Nạn nhân tử vong là chị Dương Thị Hằng (30 tuổi, quê Bắc Ninh), còn người bị thương là ông Nguyễn Hùng Cường (52 tuổi). Được biết, thanh sắt rơi từ công trình xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê ở lô đất 4.6 đường Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) do Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai làm chủ đầu tư.
Công trình được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép năm 2013 với quy mô 16 tầng nổi và hai tầng hầm hiện đã thi công xong phần thô và đang hoàn thiện, lắp kính mặt ngoài tòa nhà. Nhà thầu phụ thi công lắp kính mặt ngoài là Công ty Cổ phần Thương mại phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Trả lời câu hỏi trách nhiệm dư luận đặt ra, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, sự cố nói trên một lần nữa báo động tình trạng mất an toàn lao động nghiêm trọng tại các công trình xây dựng nhà cao tầng ở Hà Nội. Theo Luật sư, trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động.
Kế hoạch này được xem xét định kỳ, hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường. Để tổ chức thi công, nhà thầu sẽ có bộ phận quản lý an toàn lao động, hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường.
Khi phát hiện vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động hoặc các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động, phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, xử lý theo quy định nội bộ của nhà thầu. Theo đó, có thể tạm dừng thi công đối với công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động. Đình chỉ tham gia lao động đối với người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong thi công xây dựng và báo cáo cho chỉ huy trưởng công trường.
Từ những phân tích trên, Luật sư cho biết, sự cố thanh sắt công trình xây dựng do lỗi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình, người này không thực hiện đúng quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã vi phạm Điều 6 Thông tư 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng; có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người” quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm tùy theo mức độ, tính chất.
Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, từ đền bù thiệt hại, dừng công trình...
“Khi chúng tôi đến thì công an đã phong tỏa hiện trường, chúng tôi nắm được sơ bộ qua báo cáo của Công an thì được biết, thiết bị nâng đỡ công nhân để lắp kính phía mặt ngoài công trình bị rơi xuống, quá trình rơi đã văng một thanh thép ra và thanh thép rơi nằm trong kết cấu của hệ thống nâng đó. Sự việc khiến 1 người bị chết và 1 người bị thương, hỏng 2 xe máy”, ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, thiết bị đó yêu cầu phải kiểm định. Chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, từ đền bù thiệt hại, dừng công trình, phòng tránh tất cả các hiện tượng có thể xảy ra; đồng thời phải đợi đến khi phía Công an điều tra, báo cáo xong rồi kết luận xem có được thi công không.
Diễn biến mới nhất, chiều ngày 28/9, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, an toàn ở nơi đông người để điều tra việc rơi thanh sắt khiến một người chết, một người bị thương...