vận động người dân đóng phí sử dụng đường bộ chứ không thể cưỡng chế buộc người dân đóng phí. Do vậy, việc gõ cửa từng nhà để thu tiền bảo trì đường bộ là không hợp lý".

Khác với ông Sậu, ông Nguyễn Quang Gắng, tổ trưởng tổ dân phố 15, (phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai) bày tỏ, việc giao cho các tổ trưởng tổ dân phố vận động, thống kê, thu tiền bảo trì đường bộ là hợp lý. Bởi các tổ trưởng phố là những người gần địa bàn, gần gũi với người dân nên việc thu phí sẽ có thuận lợi hơn".

Tuy nhiên, cũng theo ông Gắng, để việc thu phí bảo trì đường bộ sớm đi vào thực tiễn, các cơ quan chức năng cần xây dựng những cơ chế hỗ trợ cụ thể giành cho các tổ trưởng dân phố, xây dựng chế tài xử phạt đối với những người cố tình không nộp quỹ...

Hoàng Phan

Đọc thêm