Sắp xuất hiện "làng ung thư" giữa lòng Hà Nội?

 "Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo của người dân nơi đây là không tránh khỏi. Thống kê từ 4 tháng gần đây trên địa bàn thôn đã có 9 người chết vì bệnh ung thư. Hiện có 4 người phát hiện mắc căn bệnh quái ác này, chủ yếu là ung thư vòm họng và phổi", Theo ông Phan Thủy, Trưởng xóm 2 thôn Văn, xã Thanh Liệt (Thanh Trì- Hà Nội) cho biết.

Theo phản ánh của người dân xã Thanh Liệt (Thanh Trì- Hà Nội) Công ty Dệt 19 - 5 khởi động quy trình nhuộm vào trung tuần tháng 5/2012. Hệ thống nước thải của nhà máy xả thẳng ra sông Tô Lịch gây mùi khó chịu. Điều này khiến 400 hộ dân thôn Văn ngày đêm ăn không ngon ngủ không yên bởi hàng ngày bị mùi lạ hành hạ.
 
Các hộ dân thuộc xã Thanh Liệt nói chung và thôn Văn nói riêng đều sống bằng cách trồng rau. Họ bơm trực tiếp nguồn nước từ sông Tô Lịch lên để tưới rau. Từ ngày nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, thu nhập từ việc trồng rau bị sụt giảm đáng kể.

Chưa kể đến việc hàng ngày lội ruộng hái rau nên gần như 100% người dân đều bị mắc bệnh ngoài da. Người dân còn luôn phải chịu đựng tiếng ồn từ nhà máy phát ra cùng mùi hôi thối nồng nặc. Việc người dân đi lại, sinh hoạt quanh xóm mà vẫn phải dùng khẩu trang là hình ảnh quen thuộc.
 

xxx
Bể nước thải chưa qua xử lý và đã xử lý đều là một màu xanh đen, bốc mùi thối

Bà Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Hai tháng nay bà luôn trong tình trạng đau đầu, buồn nôn. Cách đây hai ngày bà phải lên trạm xá để tiêm và truyền nước do cơ thể có dấu hiệu suy nhược. Đặc biệt vào những ngày nắng nóng một số nhà sống cạnh công ty buộc phải sơ tán sang nhà họ hàng ở các xã lân cận. Nhà nào không có anh em họ hàng thì chỉ còn cách đóng kín cửa, thậm chí lấy băng dính dán vào các khe hở của cửa sổ, cửa ra vào để trốn mùi.
 
Trên địa bàn xã hiện có hai trường mầm non cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc ô nhiễm này. Cô giáo Minh Thảo (trường mầm non Thanh Liệt 2) cho biết: "Có những hôm số học sinh vắng mặt quá nửa bởi gia đình xin phép cho con đi bệnh viện khám viêm phế quản".

Chỉ cách công ty một con đường là trường mầm non tư thục Hoa Hồng. Theo ông Phan Thủy, Trưởng xóm 2 thôn Văn cho biết, nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo của người dân nơi đây là không tránh khỏi. Thống kê từ 4 tháng gần đây trên địa bàn thôn đã có 9 người chết vì bệnh ung thư. Hiện có 4 người phát hiện mắc căn bệnh quái ác này, chủ yếu là ung thư vòm họng và phổi.
 
Theo ông Nguyễn Văn Cường, trưởng thôn Văn, 8h30 ngày 1/8 diễn ra cuộc họp giữa người dân thôn Văn và ban lãnh đạo công ty. Ông Trần Văn Tuy, Phó giám đốc Công ty Dệt 19 - 5 đưa ra quyết định ngừng hoạt động kể từ 11h trưa 1/8. Tuy nhiên, chiều hôm đó và ngày hôm sau công ty vẫn hoạt động.
 
Hiện nay, để "bảo vệ" mình, trên trục đường chính vào thôn Văn cũng là tuyến đường công ty Dệt 19-5 vận chuyển hàng hóa, sản phẩm, người dân đã dựng một barie chắn ngang đường. Họ làm vậy để cản xe tải chuyên chở than đốt lò cùng các hóa chất phục vụ cho công đoạn tẩy nhuộm của công ty.

Bà Nguyễn Thị Hiếu-Phó chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết: Trong cuộc họp sáng 4/8, xã giao cho công an xã xuống đo đạc vào ngày 7/8 để nắm tình hình cũng như quyết định biện pháp xử lý. Nếu barie làm cản trở các phương tiện tham gia giao thông có thể sẽ bị dỡ bỏ. Bên cạnh đó tuyến đường chính dẫn vào thôn đang bị xuống cấp nghiêm trọng bởi xe chở nguyên vật liệu có trọng tải lớn của công ty thường xuyên đi qua.

Sáng 5/8 bà Phạm Thị Hồng Lê - Trợ lý Tổng Giám đốc, đại diện của công ty đã nhận trách nhiệm và đến ngày 25/8 sẽ tiến hành làm lại đường, bồi thường cho người dân. Riêng đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về hoa màu cũng như sức khỏe người dân, công ty hứa sẽ nghiên cứu và bàn bạc sau.
 
Khảo sát một vòng quanh khu sản xuất của công ty thì thấy khu pha chế thuốc nằm ở sâu bên trong chứa khá nhiều bao tải là nguyên liệu dùng cho việc tẩy nhuộm. Đó là những bao bì ghi chữ Trung Quốc in hơi nhòe và không tìm thấy hạn sử dụng. Bể nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc. Bể nước thải chưa qua xử lý và bể đã xử lý đều là một màu xanh đen, bốc mùi hôi thối.
 
Theo bà Hiếu, Công ty Dệt 19-5 đã cung cấp cho UBND xã một số văn bản, nhưng vẫn thiếu giấy phép xả thải; giấy phép khai thác nước dưới đất; hợp đồng thu gom rác, phế thải; báo cáo về quan trắc môi trường.

Ngày 2/7, Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường thông báo kết quả phân tích mẫu nước thải của Công ty Dệt 19-5 tới phòng PC49. Kết quả, ba chỉ tiêu vượt QCVN 40:2011/BTNMT là: Màu vượt tiêu chuẩn 90,71 lần; COD vượt 30,03 lần; TSS vượt 13,97 lần.


Theo Người đưa tin

Đọc thêm